Tỉnh Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm hơn 63% dân số, là trung tâm đồng bào dân tộc Mường cả nước. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, trong đó, Mo Mường là loại hình nổi bật, độc đáo chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc. Trải qua bao thế hệ, người Mường đã bền bỉ lưu giữ, truyền miệng và phát huy giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống và sức lan tỏa sâu rộng của di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đặc biệt này.


Các thầy mo Câu lạc bộ Mo Mường Thàng (Cao Phong) trao đổi về thành phần của túi khót.

Sức sống những áng Mo Mường

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường. Không gian diễn xướng của Mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình nhằm thực hành một nghi lễ nào đó.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) cho biết: Bao đời qua, cho đến ngày nay, vai trò, vị trí của Mo Mường còn giữ nguyên vị trí, vai trò trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Mường. Mo Mường góp phần hình thành, dưỡng nuôi cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ người dân tộc Mường và vùng đất Hòa Bình. Đó là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện thiết tha tình yêu cuộc sống, yêu con người, quê hương xứ sở; thể hiện khí phách, cốt cách của con người và vùng người Mường Hòa Bình. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ người Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của DSVHPVT vô cùng quý giá này.

Thời gian gần đây, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, trong đó có Mo Mường để phục vụ phát triển du lịch. Mo đã được biểu diễn trên sân khấu một số lễ hội ở các huyện và lễ hội lớn của tỉnh như tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), hay mới đây là chương trình Đêm hội rượu cần trong Tuần Văn hoá - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024. Việc làm này góp phần bảo tồn và quảng bá Mo Mường Hòa Bình.

Đặc biệt, các câu lạc bộ (CLB) Mo Mường được thành lập, đi vào hoạt động ở các huyện đã góp phần lưu giữ, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của Mo trong cuộc sống hiện nay. Cuối năm, mặc dù bộn bề công việc, nhưng các thành viên CLB Mo Mường Thàng - Cao Phong đã dành cho chúng tôi thời gian để chia sẻ về hoạt động của mình. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Ngọc Thuận, Chủ nhiệm CLB Mo Mường Thàng cho biết: Từ cuối năm 2021, CLB Mo Mường Thàng của huyện Cao Phong ra mắt và đi vào hoạt động với 25 thành viên. Đây là những nghệ nhân Mo Mường ở 9 xã trong huyện. Các thành viên tích cực tham gia hoạt động của CLB, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và nội dung các áng Mo Mường; tổ chức giao lưu với các CLB Mo trong tỉnh. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, hiện CLB Mo Mường Thàng có 44 hội viên tham gia sinh hoạt, trong số này có nhiều thầy Mo trẻ và đều nắm vững các bài mo, thực hành tốt nghi lễ Mo. Năm 2024, CLB làm thủ tục trình các cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận 4 thầy mo là Nghệ nhân Ưu tú, trong đó đảm bảo tiêu chí quan trọng là truyền dạy nghề cho học trò.

Không chỉ ở huyện Cao Phong, hiện nay, trên địa bàn tỉnh thành lập được nhiều CLB Mo Mường tại các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy, Kim Bôi với trên 100 thành viên. Trên cơ sở hoạt động của các CLB, ngành VH-TT&DL đã định hướng để thầy Mo ở các vùng Mường cùng sưu tầm, nghiên cứu, biên tập và xây dựng thành các cuốn sách về Mo của mỗi vùng với đặc thù riêng. Qua thời gian, mô hình của các CLB Mo Mường hoạt động hiệu quả, thu gom được nhiều tư liệu quý, các nghệ nhân tích cực tham gia. Không chỉ dừng lại ở hoạt động trên địa bàn, các CLB đã tổ chức giao lưu, trao đổi, chia sẻ và tiếp nhận được thông tin mới. Điều này trước đây là rất khó để các thầy Mo ngồi với nhau, bởi mỗi thầy Mo có một vị thế riêng, mang tính tâm linh. Nhưng bây giờ, hầu hết các thầy Mo đều có sự hài hòa, kết nối, chia sẻ -điều này có ý nghĩa, hiệu quả lớn trong việc bảo tồn giá trị Mo Mường.

Tôn vinh giá trị Mo Mường

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình ban hành nhiều văn bản quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, trong đó xác định Mo Mường là một trong những di sản cần bảo tồn, giữ gìn và phát huy trong đời sống cộng đồng, như Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 20/1/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy (BT&PH) giá trị di sản văn hóa (DSVH) Mo Mường trên địa bàn tỉnh được ban hành. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Mo Mường Hòa Bình; xây dựng kế hoạch lập Hồ sơ khoa học DSVH Mo Mường Hòa Bình trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia năm 2016. Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt và ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị DSVH Mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019-2025 và những năm tiếp theo”. Đặc biệt, tỉnh ban hành Đề án BT&PH giá trị văn hóa dân tộc Mường và "Nền văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh, đã dành nguồn lực đầu tư cho văn hoá, trong đó có Mo Mường...


Mo Mường được trình diễn trong chương trình "Đêm hội rượu cần" tại Tuần Văn hoá - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024, góp phần lan toả giá trị của di sản.

Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác BT&PH giá trị DSVH Mo Mường đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2015, tỉnh đón nhận bằng bảo trợ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cho DSVH "Mo Mường Hòa Bình”. Ngày 19/1/2016, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL có Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL đưa Mo Mường vào danh mục DSVH PVT quốc gia. Từ năm 2020, thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phối hợp với các tỉnh, thành phố có người Mường sinh sống gồm: Phú Thọ, Thanh Hóa, Sơn La, Ninh Bình, Đắk Lắk và Hà Nội xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về DSVH Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách DSVHPVT của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Sau khi Kế hoạch được ban hành, Sở VH-TT&DL tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo lập Hồ sơ quốc gia DSVH Mo Mường đệ trình UNESCO. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan tổ chức thành công Hội thảo trong nước về chủ đề "Mo Mường trong đời sống tín ngưỡng của người Mường xưa và nay” và Hội thảo quốc tế về chủ đề "Mo Mường và những hình thức tín ngưỡng tương đồng trên thế giới” diễn ra tại TP Hòa Bình. Hội thảo nhận được sự tham gia của đông đảo nghệ nhân Mo Mường thuộc các tỉnh, thành phố; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong nước và quốc tế.

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Từ tháng 2/2022 - 3/2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL phối hợp với Viện Âm nhạc thành lập nhóm cán bộ, chuyên gia, nghệ nhân để thực hiện việc bóc, dịch tư liệu, từ đó xây dựng kịch bản, lời bình, biên tập phim khoa học về DSVH Mo Mường, hoàn thành hồ sơ di sản Mo Mường. Ngày 31/3/2024, hồ sơ DSVHPVT quốc gia Mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao ra công hàm đệ trình tổ chức UNESCO xem xét, công nhận là DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Dự kiến lộ trình đến năm 2026, DSVH Mo Mường được UNESCO ghi danh. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho việc BT&PH giá trị của di sản. Trong đó sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng đối với việc gìn giữ, bảo vệ vốn di sản quý giá của dân tộc mình. Mo Mường không những được luật pháp của Nhà nước Việt Nam cam kết thực hiện, mà còn theo quy định chung cho DSVH thế giới, cả cộng đồng sẽ vào cuộc BT&PH giá trị tốt đẹp của di sản.

 


Lan Hương

Các tin khác


Hội Báo Xuân Ất Tỵ - Hòa Bình 2025 thành công tốt đẹp

Chiều 24/1, tức ngày 25 tháng Chạp, Hội Nhà báo tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình phối hợp tổ chức bế mạc Hội Báo Xuân Ất Tỵ - Hòa Bình 2025.

Hối hả chợ hoa, cây cảnh trưng Tết

Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm mới Ất Tỵ 2025, thị trường hoa và cây cảnh tại các địa phương trong tỉnh cũng nhộn nhịp hơn. Các nhà vườn, tiểu thương hối hả trong những chiều cuối năm. Người dân không chỉ tìm mua những loại hoa truyền thống để trang trí nhà cửa, mà còn quan tâm đến giá cả và chất lượng phù hợp với điều kiện từng gia đình.

Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận 870 dàn pháo hoa để bắn trong đêm giao thừa đón Xuân Ất Tỵ

Ngày 22/1, Bộ CHQS tỉnh đã tiếp nhận 870 dàn pháo hoa từ Nhà máy Z121, Tổng Cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng để phục vụ bắn pháo hoa chào mừng năm mới, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại các địa phương trong toàn tỉnh.

Thực phẩm handmade được ưa chuộng dịp Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề. Đây cũng là thời điểm nhu cầu về tiêu dùng thực phẩm tăng cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Những năm gần đây, bên cạnh nhiều sản phẩm công nghiệp thì thực phẩm tự làm (handmade) ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Với sự tiện lợi, giá thành hợp lý, sản phẩm phong phú, có thể điều chỉnh theo khẩu vị…, bởi vậy thực phẩm handmade ngày càng thu hút người tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục