Tối 1/8, tại Quảng trường Phạm Văn Đồng, thành phố Quảng Ngãi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Khai mạc Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024 với sự tham gia của nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên đến từ 24 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Một tiết mục thi diễn xướng dân gian.
Hội thi nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực của các dân tộc trên toàn quốc; đồng thời khẳng định niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đây là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ hội tụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, sưu tầm, phát hiện, tìm tòi, sáng tạo trong lao động nghệ thuật, góp phần giữ gìn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cho hay: Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa như một cơ sở quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, đồng thời đóng góp chung vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Cả nước hiện có hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể đang được gìn giữ, trong đó nhiều di sản đã được UNESCO ghi nhận hoặc được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, ngày càng nhiều lễ hội truyền thống được duy trì, gắn với phong tục, nghệ thuật trình diễn, văn hóa ẩm thực và trang phục truyền thống. Nhiều phong tục của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu và phục dựng nhằm bảo đảm sự đa dạng và phong phú của sắc thái văn hóa các vùng miền. Nhiều tấm gương sáng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được biểu dương, lan tỏa trong đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở tin tưởng rằng, bằng niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật, tình yêu di sản văn hóa dân tộc, các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công sẽ thể hiện nhiều tiết mục đặc sắc phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình. Đó là sự kết tinh từ những nét văn hóa đặc sắc nhất của các vùng miền của đất nước.
Rước biểu tượng vật thiêng, diễu hành nghệ thuật của đội Thừa Thiên - Huế.
Bà Huỳnh Thị Sương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Quảng Ngãi tự hào là địa phương có nhiều loại hình diễn xướng dân gian được gìn giữ và phát triển. Ở miền biển và đồng bằng có Nghệ thuật Bài chòi (được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại), nghệ thuật diễn xướng dân gian khác như dân ca, hát ru, bả trạo, hô thai, dân ca kịch... Miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nghệ thuật diễn xướng dân gian như hát ta lêu, ca chôi... của đồng bào Hrê; hát xà ru, a giới, a lát... của đồng bào Cor; hát ta lêu, ra nghế, dê ô dê... của đồng bào Ca dong. Với kho tàng, truyền thống văn hóa nghệ thuật đa dạng, mang đậm bản sắc, các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Bà Huỳnh Thị Sương hy vọng, trong thời gian ở tại Quảng Ngãi, các đại biểu, văn nghệ sĩ, diễn viên sẽ có những kỷ niệm đẹp trên quê hương núi Ấn - sông Trà.
Ngay sau Lễ Khai mạc là phần thi trình diễn trang phục dân tộc và diễn xướng dân gian đặc sắc của các đoàn. Phần thi: Trình diễn nghi lễ truyền thống và Ẩm thực; Trình diễn dân ca, dân vũ và trang phục dân tộc sẽ diễn ra từ ngày 2 - 3/8/2024.
Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024 diễn ra từ ngày 1 - 4/8/2024.
Theo Baotintuc.vn
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có chỉ đạo về việc dừng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam.
Cách Hà Nội chừng 100km, nép mình bên dãy núi Biều, bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã có lịch sử hơn 500 năm, nơi sinh sống của cộng đồng người dân tộc Dao Tiền. Qua sự giúp đỡ của tổ chức AOP tại Việt Nam, Công ty du lịch cộng đồng Đà Bắc triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại bản. Bản của cộng đồng người Dao Tiền chính thức đón khách du lịch từ năm 2017.
Người Mường chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, người Mường ở Hoà Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá độc đáo, trong đó có di sản văn hóa chiêng Mường.
Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 694/QĐ-TTg, ngày 18/7/2024 về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 3 di tích trên cả nước. Theo đó, tỉnh Hoà Bình có 1 di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành (Lạc Sơn) được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Trong 2 ngày, 16 - 17/7, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp Tổ chức hỗ trợ NCT quốc tế tại Việt Nam (HAI) tổ chức sơ kết Dự án Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khoẻ của NCT tại Việt Nam (VIE071); tập huấn bổ sung cho Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN), Hội NCT các cấp và các bên liên quan nơi có các CLB được thành lập trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh.