Không nhạc nền, không nhạc cụ thì… hát chay. Không đứng hát được thì ngồi hát. Nào chèo, nào quan họ, cải lương, nhạc trẻ, nhạc đỏ…Những giọng ca khỏe khoắn cứ vang vọng cả mặt biển mênh mang, át tất cả những tiếng sóng ì oạp quen thuộc hàng ngày.

 

Không loa đài, không cả váy áo xanh đỏ mớ ba mớ bảy như thường thấy, sân khấu chỉ là vỉa hè của ngôi nhà dưới cái nắng tháng 5 chang chang như đổ lửa giữa đảo nhỏ. Còn cô "Thị Màu" Thanh Hằng của Nhà hát Chèo Việt Nam cũng đến lạ: quần bò, áo phông, khuôn mặt hóa trang khi còn trên tàu từ cả vài giờ trước khi đoàn đặt chân được lên Sinh Tồn Đông đã bợt bạt vợi son phấn, thế mà cứ lúng liếng, cứ đỏng đảnh, cứ chao chát như không phải vừa vượt qua cả ngàn kilômét chòng chành trên biển. Khán giả, toàn quân phục lính thủy nghiêm nghị là thế cũng nghiêng ngả 36 kiểu… cười.

Đó là một trong hàng trăm tiết mục của gần chục văn công thuộc nhiều đơn vị nghệ thuật khác nhau đã theo đoàn của Hà Nội qua gần chục điểm đảo của quần đảo Trường Sa trong chuyến đi tháng 5 này.

Nữ ca sĩ trẻ Vân Anh tự hào khoe: Toàn "lính chiến" cả, các đơn vị phải tuyển chọn khá kỹ mới "gửi" người đi… Nói thế, nghĩa là trước đó phải làm công tác tư tưởng vững vàng và tất nhiên là phải biểu diễn "đa năng", là nhiệt tình, là dễ hòa nhập, là kèm thêm rất nhiều điều kiện khác không dễ gì kể hết ra được. Ấy vậy mà mới sau 2 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển, không liên lạc gì được với đất liền, vừa gần đến Song Tử Tây, điểm dừng chân trong chuyến công tác, nhìn thấy những vạch sóng điện thoại đầu tiên đã mừng rối rít như thể xa nhà cả năm rồi.

Sau những điệp khúc: "Ôi tớ nhớ mọi người quá", "mẹ nhớ con gái của mẹ quá" là một tràng dài những "bố chăm con ra sao", "đi đón đúng giờ không" rồi tỉ mỉ hơn là "cho ăn cái gì", "đang làm gì"… Cứ nhộn nhạo cả lên thế nhưng chỉ nghe tiếng loa thông báo, chuẩn bị vào đảo đã gọn gàng hành trang, hồi hộp, xúm xít nhận áo phao xuống xuồng vào đảo.

So với nhiều điểm đảo khác, Song Tử Tây khá… bề thế. Hội trường, loa đài đã được chuẩn bị sẵn sàng, hàng trăm cán bộ chiến sĩ, từ nam thanh cho đến luống tuổi đã tập hợp khá đông. Vì âm thanh khá chuyên nghiệp nên tất nhiên tiết mục biểu diễn nhạc trẻ sôi động kèm ít nhiều vũ đạo của nữ ca sĩ Vân Anh chiếm lợi thế cao nhất. Không còn mảy may chút khoảng cách, chủ - khách cùng hòa vang tiếng hát, hòa chung điệu nhảy.

Đến các đảo chìm như Đá Nam, Nam Yết,  Đá Lát… thì không nhạc nền, không nhạc cụ, không có cả không gian để lấy chỗ đứng. Thế mà vẫn hát, vẫn diễn mê say. Không nhạc nền, không nhạc cụ thì… hát chay. Không đứng hát được thì ngồi hát. Nào chèo, nào quan họ, cải lương, nhạc trẻ, nhạc đỏ… Những giọng ca khỏe khoắn cứ vang vọng cả mặt biển mênh mang, át tất cả những tiếng sóng ì oạp quen thuộc hàng ngày.

Chưa hát đã được tặng hoa rồi! Nhưng toàn hoa hồng bằng vỏ ốc biển thôi…

Sau buổi biểu diễn dã chiến đầu tiên nhưng thành công ngoài sự mong đợi ấy, ca sĩ Khánh Hòa bỏ nhỏ: "Toàn dân chính quy cả đấy!". Là thành viên duy nhất trong đoàn văn công ra đảo biểu diễn lần này là lần thứ 2 nên so với các thành viên khác, Khánh Hòa có kinh nghiệm hơn, chuẩn bị chu đáo hơn và tiết chế cảm xúc cũng tốt hơn. Lo đủ thứ từ cắt đặt, sắp xếp kịch mục kiêm biểu diễn, dẫn chương trình cho đến tư vấn trang phục thế nào cho phù hợp với các gương mặt trẻ nên có lẽ trong đoàn, người được tin cậy rằng có thể điều tiết cảm xúc để các chương trình vốn nhiều cảm xúc đột ngột bất ngờ như biểu diễn trên những đảo nhỏ chênh vênh trên biển này tất nhiên không ai khác ngoài chị.

Thế nhưng, ngày dừng chân làm lễ tưởng niệm cho 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh năm 1988 khi bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Chữ Thập, Khánh Hòa bất ngờ bật khóc. Những câu hát không tròn vành rõ chữ cứ liên tục nghẹn ngào, ngắt quãng của chị trên con tàu giữa biển khơi khiến những giọt nước mắt cứ vỡ òa, lăn dài trên khuôn mặt của cả trăm con người, không kể gái, trai, già, trẻ trong buổi lễ… Nhưng hình như cũng chính từ thời khắc ấy, Khánh Hòa đã mãi trở thành cái tên khó quên với các thành viên trong đoàn công tác.

Tìm gặp chị sau "sự cố" bất ngờ, Khánh Hòa chỉ cười hiền kể rằng: Lần trước, cũng tại địa điểm này, chị đã không nén được cảm xúc khi nghe câu chuyện về cuộc chiến đấu và hy sinh cao cả của những người lính nơi đây.

Lần thứ 2 đến dự lễ tưởng niệm các anh, chị đã chuẩn bị tinh thần khá kỹ, thậm chí ngay từ trước chuyến đi, chị còn cẩn thận đến tận nhà tìm nhạc sĩ Lê Vinh, người mà đồng nghiệp cho biết vừa sáng tác một ca khúc rất hay về những người lính để xin bản nhạc, mang ra hát tặng các anh, không ngờ vẫn không làm chủ được cảm xúc như thế. Họ (những cán bộ chiến sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma) cao cả quá…

Khánh Hòa hoàn toàn không là trường hợp cá biệt. Còn nhớ, ngay sau buổi biểu diễn đầu tiên trong chuyến đi này, chứng kiến cuộc sống và tình cảm của những người lính đảo, trở về tàu đã khuya mà ca sĩ Vân Anh, NSƯT Ngọc Ánh, Thanh Hằng, vẫn trằn trọc, không thôi xuýt xoa: "Thương quá chị ạ! Quanh năm suốt tháng vò võ chỉ có biển với biển. Họ lại cứ thật như đếm ấy!".

Mà đâu chỉ có Vân Anh, Ngọc Ánh, Thanh Hằng, nhiều bạn trẻ khác cũng kể rằng, nghe những câu chuyện về cái tính "thật như đếm" của lính đảo… Rụt rè thế thôi song ưu ái và nhiệt tình, tinh nghịch thì lính Trường Sa có thừa. Ngày tàu đến Phúc Nguyên, chuẩn bị ghé thăm nhà giàn DK1, sóng lớn hơn ngày thường, xuồng cập sát chân trạm mà cứ dềnh lên dềnh xuống đập chân cầu thang ken két khiến những người say sóng hay yếu bóng vía cứ xanh mét mặt mày. Xúm vào nịnh mãi không xong, lính xuồng hiệp đồng lính nhà giàn "bốc" thẳng nàng lên "dinh". Bị bất ngờ, "nàng" chỉ kịp hét một tiếng.

Sau này về kể lại, cô bảo rằng mặc dù lúc ấy rất sợ song thấy nhiều người xúm vào năn nỉ nên… càng muốn khóc. Nhưng vui hơn nữa là hành trang của ai cũng khá nhiều san hô, ốc biển, quà tặng của lính đảo. Trong số đó, có cả những món quà đã được họ kỳ công nhặt về, đánh bóng tính dành tặng người thân nhưng mấy chị, mấy cô thích nên đều mang ra tặng cả. Lính đảo là thế đấy. Tấm lòng trung nghĩa với biển đảo Tổ quốc của họ, cũng luôn chân thành, hào sảng với khách từ đất liền

 

                                                                            Theo CAND

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục