(HBĐT) - Sớm nay tiễn bé Cương xuất viện mà cả tập thể khoa Đông y nhộn nhịp như một sự kiện trọng đại. Thu vừa đi thăm vườn thuốc về, với cây thuốc mới ươm, vừa tranh thủ xem lại tập bệnh án, cũng vội chạy ra cổng viện, quyến luyến chia tay người bệõnh nhỏ tuổi đã trở nên gắn bó với Thu.

 

Dù còn rất trẻ, chưa xây dựng gia đình, vậy mà mọi người đều gọi bé Cương và Thu là hai mẹ con. Thu ngồi xuống vệ đường chìa tay đón những bước đi chập chững của bé Cương mà Thu tưởng như mình đang bước những bước đi đầu đời trong niềm hân hoan chung của những tà áo blu trắng quanh bé Cương, bên người mẹ trẻ trong bộ váy áo còn tươi màu chàm, qua ánh mắt nửa như khóc, nửa như cười. Hẳn chị là người vui nhất. Thấm thoắt cũng đã nửa năm, từ ngày bé Cương vào viện, em phải bỏ dở những buổi học cuối năm của lớp 1. Trong cơn mưa đầu hè xối xả, chiếc xe ôm sũng bùn đất chở người phụ nữ dân tộc Dao bế một bé trai teo tóp với đôi chân thõng thượt trên tay vào phòng Đông y. Nhìn người bệnh thoi thóp, thiếu sức sống, lương y Kim Thu chạnh lòng, đôi mắt cô cay cay như gặp khói bếp. Thu cùng đồng nghiệp đón em vào phòng, lau khô nước mưa, ủ ấm rồi thăm bệnh cho em. Bé Cương chỉ còn bộ da bọc xương, đôi chân bất động do thoái hóa khớp, em không thể đứng lên được dù đã 6 tuổi. Bằng tình thương người bệnh nhỏ tuổi, Thu và đồng nghiệp đã sớm hội chẩn, bắt tay vào cứu chữa, cũng là dịp để Thu thử sức mình, thực hành cứu chữa, đúc rút qua thực nghiệm. Điều mà bấy lâu nay cô đã dày công và tâm huyết tra cứu tài liệu, sưu tầm nghiên cứu về những vị thuốc hái được từ rừng, sau bao ngày đêm vừa làm, vừa học từ sách và thực tế, qua các bài thuốc dân gian, qua các mế mà cô dành nhiều công sức học hỏi. Ngày nghỉ, Thu lại lội suối, trèo đèo tìm hái dược liệu về rồi phơi, sấy, sao tẩm, chiết suất và thử nghiệm...

 

Lặng nhìn bé Cương tung tăng trên đôi chân đã bình phục với cái miệng cười tươi, Thu nhớ về mẹ và ký ức tuổi thơ bên người mẹ tật nguyền, căn bệnh thoái hóa khớp đã khiến cho đôi chân của mẹ teo tóp. Căn bệnh đã đeo bám cả đời mẹ cho đến tận bây giờ. Thu dần lớn lên bằng dòng sữa ngọt thơm và được nâng giấc trên đôi bàn tay gầy của mẹ. Cũng đôi lần, Thu đã hờn dỗi vì đôi chân tật nguyền của mẹ không thể dắt em chạy nhảy nô đùa như những trẻ thơ khác. Khi ý thức được, Thu thầm xin lỗi mẹ và càng thương mẹ nhiều hơn. Nhiều đêm, trong vòng tay âu yếm của mẹ, Thu thường tỉ tê hỏi về bệnh tình của mẹ, gặng hỏi mãi, Thu cũng chỉ được mẹ trả lời qua quýt. Rồi một ngày đầu đông giá rét, cơn đau lại vật vã mẹ, ngồi bóp chân cho mẹ và Thu được mẹ kể cho nghe về căn bệnh của mẹ. Vào cái tuổi mới lớn, mẹ thường lên nương gieo tỉa rồi thu hoạch, đến năm 14, 15 tuổi, một hôm, mẹ lên nương đào và gùi những gùi sắn nặng về nhà. Về tới cửa thung thì cơn mưa rừng đổ về xối xả. Dầm lâu trong mưa, đêm về mẹ bị cảm, cái lạnh đã khiến các khớp của mẹ xơ cứng, không còn vận động được. Kinh tế gia đình ngày ấy còn khó khăn, chỉ thuốc lá qua quýt, căn bệnh khớp cấp đã khiến mẹ trở thành tật nguyền. Về cha, một chàng trai giàu lòng nhân ái, không quản gian nan, vất vả, cha đã đem lòng yêu thương và xây dựng với mẹ để có được chị em Thu như hôm nay. ước ao mãi, nay Thu mới được theo mế Hạm lên rừng tìm hái thuốc. Biết mế là người giỏi thuốc nhất vùng, đã cứu chữa được nhiều bệnh nhân nghèo, Thu xin mế cho đi theo hái thuốc để học được những bài thuốc cứu người. Tìm và hái được từng cây thuốc cũng thật gian nan. Cây thuốc quý lại thường ở trên núi cao, trên những vách đá hiểm trở, đi lại khó khăn. Mải tìm và hái thuốc, hai mế con quên cả đói, quá chiều mới nhớ đến ăn cơm, rồi lại lận rừng tìm thuốc. Mế vẫn luôn động viên Thu: người xưa có câu: “Thứ nhất là mồ côi cha, thứ hai gánh vã, thứ ba lận rừng”. Hai mế con luôn động viên nhau cùng gắng sức tìm kiếm. Gùi thuốc trên vai mỗi bước mỗi nặng thêm cũng là lúc hai mế con xuống núi. Hai mế con, mỗi người đều có niềm vui riêng và chung vui niềm vui về thành quả lao động là ớp thuốc vừa hái sẽ đem lại niềm vui cho bao người bệnh.

 

Thu nhớ, từ ngày được cắp sách tới trường, em luôn tự nhắc mình gắng học tốt để trở thành thầy thuốc. Em lại tự hỏi nhưng liệu còn kịp tự tay cứu chữa đôi chân của mẹ. Có chung suy nghĩ, chị gái của Thu cũng thi đỗ vào đại học Y khoa. Tốt nghiệp phổ thông, thương mẹ khiến Thu nhớ đến mế Hạm nhưng mế chưa kịp làm thuốc cho mẹ thì mế đã về với đất. Thu lại nhớ đến thảm rừng quê và những cây thuốc... Thu thi vào trường y học Tuệ Tĩnh với suy nghĩ giản đơn: “Rừng quê ta còn nhiều cây thuốc quý mà con người thì chưa biết khai thác để phục vụ cho đời sống con người” như Bác Hồ thường căn dặn... Cả khóa học, Thu tập trung thời gian và sức lực cho học và với bài khóa luận về “Cây thuốc vườn nhà”, Hà Thị Kim Thu đã được Hội đồng giám khảo, hội đồng khoa học nhà trường trao trặng cho Thu danh hiệu: “áo trắng giữa rừng quê”. Với những cố gắng tìm tòi, nghiên cứu từ những cây thuốc nơi rừng quê và Thu hiểu ở miền núi có nhiều vị thuốc quý nhưng còn thiếu những thầy thuốc giỏi, nhiều người đã chết trên cây thuốc. Thu ra trường trở về đúng dịp Bệnh viện Đa khoa được  thành lập chi hội Đông y. Thu được giao phụ trách chi hội đông y của viện. Còn mơ ước nào hơn khi Thu được về với miền quê đã từng gắn bó, yêu thương từ thuở còn chăn trâu, đi rẫy... với từng gốc cây, khe suối, bên các mế, có mẹ em bao tháng năm đã lưu lại bao vết hằn trên dốc núi, lưng thung, khi tìm ra những vị thuốc từ rừng để cứu chữa cho bao người dân chưa đọc rành tên những loại thuốc tân dược. Dành thời gian, Thu tìm đến những lương y, các mế để học hỏi và tìm ra những dược liệu quý từ rừng, đem về ươm trồng, nhân giống, phát triển. Thu biết tranh thủ sự giúp đỡ, truyền dạy những kinh nghiệm về y học cổ truyền của cha ông trên mọi miền quê. Thu còn biết khai thác vốn kiến thức khoa học cơ bản tiên tiến của lớp trẻ để vươn tới. Học hỏi từ thực tế, được hái, ươm trồng, chiết xuất và thử nghiệm. Biết dựa vào dân, Thu đã có nhiều vườn thuốc ở các thôn, bản và được người dân giúp chăm sóc, bảo vệ. Nhiều người dân đã biết sử dụng thuốc từ vườn nhà. Đến nay, người dân không chỉ biết ươm trồng vườn thuốc mà còn biết thu hái, sao chế và dùng thuốc vườn chữa bệnh. Lương y Hà Thị Kim Thu được người dân gọi là “thầy thuốc” của bản.

 

Từ ngày bé Cương ra viện, trong Thu như có gì trống vắng, song điều khiến Thu vui là căn bệnh thoái hóa khớp của em đã được chữa trị, trả lại cho em đôi chân lành lặn, giúp em thắp sáng những ước mơ xanh. ánh mắt như vui, như buồn, bối rối của người mẹ trẻ âu yếm nhìn Thu và những cánh trắng blu lấp lánh dưới nắng xuân.

     

 

                                                               Đ.T (Hội Khuyến học Đà Bắc)

 

Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục