Hòa Bình là tỉnh có dân tộc Mường sinh sống nhiều nhất, chiếm trên 63% dân số và có sự hiện diện của nhiều di sản văn hóa (DSVH), đem lại nhiều giá trị vật chất, tinh thần quan trọng trong đời sống nhân dân. Trang phục truyền thống là một DSVH đặc biệt. Trang phục được người dân trang trọng mặc trong dịp lễ hội, Tết, sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương. Tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường, trong đó có trang phục truyền thống.


Đại diện người dân tộc Mường trình diễn mẫu trang phục truyền thống của dân tộc. 

Trang phục truyền thống - cốt cách, linh hồn của dân tộc

Cùng với tiếng nói, chữ viết, lễ hội văn hóa, phong tục tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống thì trang phục là phương tiện cấu thành, dấu hiệu nhận diện và thể hiện bản sắc dân tộc rõ nét nhất. Trang phục truyền thống có vai trò như chỉ dấu văn hóa riêng cho mỗi dân tộc, tạo nên sự phong phú, đa dạng và đặc sắc cho các tộc người Việt Nam. Trang phục truyền thống của các dân tộc không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, là thông điệp của quá khứ để lại cho hiện tại và mai sau.

Như nhiều dân tộc anh em, trang phục truyền thống dân tộc Mường sớm hình thành, bao gồm trang phục dành cho cuộc sống lao động bình thường, trang phục trong ngày lễ hội, trong các sự kiện quan trọng của đời người; trang phục dành cho thầy cúng, thầy mo khi thực hành các nghi lễ giao tiếp với các lực lượng siêu nhiên; trang phục dành cho phụ nữ, đàn ông, người già, trẻ em...

Về tổng thể, trang phục của phụ nữ Mường gồm có chiếc khăn trắng thắt trên đầu, người Mường gọi là bít trôốc (hoặc mũ) áo ngắn (áo pắn), yếm, váy với hai phần chính là cạp váy và chân váy. Áo của con gái Mường thường đến chấm eo lưng hoặc áo chùng (dài tới đầu gối, phía dưới hơi xòe rộng, thường được mặc trong các dịp đặc biệt) có màu sắc sáng, xẻ ngực và tay áo dài. Màu sắc áo thường thấy sẽ là màu trắng, ngoài ra có vàng, hồng, xanh, đỏ, tím nhã nhặn. Có thể mặc khoác ngoài với áo yếm, để lộ những chiếc yếm được làm bằng thổ cẩm nhiều màu sắc ở bên trong hoặc cài lại bằng cúc thắt nút vải họa tiết rất kín đáo. Chân váy với cạp váy chính là điểm nhấn nổi trội nhất trong toàn bộ trang phục này. Thường cạp váy sẽ là phần nổi bật nhất vì có màu sắc sặc sỡ và thêu dệt công phu. Cạp váy được trang trí với các hoa văn trong dòng nghệ thuật Đông Sơn với các hình học như mặt trời, ngôi sao hay động vật như hươu, gà, công, phượng, rắn, rồng...

Trang phục của nữ cầu kỳ bao nhiêu thì trang phục của nam dân tộc Mường lại đơn giản bấy nhiêu. Họ mặc áo ngắn có cổ tròn và nẹp viền xung quanh. Quần được làm bằng vải mộc thô màu trắng, nâu, chàm hoặc đen, là kiểu quần suông, ống rộng lịch sự. Khi mặc người ta sẽ bắt chéo hai mép cạp dắt vào trong và dùng khăn để thắt lại.

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, cánh cửa giao thương được mở rộng với nhiều nước trên thế giới. Trong môi trường được tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới, làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ. Trang phục dân tộc Mường đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng, nguy cơ không còn giữ được bản sắc văn hóa của bộ trang phục truyền thống là hiện hữu.

Đến nay, một bộ phận không nhỏ người Mường chỉ mặc trang phục truyền thống trong các dịp Tết, lễ, ngày hội khiến trang phục truyền thống gần như trở thành thứ lễ phục, không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt bình thường. Y phục không còn nguyên gốc, thậm chí gần như biến mất khỏi cộng đồng, như trang phục lễ phục của nam giới người Mường. 

Xét về sâu xa, sự xa rời hoặc thu hẹp của trang phục truyền thống dân tộc trong sinh hoạt cộng đồng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến sự phát triển của điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội tác động đến lối sống, thói quen sinh hoạt của người dân, trong đó trang phục là lĩnh vực chịu nhiều thay đổi nhất. Điển hình, hiện nay nam giới người Mường không còn mặc trang phục truyền thống nữa. Trang phục phụ nữ Mường đã có nhiều biến đổi; nhiều người may và mặc bộ trang phục phụ nữ Mường nhưng biến đổi nhiều chi tiết đến mức đã lẫn với trang phục Thái Tây Bắc. Trong cuộc sống thường ngày của đồng bào Mường hiện nay chỉ còn lại số ít phụ nữ cao tuổi (từ 75 tuổi trở lên) còn mặc váy Mường hàng ngày. Một bộ phận người Mường chỉ mặc trang phục truyền thống trong dịp lễ, Tết, trong các chương trình thi trình diễn trang phục dân tộc. Đặc biệt là trang phục truyền thống nam giới người Mường gần như rất hiếm người mặc. Nghiêm trọng nhất là lễ phục của nam giới Mường gần như biến mất, không còn mấy người biết đến bộ lễ phục nam giới người Mường.

Một vấn đề khác cũng đáng quan ngại nổi lên thời gian qua là trang phục truyền thống qua việc làm mới, cách tân, cải biên. Thay vì phát triển, gìn giữ và tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa dân tộc, không ít cách làm, sử dụng đã làm biến dạng trang phục truyền thống; nét tinh hoa văn hóa thể hiện qua các bộ trang phục truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Nếu không kịp thời có biện pháp bảo tồn, phát triển, giúp trang phục truyền thống có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống đương đại thì một số giá trị văn hóa trang phục của người Mường sẽ biến dạng, mai một, thậm chí là biến mất. 

Vì thế, việc bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống là nhiệm vụ rất cấp thiết. Làm thế nào để thế hệ trẻ có ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa đặc trưng riêng của mình để bảo tồn, gìn giữ và phát huy, để văn hóa trang phục được khôi phục đúng bản sắc, phát huy giá trị nét đẹp, niềm tự hào về bộ trang phục truyền thống cần được phổ biến trong đời sống nhân dân. 

Trước hết, chính cộng đồng dân tộc Mường cần chủ động và tự giác coi việc gìn giữ, phát triển trang phục truyền thống của dân tộc mình là việc phải làm cho hiện tại và tương lai. Việc giáo dục ý thức trân trọng, tự hào với truyền thống của dân tộc thông qua các bộ trang phục truyền thống cũng cần được chú trọng trong nhà trường. Chỉ khi mỗi cá nhân cho tới cả cộng đồng đi từ nhận thức đúng đắn đến sự tự ý thức trong ứng xử với trang phục truyền thống thì giá trị văn hóa đặc sắc về trang phục mới được tôn vinh và có vị trí xứng đáng trong đời sống, góp phần tích cực vun đắp tình yêu văn hóa truyền thống, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Bảo tồn bộ trang phục truyền thống   phù hợp với cuộc sống hiện tại 

Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐ về kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023-2030 có nội dung BCĐ Đề án giao Sở VH-TT&DL phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, sưu tầm xây dựng mẫu quy cách của bộ trang phục truyền thống (thông thường và lễ phục) của người Mường để phổ biến trong cộng đồng và giới thiệu cho du khách khi đến Hòa Bình.
Thực hiện nhiệm vụ này, Sở VH-TT&DL đã ban hành Kế hoạch số 2634/KH-SVHTTDL, ngày 11/10/2024 của Sở VH-TT&DL về việc nghiên cứu, phục hồi, xây dựng tài liệu và công bố mẫu trang phục truyền thống dân tộc Mường, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2024. Vừa qua, Sở đã tổ chức Hội nghị "Báo cáo kết quả khảo sát, nghiên cứu, công bố mẫu trang phục truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình”. 

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Hội nghị đã nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố cùng các nghệ nhân. Với tinh thần, ý thức trách nhiệm, chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng qua nghiên cứu, công bố mẫu trang phục truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình lần này, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được đưa ra phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của trang phục truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Đồng thời khuyến nghị những định hướng và giải pháp góp phần bảo tồn di sản trong đời sống của người Mường trước bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại Cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan quyết tâm cao đưa DSVH Mường nói chung và giá trị của trang phục truyền thống Mường nói riêng được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch. Qua đó đóng góp chung cho sự nghiệp phát triển đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Hòa Bình.


Hương Lan

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của trang phục truyền thống trong đời sống văn hóa của người Mường 

Lưu Huy Linh 
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hoà Bình   

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa về văn hóa đã ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới, làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ. Vì vậy, trang phục dân tộc Mường có sự biến đổi một cách nhanh chóng, nguy cơ không còn giữ được bản sắc văn hóa của bộ trang phục truyền thống là hiện hữu. 

Việc tổ chức khảo sát, nghiên cứu, công bố mẫu trang phục truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình mang ý nghĩa lớn lao, đồng thời cũng là những nội dung quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”, qua đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của trang phục truyền thống trong đời sống văn hóa của người Mường. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng và ý nghĩa của việc giữ gìn, phát huy giá trị của trang phục truyền thống dân tộc, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội về bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh.   

Tuyên truyền sâu rộng về mẫu trang phục truyền thống của dân tộc Mường

Hoàng Thị Duyên
 Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hoà Bình

Là người con của dân tộc Mường, chúng tôi rất vui mừng vì công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Mường thời gian qua đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó có việc bảo tồn và phát huy bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường. Tôi mong muốn tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm thống nhất được mẫu trang phục truyền thống để người dân mặc trong các dịp lễ, Tết, sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội lớn của tỉnh. Khi có mẫu trang phục truyền thống thống nhất, Hội LHPN tỉnh sẽ tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện đến đông đảo hội viên ở các cấp Hội. Từ đó góp phần quảng bá hình ảnh, nét đẹp của bộ trang phục dân tộc Mường sâu rộng đến bạn bè trong và ngoài nước.

Tự hào được mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường  

Bùi Thị Mơ
Xóm Dằm, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) 

Là con, cháu thế hệ hệ sau, tôi luôn tự hào về truyền thống văn hoá cha ông bồi đắp, trao truyền. Riêng đối với bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường đã để lại cho tôi ấn tượng từ nhỏ. Bởi bà, mẹ tôi đều là phụ nữ Mường truyền thống với nghề trồng dâu, dệt vải, nhuộm nên những mảnh vải thổ cẩm đầy đủ sắc màu. Khi lớn lên, trưởng thành, tôi càng thấy vinh dự được khoác trên mình bộ trang phục truyền thống quê hương Mường Vang - Lạc Sơn.

Hiện nay, tôi là Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Mơ Đức. Khi tham gia các sự kiện, tôi đều lựa chọn cho mình bộ trang phục truyền thống dân tộc Mường và nhận được sự quan tâm, tán thưởng của nhiều người. Tôi mong muốn tỉnh cho ra đời bộ trang phục nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống từ thời xưa, kết hợp với nét hiện đại để phù hợp với cuộc sống hôm nay, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc Mường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 



Các tin khác


Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận 870 dàn pháo hoa để bắn trong đêm giao thừa đón Xuân Ất Tỵ

Ngày 22/1, Bộ CHQS tỉnh đã tiếp nhận 870 dàn pháo hoa từ Nhà máy Z121, Tổng Cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng để phục vụ bắn pháo hoa chào mừng năm mới, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại các địa phương trong toàn tỉnh.

Thực phẩm handmade được ưa chuộng dịp Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề. Đây cũng là thời điểm nhu cầu về tiêu dùng thực phẩm tăng cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Những năm gần đây, bên cạnh nhiều sản phẩm công nghiệp thì thực phẩm tự làm (handmade) ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Với sự tiện lợi, giá thành hợp lý, sản phẩm phong phú, có thể điều chỉnh theo khẩu vị…, bởi vậy thực phẩm handmade ngày càng thu hút người tiêu dùng.

Khai mạc Hội Báo Xuân Ất Tỵ - Hòa Bình 2025 vào 17h, ngày 22/1

Đúng 17h ngày 22/1 (tức ngày 23 tháng Chạp), Hội Báo Xuân Ất Tỵ - Hòa Bình 2025 sẽ khai mạc tại Quảng trường Hòa Bình (thành phố Hòa Bình).

Triển lãm ''Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm đồng hành cùng dân tộc''

Ngày 21/1, triển lãm "Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm đồng hành cùng dân tộc” đã khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục