(HBĐT) - Ngày 3/10, tại khuôn viên di tích đền Chúa Ngòi, tổ 3, phường Quỳnh Lâm, UBND thành phố Hòa Bình tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đền Chúa Ngòi. Dự lễ có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đền Chúa Ngòi và tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình.
Đền Chúa Ngòi, phường Quỳnh Lâm được hình thành và tồn tại gắn với tín ngưỡng văn hóa dân gian thờ bà Chúa Ót (hay Chúa Út - Chúa Đệ tam Lâm Thao) và thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là vị tướng với tài thao lược, trí dũng song toàn. Ông đã lãnh đạo quân, dân nhà Trần chiến đấu 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, giữ vững nền độc lập cho dân tộc. Không những được biết đến là nhà chỉ huy quân sự thiên tài, Trần Quốc Tuấn còn được biết đến là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, ông là tác giả của nhiều tác phẩm thuộc các thể loại văn học: thơ chữ Nôm, Hịch Tướng sĩ, Binh thư yếu lược.
Cũng như ở nhiều nơi theo tín ngưỡng dân gian, Nhân dân phường Quỳnh Lâm trước đây và hiện nay lấy đền Chúa Ngòi làm trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Hằng năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tại đền Chúa Ngòi được tổ chức theo nghi lễ xưa, tuy nhiên gọn nhẹ, đơn giản hơn trước. Lễ vật dâng cúng gồm: thịt lợn, thịt gà, xôi, rượu, trầu cau, hoa quả, bánh kẹo... Ngoài ra, các ngày lễ khác trong năm được tổ chức gọn nhẹ với tính chất giữ lệ. Trong ngày lễ chính, những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn được duy trì, phát huy, đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của Nhân dân. Trong những ngày tổ chức lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian (kéo co, ném còn), bóng chuyền… thu hút mọi người tham gia.
Thông qua những nghi trình, nghi thức của lễ hội diễn ra tại di tích góp phần giáo dục thế hệ trẻ về giá trị lịch sử - văn hóa, truyền thống tốt đẹp của cha ông. Đền Chúa Ngòi còn là di tích nằm trong tổng thể các điểm di tích của TP Hòa Bình như: đình Cả, đình Ngòi, đình Mường Trại, đình và đền Thịnh Lang, đền Ba Cô Tiên - động Thăng, nhà tù Hòa Bình, thắng cảnh động Tiên Phi...
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, đền Chúa Ngòi được UBND tỉnh cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích.
Bùi Văn Nam
(Sở VH-TT&DL)
(HBĐT) - Cùng với mo Mường, chiêng Mường, các câu hát đối giao duyên, làn điệu thường rang, bộ mẹng đang dần phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân 4 vùng Mường (Bi - Vang - Thàng - Động) và được tôn vinh, quảng bá ở nhiều sự kiện văn hóa, hội diễn văn nghệ của địa phương, của tỉnh. Tỉnh đã lập và trình hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước ghi danh nghệ thuật hát thường rang, bộ mẹng dân tộc Mường là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
(HBĐT) - Sáng 29/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) tổ chức trao chứng nhận cho 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I - 2022 và công bố giai đoạn II - 2023 Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”.
(HBĐT) - Tối 28/9, tại Trung tâm Văn hóa thành phố, UBND thành phố Hoà Bình tổ chức Chương trình "Đêm hội trăng rằm” năm 2023. Dự và chung vui với thiếu nhi có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Thành uỷ, UBND thành phố Hoà Bình…
Năm nay thành phố Chí Linh lần đầu tiên tổ chức Festival Chí Linh-Hải Dương 2023. Với sản phẩm mới này cùng với các hoạt động của Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc, Chí Linh khát vọng tạo "bệ phóng” cho du lịch "cất cánh”.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, tối 26/9 tại thủ đô Viêng Chăn, chùa Phật Tích phối hợp với Hội người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn tổ chức chương trình vui Tết Trung thu với chủ đề Đêm hội Trăng rằm.
Chiều 26/9, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác dâng hương tại đền Kiếp Bạc (Chí Linh).