Dù bội thu về doanh số nhưng nhìn lại, chất lượng nghệ thuật của các vở kịch trong mùa Tết vừa qua là đáng báo động

Câu nói quen thuộc của khán giả “đi xem kịch Tết để cười cho đã!” xem ra đã thành thông lệ vào dịp Xuân về, khi ai nấy đến rạp cũng muốn mang niềm vui về nhà. Thị hiếu đó đã khiến các sân khấu kịch nói tại TPHCM thi nhau cho ra đời vô số những vở hài kịch nhưng đáng nói là do thiếu đầu tư nghiêm túc nên chất lượng thấp.


Cảnh trong vở Bảo hiểm tình yêu, sân khấu Hoàng Thái Thanh

Xóa nhòa vị thế


Chính chạy theo tình thế mà một số sân khấu đã tự giết chết vị thế đang có của mình, nơi mà suốt nhiều năm họ cất công tạo dựng thương hiệu, uy tín với những lối đi riêng, phong cách riêng và đầu tư nghiêm túc cho chất lượng nghệ thuật.


Sân khấu Idecaf đưa ra trình diễn trong mùa Tết với bốn vở mới: Con Tám, con Cấm (tác giả Mỹ Dung, đạo diễn Vũ Minh), Họng súng vô hình (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn Vũ Minh), Vùng đất cấm (tác giả Mỹ Dung, đạo diễn Hữu Châu) và Thuốc đắng dã tật (tác giả Nguyễn Quốc, đạo diễn Hùng Lâm). Trong đó có hai vở diễn được làm theo phong cách hài kịch dân gian vốn là thế mạnh của Idecaf ,với nội dung châm biếm thói hư tật xấu của con người: Vùng đất cấm và Thuốc đắng dã tật. Tuy nhiên, khi xem hai vở này cho thấy đạo diễn chủ yếu khai thác trò diễn của nghệ sĩ, câu chuyện xem chưa đến nửa vở đã biết hết ngọn nguồn và đoạn kết của câu chuyện.

Vở Con Tám, con Cấm được cải biên ngược lại từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám đã thật sự tạo nên cơn sốt vé ngay từ những suất diễn trước Tết. Thế nhưng hạn chế của vở này lại nằm ở chỗ dàn dựng quá dài dòng, lê thê. Vở Họng súng vô hình chỉ diễn đến nửa vở là khán giả  đã bỏ ra về. Tính triết lý của câu chuyện gần như gây khó cho người xem khi muốn hiểu.


Mùa Tết qua, kịch Hồng Vân là một trong những sân khấu đạt doanh thu cao với bốn điểm diễn: Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận, rạp Kim Châu, khu giải trí Super Bowl và Nhà hát TPHCM. Kịch mục Tết vì thế được chọn lọc và tăng cường để đủ sáng đèn liên tục cả bốn nơi, mỗi ngày 2-3 suất. Thế nhưng, các vở: Trốn yêu, Xin lỗi chịu không nổi, Đào tẩu lại không phải là những chính phẩm đúng chất của kịch Hồng Vân. Những mảng miếng hài nhạt nhẽo, những lời thoại dông dài không làm đọng lại điều gì cho khán giả ngoài chuyện cười cho vui. Chỉ mỗi vở Giếng lạ là “món ăn” có giá trị mà kịch Hồng Vân đãi khán giả vào mùa Tết vừa qua, tại Nhà hát TP. Khá hơn trong các vở quá dở, vở Đào tẩu được xem như một phiên bản khác của vở Kẻ nói dối đa tình vì cùng tác giả Ray Cooney, cùng đạo diễn Kim Eui Sung và cùng mang hương vị Hàn Quốc trong các tình tiết, tính cách nhân vật. Tuy nhiên các tình tiết kịch lại lê thê, kết cấu câu chuyện rời rạc.


Miếng hài mòn, tiếng cười nhạt


Điểm lại một vở mới trong mùa Tết vừa qua sẽ thấy các mảng miếng hài của nghệ sĩ sử dụng chọc cười khán giả đã quá nhàm. Nhà hát kịch TPHCM năm nay diễn năm chương trình: Những chuyện tình tréo cẳng ngỗng, Những chuyện tình mùa Xuân, Hạnh phúc bất ngờ, Nữ tỉ phú tìm cha và Thần tượng... tượng thần. Chủ yếu vẫn là cách diễn xoay quanh những câu chuyện nảy sinh từ những tình huống lắp ghép. Nếu không nhờ “thỏi nam châm” Kiều Oanh - Lê Huỳnh hút khán giả đến với rạp Công Nhân thì có thể điểm diễn này sẽ không đạt doanh thu cao.


Sân khấu Nụ Cười Mới khai thác lợi thế của danh hài Hoài Linh hết mức, nên việc tung ra các vở mới với những cái tựa khá bình dân: Ông ngoại bà nội, Anh chàng giả gái, Tiệm chè hạnh phúc cùng hai chương trình hài kịch Chuyện vui ngày Tết và Chuyện không ngờ đã thật sự đạt doanh thu cao. Nhưng nếu đem những tình huống của ba vở kịch trộn vào nhau, vẫn có thể cho ra một vở mới hoàn toàn, vì câu chuyện, cách diễn, cách dàn dựng na ná một mô típ khai thác. Người xem cười đó nhưng lại chưa thỏa mãn vì mục đích tiếng cười nhẹ tênh, chỉ là cười hề hà cho xong chuyện. Chưa kể đến việc sân khấu này tranh thủ để diễn viên chạy sô nên các vai diễn tỏ ra vô hồn, vô cảm.


Sân khấu Kịch Sài Gòn khá lặng lẽ trong mùa Tết vừa qua khi mở màn diễn suất buổi trưa với hai vở Vũ nữ chân dài (tác giả Lê Quốc Tùng, đạo diễn Hoàng Sơn) và Hảo ngọt (tác giả Trang Kim Chi, đạo diễn Hữu Nghĩa). Vẫn với cách chọc cười theo ngẫu hứng, nghệ sĩ hài tên tuổi góp mặt theo kiểu mỗi người vài câu rồi chạy sô đã làm người xem hụt hẫng. Tiếng cười của các vở này chỉ tồn tại trong thời lượng nửa vở, vì cách dựng vở cứ “đầu voi đuôi chuột”.


Những mảng miếng hài đã quá mòn, kiểu diễn viên chưa diễn khán giả đã biết vì họ quá quen thuộc với mô típ kịch. Sự đầu tư vội vã, cách nhận vai bừa bãi, không tuân thủ việc tập dợt đã dẫn đến vở diễn ra đời kém hiệu quả về nghệ thuật


Có thể nói rằng, chính việc chạy theo lợi nhuận các sân khấu kịch và nghệ sĩ đã vô tình thỏa hiệp hạ thấp thị hiếu người xem kịch ngày Tết. Lỗi không thuộc về khán giả nhưng vì muốn mua vui đầu Xuân nên họ vừa là nạn nhân của những vở kịch Tết kém chất lượng vừa là thủ phạm khiến kịch Tết chiều theo thị hiếu “cười cho vui” của họ. Đa số người xem đến rạp xem kịch Tết chỉ cốt để xem diễn viên, nghệ sĩ hài nổi tiếng, điều này đã tạo thói quen cho một số nghệ sĩ là xem thường việc sáng tạo, tập luyện, “ăn mòn” vào danh tiếng sẵn có của mình. Chính điều này đã góp phần làm cho chất lượng vở diễn Tết sa sút, năm nào cũng với từng ấy gương mặt, cách diễn, cách chọc cười. Dù bội thu về doanh số, nhưng chất lượng nghệ thuật của đa số các vở kịch Tết lại quá thấp, khiến những ai yêu mến sân khấu không khỏi chạnh lòng.

 

                                                                                   Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục