(HBĐT) - Người Mường chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, người Mường ở Hoà Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá độc đáo. Nhiều năm qua, tỉnh đặc biệt chú trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường.
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023 đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc... Huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa miền núi đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong tỉnh gắn với phát triển du lịch". Trong đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đầu năm 2023, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được tổ chức tại Mường Bi - Tân Lạc là điểm nhấn trong các sự kiện văn hóa của tỉnh. Đây là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường trong tỉnh, nhất là ở 4 vùng Mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động. Với ý nghĩa và giá trị sâu sắc, năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH được tỉnh quan tâm thực hiện. Đối với DSVH phi vật thể, trong công tác quản lý di tích, di vật, cổ vật, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện nhiều di tích của người Mường như: Các khu mộ cổ tại Đống Thếch, Kim Truy (Kim Bôi); xóm Lồ (nay là xóm Mường Lồ), xóm Luỹ (nay là xóm Luỹ Ải), Đống Bay (Tân Lạc); Đồi Thung, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn); xã Nhuận Trạch, Cư Yên (Lương Sơn); xã Dũng Phong (Cao Phong)… Trong quá trình khai quật tại các khu mộ cổ đã phát hiện nhiều di vật, cổ vật về đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt… có giá trị, là tư liệu quan trọng góp phần tìm hiểu lịch sử của dân tộc Mường cũng như tìm hiểu nền văn hoá văn minh Việt cổ. Các hiện vật, di vật, cổ vật hiện được lưu giữ, bảo quản ở Bảo tàng quốc gia, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình và các nhà sưu tập đồ cổ trong, ngoài tỉnh. Các di tích đình, đền, chùa, miếu gắn với tín ngưỡng dân gian có 221 điểm di tích được kiểm kê và đưa vào danh mục bảo vệ của tỉnh, 43 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia.
Giá trị của di sản nhà sàn, trang phục truyền thống của người Mường thời gian gần đây đã được quan tâm. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH nghệ thuật chiêng đã đạt được kết quả tích cực. Trong các lễ hội của tỉnh, nghệ thuật chiêng Mường được đầu tư công phu, quy mô lớn như: Lễ hội Chiêng Mường lần thứ nhất năm 2011 và lần thứ hai năm 2016 nhân dịp Kỷ niệm 125 năm và 130 năm thành lập tỉnh, được Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là màn trình tấu chiêng lớn nhất Việt Nam với 1.600 nghệ nhân. Năm 2016, nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó, việc kiểm kê phục vụ công tác bảo tồn và phát huy các DSVH phi vật thể được quan tâm. Kết quả đã kiểm kê được 267 DSVH phi vật thể của dân tộc Mường. Căn cứ kết quả kiểm kê đã lập hồ sơ khoa học đề nghị 4 DSVH phi vật thể của người Mường Hòa Bình được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật chiêng Mường; mo Mường; Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường; Lịch tre của người Mường. Trong đó, DSVH mo Mường Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập hồ sơ khoa học trình UNESCO. Hiện đang tiếp tục xây dựng hồ sơ các di sản "Nghề dệt cạp váy Mường” và "Hát thường đang - bộ mẹng” của người Mường Hòa Bình đề nghị đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia để bảo tồn và phát huy...
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Cùng với những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường, hiện nay, tiến trình đô thị hoá với nếp văn minh đô thị thâm nhập mạnh mẽ vào đời sống của đồng bào Mường cả những mặt tích cực và tiêu cực. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống có nguy cơ biến dạng, thậm chí biến mất khỏi đời sống cộng đồng người Mường. Sở VH-TT&DL tham mưu tỉnh xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030. Việc triển khai đề án là hết sức cần thiết để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH và truyền thống tốt đẹp của người Mường. Đồng thời quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển KT-XH tỉnh trong thời gian tới.
Linh Trang
Tối 2/9, đông đảo người dân Thành phố Hồ Chí Minh đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực Bến Bạch Đằng để thưởng thức màn bắn pháo hoa nghệ thuật chào mừng Quốc khán
(HBĐT) - Tối 30/8, Ban CHQS huyện Mai Châu phối hợp Đoàn TNCS HCM huyện tổ chức Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng năm 2023.
Hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả của các câu lạc bộ hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không chỉ góp phần giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật truyền thống mà còn tích cực tham gia quảng bá, lan tỏa nghệ thuật Xẩm thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Tối 29/8, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Nắng Ba Đình” do Báo Đại biểu nhân dân chủ trì, phối hợp tổ chức chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập Báo Đại biểu nhân dân.
(HBĐT) - Ngày 29/8, Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức Liên hoan tiếng hát người cao tuổi lần thứ nhất, năm 2023.
(HBĐT) - Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023), 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023), tối 28/8, tại Nhà văn hóa huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Tân Lạc tổ chức Hội thi Dân vũ thể thao huyện lần thứ nhất, năm 2023. MobiFone Hòa Bình đồng hành cùng hội thi.