Trích đoạn vở tuồng

Trích đoạn vở tuồng "Sơn Hậu" của Nhà hát tuồng Đào Tấn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nghệ thuật sân khấu truyền thống nước ta đang gặp khó khăn trong việc thu hút người xem, nhất là với đối tượng thanh niên. Dự án sân khấu học đường do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đề xuất với Chính phủ và được phê duyệt thực hiện, là một trong những cách giúp giới trẻ tiếp cận, hiểu về nghệ thuật dân tộc, tạo dựng một tầng lớp công chúng đến với sân khấu truyền thống và qua đó, đào tạo những tài năng và nguồn diễn viên cho các hoạt động nghệ thuật.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trước là Bộ Văn hóa - Thông tin) và Bộ Giáo dục và Ðào tạo, dự án 'Sân khấu học đường' đã được giao Cục Nghệ thuật biểu diễn cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và Vụ Công tác Chính trị của Bộ Giáo dục và Ðào tạo chủ trì, phối hợp ngành văn hóa và giáo dục các địa phương tổ chức thực hiện. Mục đích của dự án là tăng cường giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, giáo dục những hiểu biết về văn hóa - xã hội thông qua việc giới thiệu những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, đồng thời giảng dạy các kiến thức về bộ môn nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch cho các em học sinh các trường phổ thông trung học cơ sở, nhằm tạo ra một đội ngũ công chúng trẻ có hiểu biết, có nhận thức đúng, thẩm thấu được những cái hay, cái đẹp, những giá trị tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, qua đó giúp các em thêm yêu thích, biết trân trọng, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, xem đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ðược triển khai từ năm 2001 đến nay, dự án đã thật sự tạo nên một số chuyển biến trong nhận thức về nghệ thuật sân khấu dân tộc ở một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông ở các tỉnh, thành phố. Theo từng giai đoạn, trong mười năm qua, dự án đã tiến hành giảng dạy về chèo và tuồng, bài chòi, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Bình Trị Thiên, cải lương và dân ca Nam Bộ ở 90 trường phổ thông trung học tại ba miền bắc, trung, nam (mỗi khu vực là 30 trường). Trong từng giai đoạn và theo khu vực, các đơn vị thực hiện dự án đã tổ chức tổng kết, biểu diễn báo cáo, hội thảo đánh giá hoạt động và in các tài liệu, kỷ yếu để tuyên truyền và phục vụ việc giáo dục, giảng dạy ở các nhà trường, địa phương. Dư luận xã hội và ngành văn hóa - giáo dục ở các địa phương trong cả nước đã nhiệt tình phối hợp tham gia và đánh giá cao ý nghĩa dự án, coi đây là một giải pháp hay trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật sân khấu dân tộc và đề nghị cần mở rộng và nhân lên các hoạt động của dự án đến nhiều trường hơn nữa. Ở nhiều trường thực hiện dự án, sau khi biểu diễn báo cáo kết quả, đều thành lập câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc để tiếp tục hoạt động biểu diễn trong và ngoài trường. Các câu lạc bộ này được ban chỉ đạo dự án trang bị nhạc cụ, trang thiết bị âm thanh, phục trang và những cuộc biểu diễn của học sinh đã thật sự trở thành ngày hội trong nhà trường.

Có thể nói, việc thực hiện dự án 'Sân khấu học đường' bước đầu đã gây được ảnh hưởng lớn trong các trường THPT, THCS và được sự ủng hộ của dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng. Các em học sinh từ không hiểu, không thích, đã hiểu và yêu nghệ thuật dân tộc nhiều hơn, tạo cho các em có sân chơi bổ ích, có cuộc sống tinh thần trong sáng, lành mạnh, vui khỏe, lạc quan để học tập tốt và bồi dưỡng thế giới nội tâm, nhân cách, lối sống, những khát vọng, hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ theo truyền thống của cha ông. Qua đó không khí hoạt động văn hóa lành mạnh trong các trường trở nên sôi nổi, hạn chế được những sinh hoạt thiếu lành mạnh. Hoạt động biểu diễn giao lưu, giới thiệu, giảng dạy về nghệ thuật dân tộc đã có tác dụng giáo dục, định hướng thẩm mỹ, tạo ra một đội ngũ công chúng trẻ có hiểu biết đúng đắn những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, quý trọng di sản văn hóa của cha ông. Giáo dục bằng nghệ thuật dân tộc còn có tác động thẩm thấu sâu đậm, lan tỏa rộng và ảnh hưởng quan trọng đến việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước trong các em ở tuổi vị thành niên. Những giá trị nghệ thuật và chiều sâu tư tưởng cũng như giá trị thẩm mỹ của tác phẩm sân khấu dân tộc là bài học vô cùng quý giá và quan trọng, giúp các em phân biệt được cái tốt, cái xấu, cái thiện, cái ác, nhận biết được những phẩm chất cao đẹp của con người trong cuộc sống, từ đó nâng cao lòng tự hào dân tộc, biết phấn đấu, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, thành những công dân trẻ sống có ích cho xã hội trong tương lai. Việc đưa sân khấu dân tộc đến với học đường còn tạo nhịp cầu giao lưu gắn bó, gần gũi giữa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với công chúng là học sinh các trường phổ thông. Cũng qua đó, giúp các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và các trường nghệ thuật tuyển chọn được nhiều học sinh có khả năng để tiếp tục đào tạo thành diễn viên chuyên nghiệp.

Từ hiệu quả của dự án 'Sân khấu học đường', đã có nhiều tỉnh, thành phố và các trường học đề nghị tiếp tục được hỗ trợ thực hiện việc giảng dạy về nghệ thuật dân tộc. Nhiều nghệ sĩ ở các loại hình sân khấu dân tộc khi về hưu cũng tha thiết được tham gia giảng dạy, truyền nghề và kiến thức cho lớp trẻ ở các trường THPT, THCS. Ðể dự án 'Sân khấu học đường' đi vào chiều sâu, thời gian tới cần có sự chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành nhằm vận động và huy động được mọi nguồn lực trong nhân dân, làm tốt chủ trương xã hội hóa Nhà nước và nhân dân cùng làm để phát triển và nuôi dưỡng phong trào, giúp cho các câu lạc bộ nghệ thuật của học sinh trong các trường phổ thông phát triển. Ðây cũng là một trong những hoạt động thiết thực, thực hiện chủ trương của Ðảng 'Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc'. Từ việc mở rộng thực hiện dự án ở nhiều địa phương trên khắp các vùng, miền trong cả nước, sẽ là tiền đề cho việc đưa nghệ thuật sân khấu truyền thống vào chương trình giáo dục chính khóa ở các trường học.

 

                                                                      Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Hội thảo khoa học lịch sử về tinh hoa văn hóa Tây Tiến và du lịch Tây Tiến

Ngày 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh phối hợp Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học lịch sử "Tinh hoa văn hóa Tây Tiến và kết nối du lịch theo con đường bộ đội Tây Tiến" (du lịch Tây Tiến).

Xã Quang Tiến sôi nổi xây dựng đời sống văn hóa

Cuối năm 2023, tuyến đường nối giữa 2 cụm dân cư thuộc xóm Đoàn Kết 1, xã Quang Tiến (TP Hoà Bình) được mở mới và cứng hóa thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu, giao thương của nhân dân.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khai mạc Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm 2024

Chiều 16/5, tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã diễn ra lễ Khai mạc Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm 2024. Đây là chương trình nghệ thuật do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An tổ chức nhằm Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024).

Tuyên truyền, giới thiệu những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình cho học sinh

Ngày 15/5, nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tổ chức tuyên truyền, giới thiệu giá trị nội dung di tích lịch sử cách mạng Địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Hòa Bình cho 100 học sinh Trường TH&THCS Bãi Lạng (Lương Sơn).

Ra mắt sách “Từ Việt Bắc về Hà Nộii” trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”

Tiểu thuyết "Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập "Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục