Gần một thế kỷ qua, nhà văn vĩ đại của nước Nga Lép Tôn-xtôi (Lev Tolstoi - 1828 - 1910) và tác phẩm của ông đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ nhà văn và người đọc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Lép Tôn-xtôi, bài viết của PGS, TS Trần Thị Quỳnh Nga dưới đây phác họa đôi nét về quá trình nghiên cứu Lép Tôn-xtôi, ảnh hưởng của ông đối với văn học Việt Nam

 

Trước năm 1954, nhiều tác phẩm của Tôn-xtôi đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam và tên tuổi của Lép Tôn-xtôi đã xuất hiện trên một số bài phê bình, khảo cứu của  một số nhà văn như Hải Triều, Nhất Linh, Thạch Lam... L. Tôn-xtôi là chỗ dựa tin cậy về quan điểm nghệ thuật, cách viết tiểu thuyết, miêu tả tâm lý nhân vật trong các cuộc tranh luận văn chương bấy giờ. Bao trùm lên hầu hết các bài viết của các nhà văn Việt Nam về các nhà văn cổ điển Nga, về Lép Tôn-xtôi, là sự thán phục, là tinh thần hiện đại, muốn gia nhập vào dòng chảy chung của khoa học, của văn hóa nhân loại, là cố gắng tìm ra hướng đi mới, 'thoát xác' cho văn học nước nhà trong giai đoạn chuyển mình đầy ý nghĩa nửa đầu thế kỷ 20.

Việc nghiên cứu văn học Nga, nghiên cứu Tôn-xtôi ở Việt Nam chỉ thật sự được đặt ra từ cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ 20, khi nền văn học này được giới thiệu rộng rãi qua các bản dịch và được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường từ phổ thông đến đại học. Ðóng vai trò nổi bật giúp bạn đọc Việt Nam tìm hiểu văn học Nga, tìm hiểu Lép Tôn-xtôi một cách có hệ thống, trước hết phải kể đến các giáo trình đại học. Nghiên cứu Lép Tôn-xtôi như là tác giả cổ điển Nga chỉ thật sự được đặt ra trong công trình nhiều tập của Hoàng Xuân Nhị: Lịch sử văn học Nga. Sự ra đời của bộ sách là mốc quan trọng có giá trị mở đầu cho việc nghiên cứu văn học Nga ở Việt Nam. Tiếp đó là bộ giáo trình Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX và bộ Lịch sử văn học Nga gồm ba cuốn... Qua các bộ giáo trình này, người đọc thấy rõ hơn, cụ thể hơn tư tưởng nghệ thuật của Lép Tôn-xtôi: 'Tôi yêu thích tư tưởng nhân dân', 'lịch sử, sinh hoạt gia đình luôn gắn bó với tư tưởng nhân dân', 'Tôi cố gắng viết lịch sử dân tộc' trong hình thức nghệ thuật tiểu thuyết chưa từng có ở châu Âu và ở nước Nga.

Bài tiểu luận Tôn-xtôi (1960) của Nguyễn Tuân đến nay vẫn làm người đọc ngạc nhiên trước tầm hiểu biết, vốn văn hóa rộng lớn và những nhận xét tinh tế của ông về sáng tác của nhà văn Nga. Nguyễn Tuân khẳng định: 'cho đến ngày nhân loại du hành vũ trụ đi hết lên các tinh cầu khác, Tôn-xtôi vẫn là cây đại thụ sừng sững trong rừng văn đại ngàn nước Nga'. Ông rất thán phục tài năng của L.Tôn-xtôi, kinh ngạc trước khả năng quan sát phi thường của nhà văn Nga: 'Tôn-xtôi hành văn chính xác như soi kính hiển vi để tìm cái sâu sắc cho những chi tiết báo hiệu chất tâm lý... Nghệ thuật của Tôn-xtôi rất nhiều tưởng tượng, rất nhiều nội tâm nhưng cũng rất nhiều quan sát'. Nguyễn Tuân phát hiện sự thành công tiểu thuyết của L.Tôn-xtôi chính là nhờ 'sự lập thành của ngàn cái chi tiết, ở quá trình tích lũy vốn sống 'cả rộng cả sâu'. Ông đặc biệt ngưỡng mộ tiểu thuyết sử thi Chiến tranh và hòa bình, coi đó là một đỉnh văn đến nay chưa ai vượt nổi. Ðề cập đến An-na Ka-rê-ni-na, Nguyễn Tuân chú ý đến yếu tố tự thuật trong tác phẩm, xem Le-vin là hóa thân của tác giả. Cuộc sống nội tâm của nhân vật này chẳng qua cũng chỉ là 'cái tâm tư của đích thân Tôn-xtôi'. Ðến với L.Tôn-xtôi, Nguyễn Tuân cảm thông được cái phần sâu xa nhất trong di sản của nhà văn Nga: 'Cái tài lớn của Tôn-xtôi nghệ sĩ thì đã rõ rồi. Nhưng còn phải thấy Tôn-xtôi ở những điều nghĩ về nhân loại, vì nhân loại, cho nhân loại'. 

Sau năm 1975, giới nghiên cứu tiếp tục khám phá, tiếp cận một cách bản chất hơn với sáng tác của L.Tôn-xtôi. Năm 1978, kỷ niệm 150 năm Ngày sinh L.Tôn-xtôi (1828 - 1978) được coi là một sự kiện văn hóa trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam. Tiếp đó, việc nghiên cứu L.Tôn-xtôi được tiến hành trên quy mô ngày càng phong phú, đa dạng cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Năm 1986, sau nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy, Nguyễn Trường Lịch cho ra mắt công trình L.N.Tôn-xtôi. Chuyên luận phản ánh cái nhìn bao quát về nhà văn Nga, từ tiểu sử, sự nghiệp sáng tác đến tầm ảnh hưởng thế giới lớn lao của L.Tôn-xtôi trong thế kỷ 20. Những năm gần đây, giới nghiên cứu văn học Việt Nam tiếp thu các thành tựu của khoa nghiên cứu văn học Nga, ngày càng có thêm những đóng góp quan trọng trong xác định phong cách tác giả, thể nghiệm và ứng dụng các phương pháp nghiên cứu mới, nhất là thi pháp học hiện đại. Hướng tiếp cận đó thể hiện trong các chuyên luận Thi pháp tiểu thuyết L.Tôn-xtôi (Ðọc Chiến tranh và hòa bình) của Nguyễn Hải Hà, Tiểu thuyết L.Tôn-xtôi của Nguyễn Trường Lịch. Các công trình này đề cập   những vấn đề cơ bản của lý luận văn học và thi pháp học như: thể loại, tư duy tiểu thuyết và tư duy sử thi, kết cấu, cốt truyện, tính chân thật và sự thật trong văn học, quan hệ giữa nguyên mẫu và nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật, biện chứng của tâm hồn, độc thoại nội tâm, so sánh văn học... Từ đầu thế kỷ 21, bên cạnh những chuyên gia văn học Nga đang phát huy ảnh hưởng rất tích cực như Phạm Vĩnh Cư, Ðào Tuấn Ảnh, Phạm Gia Lâm..., ở Việt Nam xuất hiện một thế hệ nghiên cứu mới. Họ chủ yếu là giảng viên các trường đại học được đào tạo ở Nga và Việt Nam như Hà Thị Hòa, Ðỗ Hải Phong, Phạm Thị Phương, Trần Thị Phương Phương...

Sau năm 1954, cùng với việc giới thiệu văn học Nga một cách hệ thống, việc tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ nền văn học này đối với các nhà văn Việt Nam càng thường xuyên, toàn diện hơn, cả trên phương diện tư tưởng lẫn nghệ thuật.

Tiếp nhận bóng dáng khổng lồ của văn học cổ điển Nga, giới sáng tác Việt Nam từ lâu khao khát: 'Làm sao cho nền văn học Việt Nam chúng ta phải có đỉnh này đỉnh khác, nó vút lên trên cái bình nguyên của cánh đồng phong trào thơ truyện'. Văn học Việt Nam những năm 60 của thế kỷ 20 chứng kiến sự nỗ lực của một số cây bút muốn vươn tới loại tiểu thuyết có quy mô sử thi, dựng lại bức tranh toàn cảnh của một giai đoạn lịch sử. Khuynh hướng này tạo ra những bộ tiểu thuyết nhiều tập như Cửa biển (Nguyên Hồng), Vỡ bờ (Nguyễn Ðình Thi), Bão biển (Chu Văn)... Trong quá trình sáng tạo những tác phẩm như thế, các nhà văn rất quan tâm đến kinh nghiệm tiểu thuyết Nga thế kỷ 19, và nhiều nhân vật văn học Nga đã để lại bóng dáng trong tác phẩm của các nhà văn Việt Nam. Trường hợp mà giới nghiên cứu thường hay nhắc tới đó là ảnh hưởng của L.Tôn-xtôi đến sáng tác của các nhà văn như Nguyễn Ðình Thi, Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ...

Các nhà văn Việt Nam cũng học tập nhiều ở L.Tôn-xtôi trong các hình thức miêu tả, chẳng hạn miêu tả thiên nhiên. Ðối với ông, thiên nhiên là thước đo tâm hồn con người. Hòa nhập với thiên nhiên, theo ông, là dấu hiệu của tâm hồn nhạy cảm, phong phú và mạnh mẽ. Nhà văn sử dụng thiên nhiên không chỉ để tạo khung cảnh, mà còn gợi song hành những nét tâm lý thầm kín trong tâm trạng nhân vật. Sự giống nhau dễ nhận thấy trong cách miêu tả, trong một số chi tiết, hình tượng ở tác phẩm Nguyễn Ðình Thi, Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ với tác phẩm L.Tôn-xtôi không đơn giản là vấn đề tương đồng ngẫu nhiên, mà có cả sự tiếp thu sáng tạo của nhà văn Việt Nam, những người gần gũi, yêu tha thiết văn học cổ điển Nga cũng như cá nhân thiên tài L.Tôn-xtôi.

Nếu trong văn học Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975, cảm hứng sử thi chiếm âm hưởng chủ đạo, mọi mối quan hệ riêng tư đều quy chiếu về một điểm nhìn lớn lao của quyền lợi cộng đồng thì sau chiến tranh cuộc sống đời thường, sự thăng trầm của số phận con người trở thành nỗi băn khoăn của giới sáng tác. Ði vào thể tài đời tư, khắc họa những số phận cá nhân, các nhà văn Việt Nam đã tiếp thu, vận dụng linh hoạt kinh nghiệm của văn học thế giới, nhất là các thủ pháp nghệ thuật như: tăng cường độc thoại nội tâm, sự phân thân, hóa thân, giấc mơ, ảo giác... để thâm nhập vào cõi tâm linh bí ẩn, khám phá con người trong con người. Về mặt này, Tôn-xtôi với nghệ thuật phân tích tâm lý bậc thầy, phép biện chứng tâm hồn... trở thành phương thức hữu hiệu giúp các nhà văn thể hiện được tầng sâu bí ẩn thế giới bên trong con người, một thế giới luôn bao hàm cả 'ánh sáng và bóng tối'. Ðiều đó góp phần làm cho bức tranh xã hội, con người trong văn học Việt Nam ở giai đoạn sau năm 1975 đa chiều, đa diện và sâu sắc hơn...

Việc giới thiệu, nghiên cứu di sản đồ sộ của đại văn hào Nga L.Tôn-xtôi trong quá trình tiếp nhận văn hóa, văn học Nga ở Việt Nam là một bộ phận khăng khít, một mắt xích quan trọng của khoa nghiên cứu lịch sử văn hóa, văn học Nga cũng như của khoa nghiên cứu lịch sử văn hóa, văn học Việt Nam. L.Tôn-xtôi là mẫu mực của nghệ thuật chân chính, là cây đại thụ tỏa bóng mát cho nhiều thế hệ  nhà văn, nơi ông tập trung những thành tựu lớn của cả một thời đại rực rỡ trong văn học Nga thế kỷ 19. Sáng tác của ông được đánh giá như 'một viện hàn lâm cho các nhà văn' bởi những giá trị hiện thực lịch sử và những tìm tòi sáng tạo của một tư duy nghệ thuật đi trước thời gian. L.Tôn-xtôi ở Việt Nam đã làm phong phú hơn, sâu sắc hơn, hiện đại hơn cho đời sống văn hóa, văn học Việt Nam. Ðồng thời, quá trình tiếp nhận những sáng tác của L.Tôn-xtôi ở Việt Nam cũng đã làm giàu hơn, đa dạng và sâu sắc, tinh tế hơn cuộc sống của văn hóa Nga trên hành trình về phương Ðông.

 

                                                                                         Theo ND

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục