Trường quay Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) - nơi thực hiện hai phim truyền hình lịch sử hiếm hoi Thái sư Trần Thủ Độ và Huyền sử Thiên Đô với nhiều bối cảnh xưa cũ, nhiều tòa ngang dãy dọc nay đang trở lại cảnh hoang tàn...

Khi nói về bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ, đạo diễn Đặng Tất Bình không hề phủ nhận thực tế: “Những bối cảnh ngoại mà chúng tôi đã dựng tại đó như cổng thành Thăng Long với dãy tường thành dài gần 150m, đại điện, dãy phố nhà giàu, dãy phố nhà nghèo, xóm chợ, tư dinh của Trần Thủ Độ... hiện đã bị thời gian và mưa bão làm hư hỏng! Qua mùa mưa này, chắc chắn những chỗ đó sẽ lại trở về hình dáng ban đầu của nó, đó là những... mặt bằng!”.

Từ câu chuyện Cổ Loa

Tình trạng chung: dựng rồi phá

Nhắc đến trường quay phía Nam, giới trong nghề thường liệt kê một số nơi gắn liền với tên phim: phim trường ngoại của Hãng phim Vifa (nơi quay Mùi ngò gai), phim trường của BHD (quay Cô gái xấu xí, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Bỗng dưng muốn khóc, Những thiên thần áo trắng...), trường quay của Hãng phim Chánh Phương (dựng bối cảnh phim Dòng máu anh hùng)... Phim truyền hình đương đại nên bối cảnh không phức tạp như phim lịch sử, chỉ cần chợ búa, đình làng, trường học, công ty thời trang... “Nhưng sau đó các bối cảnh buộc phải phá đi, cứ làm xong thì đập bỏ, thay thế cho những mục đích khác: cho thuê mặt bằng làm phim mới hoặc làm chương trình truyền hình... Kinh phí hạn hẹp, diện tích có hạn, vả lại trường quay của ta xây ra đâu tính đến nhu cầu quảng bá du lịch, nói gì đến tính quy mô lâu dài”, một đại diện hãng phim tư nhân nêu lên thực trạng chung  của phim trường.

Là đạo diễn có tiếng “ăn, nói, gói, mở” đều không làm phật lòng ai, ông Đặng Tất Bình đã tránh dùng những từ nặng nề để nói về thực trạng một Cổ Loa - từng là dự án đáng nể nhất trong việc đầu tư xây dựng nền công nghiệp điện ảnh VN - nay trở về cảnh...hoang phế sau khi đã có hai đoàn phim lịch sử cày xới.

Được thiết kế và xây dựng theo mô hình Cộng hòa dân chủ Đức, trên thực tế từ năm 1959-1976, khu điện ảnh Cổ Loa đã xây dựng được khu trường quay nội cảnh, nhà thu thanh, xưởng in tráng phim, một số công trình phụ trợ như nhà ăn 500 chỗ, khu nhà trẻ, khu tập thể và các công trình hạ tầng kỹ thuật như trạm cấp nước, trạm biến thế điện... trên diện tích khoảng 15 ha.

Đến nay, sau khi kết thúc giai đoạn 1 dự án phục hồi nâng cấp cải tạo trường quay Cổ Loa vào tháng 2-2011, trường quay đã có nhà công vụ, khu nhà phục vụ nghỉ ngơi, ăn ở cho diễn viên và đoàn phim theo mô hình làng điện ảnh. Trường quay cũng thu tiền từ các đoàn làm phim, sẵn lòng cho thuê phần khu nhà nghỉ làm trại sáng tác...

Nhưng còn đâu nữa các bối cảnh thái ấp, cung điện, kiến trúc làng quê... vì nhắc đến bối cảnh là nhắc đến hệ thống kỹ thuật hiện đại, vật liệu bền vững, phù hợp khí hậu nhiệt đới để giữ lại cho những bộ phim sau (trong khi hầu hết các mô hình đang sử dụng vật liệu nhẹ như xốp...). Chưa kể để xây dựng kiên cố thì cần quỹ đất, quy hoạch tổng thể và đầu tư thích đáng. “Mà thực tế thì mấy năm qua, bối cảnh dựng ở Cổ Loa được xác định từ đầu là chỉ dùng để quay phim đó thôi, chứ không tính lâu dài vì không có kinh phí”, đạo diễn Đặng Tất Bình nhắc lại.

“Bây giờ làm gì còn bối cảnh nào, khu nhà nghèo thì sập lâu rồi, còn lại ít mái tranh bỏ ngoài sân kho, còn khu nhà giàu chẳng còn căn nào nguyên vẹn”, một công nhân môi trường vừa bắt châu chấu bỏ vào chai vừa trả lời câu hỏi về khu bối cảnh của phim Thái sư Trần Thủ Độ.

Đưa tay chỉ về một căn nhà gỗ hai tầng đã bị tung mái, lộ ra những miếng bạt xanh đỏ, một công nhân khác nói: “Không biết tốn bao nhiêu tiền, cái nhà ấy phải thuê cả người nước ngoài (Trung Quốc - PV) làm đấy, thợ VN chỉ làm mấy cái nhà thâm thấp kia thôi. Cũng chẳng biết họ làm kiểu gì, toàn bằng gỗ dán mà trông uy nghi và hoành tráng đến thế!”. Hỏi về giai đoạn hai của công cuộc xây dựng phim trường, các công nhân này lắc đầu: “Chúng tôi chỉ biết cắt cỏ dại, thu dọn vệ sinh môi trường để trồng một loại cỏ mới phục vụ nhu cầu cho thuê mặt bằng làm phim”.

Manh nha những dự án tư nhân

Trong khi giấc mơ lớn về một trường quay đa năng vẫn còn trên giấy, những nhà làm phim tư nhân cũng đã manh nha xây dựng những trường quay nho nhỏ với diện tích chỉ vài nghìn mét vuông.

Có những dự án được quảng bá rầm rộ rồi cũng sớm tan. Cuối năm 2010, nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải từ Nam ra Bắc, hùn vốn với bạn bè mở trường quay tư nhân Focus 300 tại một nơi ven ngoại thành Hà Nội (Gia Lâm). Có diện tích 700m2, nhiếp ảnh gia này rất tự tin với hệ thống kỹ thuật trong trường quay, đặc biệt là hệ thống làm hậu kỳ và những bộ máy quay hiện đại (xuyên nước...). Nay khi được hỏi thăm, với giọng nói chán nản không muốn nhắc chuyện cũ, nhiếp ảnh gia tuyên bố đã từ bỏ trường quay, Focus 300 giờ hoạt động hay không hoặc năng suất thế nào ông cũng không còn quan tâm.

Cũng có những dự án manh nha và đầy tự tin ở thời điểm hiện tại như của đạo diễn Trần Lực. Ông cho biết đã thuê được gần 10.000 m2 đất ở Gia Lâm với thời hạn thuê 50 năm để xây dựng một trường quay nho nhỏ. Vị đạo diễn này chia sẻ: “Rõ ràng khán giả Việt đang có nhu cầu xem phim lịch sử rất lớn, bởi vậy trong thời gian tới sẽ có không ít người đầu tư cho mảng đề tài này. Bản thân tôi cũng quan tâm, nên trong khi chờ đợi một trường quay hoành tráng của Nhà nước thì tôi đầu tư xây dựng trường quay của mình với bối cảnh những năm đầu thế kỷ 20”.

Chia sẻ về dự án trường quay, đạo diễn nói rõ kế hoạch: “Tất cả bối cảnh sẽ bằng vật liệu bền vững, kiên cố từ nhà cửa đến đường sá, để không chỉ phục vụ những bộ phim tôi sắp làm mà còn làm khu du lịch và nghỉ dưỡng”.

Vị đạo diễn này xem ra đã tính rất xa, tính đến cả mô hình trường quay đa năng. Nó lại khiến nhức nhối khi nhớ lại hình ảnh Cổ Loa, nơi những chú ngựa thuê của nước ngoài đã được trả về nhà, chỉ còn lại những xác bối cảnh đã hỏng sau một lần sử dụng. “Chừng nào chúng ta chưa xây dựng được nhu cầu thật sự muốn sản xuất phim lịch sử, chừng ấy đòi hỏi trường quay là điều hoang tưởng. Đến trường quay đương đại còn không có nữa là”, đạo diễn Đặng Tất Bình ngao ngán nói. Cho dù chỉ mới gần đây Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh chỉ đạo ban giám đốc trường quay Cổ Loa khẩn trương lập quy hoạch chi tiết dự án phục hồi, nâng cấp, cải tạo trường quay Cổ Loa giai đoạn 2.

 

                                                                              Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục