Một chương trình nghệ thuật
tại Festival Huế.

Một chương trình nghệ thuật tại Festival Huế.

Trong các nội dung của Liên hoan (Festival) Huế 2010, có bốn lễ hội lớn được du khách đặc biệt quan tâm là: Huyền thoại sông Hương, Lễ Tế Giao, Hành trình mở cõi và Ðêm Hoàng cung. Cả bốn lễ hội đều được dàn dựng hoành tráng, vừa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, văn hóa Huế, vừa kết hợp được các yếu tố hiện đại, trẻ trung, hấp dẫn được nhiều loại hình nghệ thuật sinh động.

Lễ hội Ðêm Hoàng cung sẽ diễn ra vào tối 5, 8 và 11-6 tại khu vực Ðại Nội Huế; Huyền thoại sông Hương tổ chức trong các tối 6 và 12-6 trên sông Hương, đoạn sông và đôi bờ từ Ðiện Hòn Chén về tới sân khấu lớn ở bến Nghinh Lương Ðình; Lễ Tế Giao được thực hiện vào tối 9-6 trên khu Ðàn Nam Giao. Ðiểm nhấn cuối cùng là đêm hội Hành trình mở cõi, một sự kiện trọng tâm của Festival Huế 2010 sẽ diễn ra vào tối 10-6 tại Kỳ Ðài Huế và là một trong những sự kiện lễ hội lớn hướng tới Ðại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Theo Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, với phương châm chủ đạo "Mỗi chương trình phải là một sáng tạo mới lạ", bên cạnh việc giữ gìn và khai thác, giới thiệu các yếu tố văn hóa đậm đặc bản sắc Huế, về nội dung và hình thức thể hiện ở mỗi lễ hội sẽ có những điểm riêng nổi bật kết hợp với những sáng tạo mới, lạ, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống mà vẫn bảo đảm được tính hiện đại song hành. Ðồng thời như chủ đề Festival Huế 2010 "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", bản sắc dân tộc sẽ được nêu bật trên nền yếu tố giao lưu quốc tế, chọn lọc, tiếp thu và kết hợp cùng các yếu tố thời đại. Nghệ thuật sắp đặt động sẽ đan xen, hòa quyện cùng nghệ thuật biểu diễn truyền thống và các yếu tố trang trí mỹ thuật hiện đại, góp phần tôn vinh vẻ đẹp tiềm ẩn của văn hóa Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung trên hành trình tiến về phương nam, khẩn hoang, khai phá nên những vùng đất mới màu mỡ trong suốt chiều dài gần mười thế kỷ của dân tộc Việt Nam. Bốn lễ hội nêu trên sẽ tạo nên một "dòng chảy cảm xúc" chủ đạo xuyên suốt Liên hoan (Festival) Huế 2010. Nếu như Ðêm Hoàng cung dẫn dắt du khách đến với Ðại Nội lộng lẫy lung linh với những nét sinh hoạt cung đình Huế xưa thì Huyền thoại Sông Hương lại giúp du khách được hòa mình vào huyền thoại một dòng sông của thi ca nhạc họa, của tâm linh dân gian nơi điện Hòn Chén và đạo pháp huyền diệu trong mênh mang tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Trong khi đó, Lễ Tế Giao lại "rung" lên những cung bậc cảm xúc thiêng liêng và sự kết nối sâu thẳm nhất giữa khát vọng của mỗi người dân đất Việt, dâng lên đất trời, mong cầu cho quốc thái dân an. Còn Lễ hội Hành trình mở cõi thì mang tới những cảm xúc sử thi và anh hùng ca mãnh liệt của một dân tộc quả cảm không bao giờ chịu lùi bước trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, địch họa, luôn luôn hướng về phía trước, bằng nghị lực, sức lao động bền bỉ và lòng can đảm của mình, chinh phục thiên nhiên, khai phá và giữ gìn một dải non sông gấm vóc, để các thế hệ hôm nay mới có được một đất nước toàn vẹn và thống nhất từ nam ra bắc.


Bên cạnh việc phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng bốn lễ hội lớn, cũng trong khuôn khổ Festival Huế 2010, Tổng đạo diễn Lê Quý Dương cũng dàn dựng và giới thiệu một chương trình nghệ thuật hiện đại và ẩm thực đặc sắc của Ô-xtrây-li-a bao gồm ba phần nội dung chính: chương trình sân khấu thử nghiệm Fire Moves Away của các diễn viên trẻ đến từ thành phố Xít-ni và chương trình nhạc điện tử kết hợp với nghệ thuật vi-đê-ô mang tên EPA của nhạc sĩ nổi tiếng Darrin Verhagen đến từ thành phố Men-buốc bên cạnh một đêm hội văn hóa rượu vang miền nam Ô-xtrây-li-a dành riêng cho du khách. Chương trình sẽ được diễn liên tục trong ba tối từ ngày 7 đến 9-6 tại Nhà văn hóa Huế, 65 Trần Hưng Ðạo và Khách sạn Hương Giang bên dòng sông Hương thơ mộng.


Ðể thực hiện các chương trình, Ban tổ chức và tập thể dàn dựng đã phải huy động lực lượng hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế cùng các diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp tham gia biểu diễn, phục vụ. Nhận xét về các lễ hội, kiến trúc sư Phùng Phu, Giám đốc của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, người có nhiều đóng góp tâm huyết với Festival Huế 2010 nói một cách ngắn gọn: "Những lễ hội của chúng tôi sẽ góp phần làm sống lại tinh thần và tâm linh của các di sản văn hóa Huế". Ðược biết, dàn dựng chương trình cùng Tổng đạo diễn Lê Quý Dương còn có các đạo diễn và biên đạo múa Trương Văn Hải, Bạch Hạc, Mai Trung, nhạc sĩ Ðại Dũng, biên đạo múa Thu Hương và biên đạo múa Hoàng Việt, một hậu duệ của soạn giả tuồng Ðào Tấn, cùng tập thể Nhà hát tuồng Ðào Tấn. Hiện tại, đội võ nhạc Bảo tàng Quang Trung cũng đã từ Bình Ðịnh ra Huế để tham gia biểu diễn chương Nguyễn Huệ - Quang Trung đại phá quân Thanh trong đêm hội Hành trình mở cõi.


Chỉ còn chưa đầy ba ngày nữa, bốn lễ hội nêu trên sẽ được ra mắt ngay sau lễ khai mạc Festival Huế 2010 tối 5-6, hứa hẹn thu hút đông du khách trong nước và ngoài nước cũng như của nhân dân Cố đô Huế.
 
                                                                                   Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục