Khán giả luôn chờ đợi và kỳ vọng rất lớn trước mỗi bộ phim đề tài lịch sử cổ trang được sản xuất thời gian qua trước khi ra mắt nhưng chưa có phim nào đã trình chiếu thật sự có sức cuốn hút và để lại được ấn tượng trong lòng khán giả

 

Ngày 21-4 tới, bộ phim Huyền sử Thiên Đô (dài 70 tập, kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, NSƯT Đặng Tất Bình và NSƯT Phạm Thanh  Phong đồng đạo diễn; Công ty Sao Thế Giới hợp tác với Hãng phim Truyện 1 sản xuất) sẽ được chính thức ra mắt khán giả cả nước vào lúc 21 giờ trên kênh VTV3.


Như vậy là sau Về đất Thăng Long, khán giả lại có thêm cơ hội thưởng thức tiếp một bộ phim truyền hình lịch sử cổ trang hiếm hoi trên màn ảnh nhỏ. Nhưng Huyền sử Thiên Đô cũng không hứa hẹn mang đến một phim đề tài lịch sử cổ trang hay.



Bebe Phạm vai Giáng Bình trong phim Huyền sử Thiên Đô. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
 
Chưa hấp dẫn
 
Dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã tạo cảm hứng cho các nhà làm phim Việt Nam xây dựng nhiều bộ phim có đề tài liên quan đến sự kiện này. Và đây cũng là cơ hội để khán giả Việt Nam thẩm định khả năng làm phim đề tài lịch sử cổ trang của điện ảnh Việt Nam.
 
Khán giả luôn chờ đợi và kỳ vọng rất lớn trước mỗi bộ phim đề tài lịch sử cổ trang được sản xuất thời gian qua trước khi ra mắt nhưng chưa có phim nào đã trình chiếu thật sự có sức cuốn hút và để lại được ấn tượng trong lòng khán giả.

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng phim lịch sử Việt chỉ mới dừng lại ở việc thể nghiệm, minh họa chứ chưa đủ khắc họa được hình tượng nhân vật một cách sâu sắc và không chuyển tải được trọn vẹn chiều sâu của vấn đề phim đặt ra.
 
Chọn khai thác hình tượng Thái tổ Lý Công Uẩn, hai bộ phim Khát vọng Thăng Long (đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Công ty Kỷ Nguyên Sáng sản xuất) và Về đất Thăng Long (kịch bản Phạm Thùy Nhân, đạo diễn Trần Ngọc Phong, Hãng phim M&T Pictures sản xuất) trở thành tâm điểm chú ý của khán giả điện ảnh và màn ảnh nhỏ khi ra mắt.

Mỗi phim đều có những sáng tạo, hư cấu riêng nhưng nhân vật chính của cả hai phim đều còn mờ nhạt, chưa đủ sức bật để tạo thành một hình tượng với đầy đủ diện mạo, cốt cách của một anh hùng lịch sử.
 
Khát vọng Thăng Long có khúc dạo đầu khá tốt, ấn tượng nhưng càng về sau thì lại rời rạc và đoạn kết có phần nóng vội, vụng về. Phim về Lý Công Uẩn nhưng nhân vật đối nghịch Lê Long Đĩnh lại có đất diễn nhiều hơn và trở thành “nhân vật chủ chốt” của phim.

Võ thuật ấn tượng, trang phục và bối cảnh đẹp nhưng kịch bản hụt hơi đã khiến cho mạch phim Khát vọng Thăng Long bị “gãy” đáng tiếc.
 
Còn Về đất Thăng Long, nhiều khán giả nhận xét phim có một đường dây mạch lạc và thuyết phục nhưng lại mất điểm hoàn toàn vì sự thưa thớt, manh mún đến chán ngắt ở những đại cảnh.

Quan, quân lèo tèo chỉ vài người và những cuộc chiến đấu giữa những vị tướng cũng dễ dàng khiến người xem có cảm giác như các nhân vật “đánh trận giả”. Điều này cũng là một nguyên do khiến phim mất đi sức hút và tính hấp dẫn. Chưa kể, bối cảnh đơn giản, thiếu sự toàn diện để hình dung được diện mạo của một triều đại.  
 
Ở phim Tây Sơn hào kiệt, dù rằng nhà sản xuất đã nỗ lực hết mình để thực hiện nhiều đại cảnh nhưng vẫn chưa thể làm công chúng hài lòng, bởi cốt chuyện đơn điệu, tình tiết chưa hấp dẫn, đại cảnh trên màn ảnh rộng chưa đạt được độ hoành tráng.

Riêng bộ phim Anh chàng vượt thời gian (đạo diễn Ngọc Ngân, Hoàng Thiên Trụ, Công ty Năng Động Việt, phát sóng lúc 21 giờ trên kênh VTV3) – một thể nghiệm mới cho thể loại phim dã sử cổ trang - đang bị công chúng chỉ trích nặng nề khi xây dựng bộ phim theo trí tưởng tượng hết sức nhạt nhẽo với những tình tiết chuyện hậu cung vớ vẩn, bối cảnh sơ sài, cẩu thả và trang phục thì “không giống ai”.
 
Khổ trăm bề
 
Khó, khổ trăm bề là câu ta thán cửa miệng của những người làm phim đã trải qua đề tài này. Hàng trăm cái thiếu và yếu, từ kịch bản, đội ngũ làm phim đến phim trường, bối cảnh cổ, phương tiện, phục trang, hóa trang… Mọi nỗ lực chỉ đủ tạm chấp nhận khi kinh phí, thời gian và nhân vật lực đều có hạn.
 
Nói về khó khăn của kịch bản, một người trong giới cho rằng: Chúng ta có vô số sự kiện lịch sử để dựa vào xây dựng phim nhưng lại thiếu những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử để chuyển thể, phóng tác nên kịch bản những phim đề tài này chủ yếu do một số nhà biên kịch chế tác từ những sự kiện lịch sử chính nên thiếu chất hấp dẫn của tiểu thuyết.
 
Một người trong giới nói rằng nếu không có dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, với hy vọng được Nhà nước đặt hàng, tài trợ thì không nhà tư nhân làm phim nào dám liều mình đầu tư làm phim đề tài này, bởi họ thừa biết khả năng làm phim của Việt Nam còn lâu mới có thể tạo ra được một bộ phim hay, trong khi phim đề tài này quá tốn kém về tiền bạc, công sức và thời gian.
 
Bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Giám đốc Hãng phim M&T Pictures, thừa nhận đơn vị phải xoay nguồn vốn khác để “bù lỗ” cho Về đất Thăng Long.

Đạo diễn NSƯT Lý Huỳnh xem Tây Sơn hào kiệt là một tác phẩm tâm huyết. Còn bộ phim do Nhà nước đầu tư Long Thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn, Hãng phim Giải phóng) thì coi như “mất trắng” vốn đầu tư khi chủ yếu chiếu phục vụ miễn phí cho khán giả ở các tỉnh, thành phía Bắc. 
 
Phim lịch sử đã được khơi dòng nhưng vẫn chưa thể làm “thỏa cơn khát” cho công chúng Việt Nam bao lâu nay. Hầu hết phim lịch sử ra mắt trong thời gian qua đều được thực hiện nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, các đơn vị tư nhân cũng nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước khi bắt tay thực hiện các dự án phim hàng tỉ đồng này.

Còn sau đại lễ, một câu hỏi đặt ra là liệu ai sẽ tiếp tục làm phim lịch sử khi những khó khăn, trở ngại của thể loại phim này khiến các nhà sản xuất ngán ngại.

Khó lòng “tự bơi”

 
Đạo diễn Tường Phương nói phim lịch sử phải là một công trình tâm huyết của các nhà làm phim. Nhưng sự nỗ lực, tận tụy thôi chưa đủ nếu như điện ảnh nước nhà vốn dĩ không hề có cơ sở vững chắc cũng không có động thái nào hỗ trợ, đặt nền móng cho sự phát triển của thể loại phim này. Các đơn vị sản xuất tư nhân khó lòng “tự bơi” khi biết rằng khó mà thu hồi vốn từ phim lịch sử.

 

 

                                                               Theo NLD

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục