7 năm trước, sự thành công của Gái nhảy đã đánh dấu cột mốc hình thành “mùa phim Tết” cho thị trường Điện ảnh Việt Nam. Liên tiếp những năm sau đó, mùa phim Tết đã trở thành mùa gặt hái của nhiều hãng phim lớn nhỏ. Những tưởng cứ theo đà ấy, các nhà làm phim và khán giả vẫn sẽ tiếp tục kỳ vọng vào dịp “làm ăn” lớn nhất trong năm này. Thế nhưng, tình hình phim Tết năm nay có vẻ trầm lắng lạ khi Tết đã cận kề mà quanh các rạp chiếu lớn chưa có một poster quảng cáo nào.

 

Nhà sản xuất không còn hứng thú

Đến thời điểm này, những thông tin về các bộ phim sẽ ra rạp trong mùa phim Tết 2011 vẫn “kín như bưng”. Hiện mới chỉ có 3 phim là Bóng ma học đường của đạo diễn Lê Bảo Trung (Hãng Thiên Ngân), Cô dâu đại chiến của đạo diễn Victo Vũ (Hãng BHD) và Thiên sứ 99 của đạo diễn Nguyễn Minh Cao (Hãng Phước Sang) được hứa hẹn là sẽ ra mắt. Trong khi đó, ở những năm trước, không khí phim Tết thường “nóng” ngay từ giữa năm với những công bố hết sức hùng hồn và những chiến dịch PR rầm rộ. Ngay cả một hãng phim rất “mát tay” với phim Tết như Thiên Ngân năm nay cũng tỏ ra khá dè dặt khi đặt kỳ vọng vào bộ phim Bóng ma học đường mặc dù hãng này đã mạnh dạn đầu tư tới gần 20 tỷ đồng. Hiện cũng chỉ có Bóng ma học đường được nhà sản xuất chính thức quảng bá với điểm nhấn đây là bộ phim 3D đầu tiên của Việt Nam, có sự góp mặt của danh hài Hoài Linh và nhiều ngôi sao tuổi ô mai như Wanbi Tuấn Anh, Elly Trần, Tim. Hai bộ phim còn lại đều chưa chính thức công bố hình ảnh và nội dung phim.

Cùng với sự giảm sút về số lượng phim, sự im ắng về thông tin tiếp thị là sự co cụm về thể loại. Vì sao phim Tết có chiều hướng hạ nhiệt? Trước hết, có thể thấy cùng với việc xuất hiện đều đặn của phim Việt trong suốt cả năm, phim Tết không còn chiếm thế độc tôn. Nếu như các năm trước, mọi thông tin về điện ảnh trong nước đổ dồn vào dịp Tết thì năm nay, ngay thời điểm trước Tết hai tháng vẫn có sự xuất hiện của nhiều phim Việt như Em hiền như ma sơ, Saigon Yo, Giao lộ định mệnh, Cánh đồng bất tận… Vì thế, những quan tâm của khán giả dành cho phim Tết đã bị san sẻ ít nhiều. Thêm vào đó, đối với nhà sản xuất, việc đổ xô vào làm phim Tết những năm trước đã gây ra sự cạnh tranh về doanh thu đồng thời dẫn đến khó khăn trong việc thuê rạp chiếu. Cho nên, thay vì làm phim chiếu vào dịp Tết, nhiều hãng đã chọn những thời điểm thích hợp hơn trong năm. Như phim Hotboy nổi loạn của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, lúc đầu cũng dự tính sẽ xuất quân trong dịp Tết nhưng vào phút cuối đã quyết định “né” Tết và dời sang thời điểm khác không kém phần sôi động là mùa phim hè năm sau.

 

Cảnh trong phim “Cô dâu đại chiến”.

Khán giả cũng ngán ngẩm

Tết là dịp để vui vẻ, giải trí nên hãng phim nào cũng đặt mục tiêu dù là phim gì thì cũng phải “bổ mắt” và “cười sái miệng”. Đa số, khán giả cũng rất kiêng kỵ xem chuyện chết chóc hay lâm ly bi đát vào dịp đầu năm. Vì vậy, mẫu số chung của các phim Tết thường chỉ quanh quẩn với kinh dị, hài, sao và cảnh nóng. Điều này đồng nghĩa với việc bàn tiệc phim Tết có rất ít món và để làm cho khán giả háo hức, thèm thuồng thưởng thức lại lần thứ hai vài ba món đã quá quen là điều rất khó. Ở những mùa phim Tết trước, các hãng phim đã rất cố gắng để truyện phim mang tính thông điệp cao hơn; kỹ thuật làm phim cũng được đầu tư hiện đại, hình ảnh đẹp, âm nhạc hay hơn. Vì quá chăm chăm chạy theo công thức hài + sao + cảnh nóng nên những bộ phim này ít nhiều không đảm bảo được tính thẩm mỹ, nghệ thuật trong một tác phẩm điện ảnh. Những mảng miếng chọc cười nhiều khi đến thô thiển, sự “câu khách” bằng một rừng “ngôi sao” mãi rồi cũng trở thành cũ rích và nhàm chán. Không ít khán giả cho biết, chẳng qua là vì Tết nghỉ dài ngày nên thường bị “đói” thú tiêu khiển và “khát” địa điểm giải trí nên đành phải chọn cách rủ nhau đến rạp xem phim. Vì thế, doanh thu phim tết hoàn toàn không đồng nghĩa với việc chất lượng phim đó tốt. Phần lớn các phim Tết không có giá trị nghề nghiệp, chuyện chỉ kể lấy được, nhiều khi còn phi lý và phản cảm, diễn xuất không được chú trọng chỉ làm sao kéo được nhiều ngôi sao ca nhạc, người mẫu thời trang vào để “câu” khán giả. Cách làm phim Tết dễ dãi, chạy đua với doanh thu và đi theo một lối mòn đang ngày càng cho ra lò những bộ phim “xem một lần rồi quên luôn”.Việc bội thực phim hài với những chân dài và váy ngắn trong dịp Tết cũng khiến nhiều người, nhất là đối tượng khán giả trung niên cảm thấy ngán ngẩm, nên hoặc là họ chuyển hướng sang xem phim ngoại hoặc là chọn cách ngồi nhà xem truyền hình.

Trên thực tế, điều mà công chúng chờ đợi và quan tâm không phải là những bộ phim Tết được quảng cáo rầm rộ xem có “chiêu” gì mới, có “trò” nào hay mà chính là sức sống của mùa phim vốn có một vị trí đặc biệt trong năm này. Các nhà làm phim Tết nếu không tìm tòi sáng tạo và đầu tư có chiều sâu mà cứ làm ra những bộ phim vô thưởng vô phạt theo kiểu chụp giật, ăn xổi như bấy nay thì chắc chắn dần dần khán giả sẽ quay lưng với phim Việt vào dịp tết để tìm đến những cách giải trí khác hấp dẫn hơn.       

 

                                                                              Theo Báo SKĐS

 

 

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục