"Lên tiếng cho mai sau” là chủ đề của Liên hoan phim tài liệu về phát triển bền vững diễn ra từ ngày 30/10 đến 3/11 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia 87 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.
Với chủ đề này, các nhà làm phim muốn giới thiệu đến công chúng những câu chuyện về cách con người trên toàn thế giới đấu tranh và thích nghi với thay đổi nhanh chóng của môi trường và xã hội.
Phim "Carbon xanh: Sức mạnh thiên nhiên ẩn giấu” của đạo diễn Nicolas Brown (Vương quốc Anh) được Ban tổ chức lựa chọn công chiếu khai mạc Liên hoan vào tối 30/10. Cùng với Nhà sản xuất âm nhạc người Mỹ từng được đề cử giải Grammy Jayda Guy, người xem có hành trình trải dài từ Mỹ, Sanegal, Việt Nam, Pháp, Colombia và Brazil để "chứng kiến” những đổi thay kỳ diệu mà rừng ngập mặn đem lại cho thiên nhiên và con người. "Xin đừng phá hủy; hệ sinh thái cần phát triển; Hãy bảo vệ thiên nhiên - người thân yêu của chúng ta” là thông điệp mà đoàn làm phim muốn gửi đến công chúng
9 phim tài liệu khác sẽ trình chiếu tại Liên hoan gồm: "Khi mùa lũ về” của đạo diễn Nyal Mueenuddin (Pakistan); "Trại ghe bà Ba Liên” của đạo diễn Nguyễn Thu Hương (Việt Nam); "Nghịch cảnh của loài cá heo” của đạo diễn Olivia Andrus-Drennan (Mỹ); "Ngành du lịch trong bối cảnh biến đổi khí hậu” của đạo diễn Andrea Schäfer (Đức); "Giữa dòng phù sa” của đạo diễn Nguyễn Ngọc Thảo Ly (Việt Nam); "Những người hủy diệt hành tinh: Kẻ phá rừng” của đạo diễn Hugo Van Offel (Pháp); "The Hungry River” của đạo diễn Nguyễn Thị Yến Trinh (Việt Nam) và "Bụi của cuộc sống hiện đại” của đạo diễn: Franziska von Stenglin (Đức). Đây là những mảnh ghép của bức tranh đa chiều về phát triển bền vững, thể hiện sức mạnh của phim tài liệu trong việc nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng hành động để thay đổi cách chúng ta sống hôm nay, từ đó tạo nên tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau.
Liên hoan phim tài liệu về phát triển bền vững là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững 2023 - 2024 do Viện Goethe Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh tổ chức. "Với lợi thế của phim tài liệu là tiếp cận những câu chuyện có thật, chúng tôi mang đến cho khán giả Hà Nội 10 bộ phim được tuyển chọn, phản ánh những lát cắt cuộc sống ở Việt Nam và trên thế giới cùng với những vấn đề môi trường và xã hội liên quan. Những câu chuyện đa dạng từ khắp nơi trên thế giới từ những bộ phim tài liệu nghệ thuật này không chỉ chia sẻ thông tin, các vấn đề thời sự mà còn tạo sự rung động, kết nối, tạo những khát khao tìm hiểu sâu hơn về con người, nhân loại, sự bền vững xoay quanh con người", ông Liver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe chia sẻ.
Ba trong số các buổi chiếu phim sẽ có thêm phần hỏi đáp và thảo luận cùng các đạo diễn phim tài liệu, chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững nhằm khai mở những góc nhìn mới, khơi gợi các cuộc trò chuyện sâu sắc hơn về chủ đề của Liên hoan phim. Tại bế mạc diễn ra vào ngày 3/11, Liên hoan phim sẽ chào đón đạo diễn người Đức Franziska von Stenglin - cô là đạo diễn phim tài liệu "Pa Va Heng - The Dust of Modern Life" (Pa Va Heng - Bụi của cuộc sống hiện đại). Đạo diễn Franziska von Stenglin sẽ chia sẻ về những thôi thúc đã đưa cô từ châu Âu đến rừng già Tây Nguyên tại Việt Nam để làm phim. Cô cũng có buổi giao lưu với các nhà làm phim Hà Nội vào ngày 2/11.
Dự án Sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững 2023 – 2024 là sáng kiến thường niên của Viện Goethe nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội tại Việt Nam và các nhà làm phim tài liệu độc lập để kể những câu chuyện về phát triển bền vững. Với kinh nghiệm và kỹ năng của mình, cùng với việc tận dụng các tư liệu do các tổ chức xã hội cung cấp, các nhà làm phim được khuyến khích đóng góp vào việc thúc đẩy xã hội hướng tới những mục tiêu bền vững toàn cầu. Qua đó, Dự án cũng hỗ trợ các nhà làm phim tài liệu Việt Nam tham gia vào các liên hoan phim quốc tế.
Theo TTXVN
Ngày 28/10, Bảo tàng tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.
Ngày 28/10, tại Trường TH&THCS Yên Phú (Lạc Sơn), Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tổ chức chương trình tuyên truyền nội dung giá trị di tích quốc gia đặc biệt Mái đá làng Vành, xã Yên Phú. Gần 200 học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường tham dự chương trình.
Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, cũng như nhiều lĩnh vực khác, nghệ thuật múa Việt Nam cần tiếp thu hơi thở, nhịp điệu mới để phù hợp cuộc sống đương đại. Nhưng, hòa nhập đòi hỏi không được hòa tan là vấn đề cấp thiết và "chìa khóa” để giải mã vấn đề này không gì khác chính là tìm về yếu tố văn hóa, bản sắc truyền thống của cha ông. Đó là lý do nhiều tác phẩm múa đương đại Việt Nam đang lựa chọn hướng đi tích hợp giữa tính dân tộc và hiện đại.
Ngày 25/10, tọa đàm "Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng” đã diễn ra tại Hà Nội.
Trong những năm qua, thực hiện tiêu chí số 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn huyện Lạc Sơn từng bước được đầu tư khang trang, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sáng tạo, vui chơi giải trí, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.