(HBĐT) - Sau những ngày đi thực tập tốt nghiệp ngành văn học, tôi đưa Trương Đông về nhà chơi, thăm động Hoa Tiên, Tượng đài Bác Hồ, bản Lác (Mai Châu). Chúng tôi lại men theo con sông Đà xanh biếc. Phải nói rằng những ngày qua, Trương Đông vô cùng thích thú với mảnh đất miền sơn cước, là người Trung Quốc sang du học Việt Nam gần 5 năm, Trương Đông nói tiếng Việt rất tốt.

 

Đứng từ Tượng đài Bác Hồ nhìn xuống TPHB về đêm thật đẹp, rực rỡ  lấp lánh như triệu vì sao tinh tú, ánh đèn hắt ra từ những ô cửa nhỏ ... Hoà Bình đẹp, yên bình và thơ mộng.

Xe chuyển bánh qua nơi có bức thư thế kỷ rồi dừng lại ở Đài tưởng niệm, chúng tôi bước xuống nghiêng mình kính cẩn thắp một nén hương cho vong linh của những người đã mãi mãi nằm xuống vì thuỷ điện hôm nay. Sau đó, chúng tôi tản bộ dọc theo bờ sông Đà xanh mát.

- Trương Đông ơi! Cậu biết không? Bố mẹ tôi đã từng là công nhân xây dựng thuỷ điện, khi tôi được sinh ra nơi đây, dòng điện là dòng máu chảy trong trái tim tôi, đập trong lồng ngực của tôi. Còn nhớ trước đó năm 1979, khi công trình thuỷ điện bắt đầu được xây dựng, nơi đây hoang sơ, chỉ toàn lau và cỏ, đá. Cũng chính nơi này, trước đó thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã lấy đi biết bao sinh mạng của đồng bào tôi, để lại bao đớn đau, nhức nhối.

 - Điều gì thôi thúc khiến Trương Đông đến đất nước Việt Nam du học?

Trương Đông chỉnh lại cặp kính của mình và nói rằng: Tôi yêu đất nước Việt Nam, nét tương đồng giữa hai quốc gia, yêu văn học Việt Nam, yêu sự chân thành, thân thiện của đất nước các bạn.

 Tôi hiểu Trương Đông lắm chứ, hiểu cả Trương Đông đang nghĩ gì và dù trong hoàn cảnh lịch sử hay hiện tại. Chúng tôi thả bộ bước đi, men theo những phiến đá xanh lớn xen kẽ những bụi lau đang đu mình theo hướng gió. Phải thừa nhận rằng, sông Đà về đêm thật đẹp. Trăng soi sáng xuống làn nước trong vắt tưởng như nhìn thấy dưới đáy kia là một chiếc đĩa khổng lồ.

 Dưới ánh trăng sáng, hai chúng tôi dắt tay nhau đi, thấy trong lòng quên hết phiền muộn, cảm giác yên bình thật khó tả, rồi chúng tôi ngồi xuống một phiến đá lớn để tận hưởng hương thơm dịu nhẹ từ những bông hoa dại bên bờ sông Đà. Mùa này, sông Đà êm đềm, xanh mát, không hung dữ như khi vào hè, nước đỏ đục ngầu. Sông chảy hiền hoà như một người phụ nữ dịu dàng có mái tóc dài mềm mượt, dáng người uyển chuyển, giọng nói thanh nhẹ.

Trương Đông hỏi tôi có biết sông Đà bắt đầu từ đâu không?

Tôi nhìn Trương Đông cười! Từ Vân Nam Trung Quốc có phải không? Đúng quá còn gì. Đất nước Việt Nam có nhà văn Nguyễn Tuân, ông miêu tả sông Đà “Tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong vùng trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo...”  Trương Đông say sưa nói về sông Đà như hiểu về chính đất nước Trung Quốc vậy. Chẳng trách cậu ấy luôn đạt điểm A môn văn học Việt Nam.

 Tôi gật đầu theo lời kể của Trương Đông  và giải thích thêm: Xưa kia, vùng đất này là nơi hội tụ của sông, của núi, thiên nhiên hoang sơ và con người nhân hậu, tốt bụng, sống theo lối săn bắn, hái lượm và dệt vải, dân cư chính là người Mường. Từ năm 1979, khi công trình thủy điện được bắt đầu xây dựng, mảnh đất nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Khi còn nhỏ, tôi thường được ông kể cho nghe truyền thuyết trên sông Đà, một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi.

 Ngày ấy, có một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chàng được dân làng yêu quý và đặt tên là Ban Đoong, chàng có khả năng săn thú rất giỏi và thổi sáo rất hay. Chàng đem lòng yêu một người con gái xinh đẹp tên là Mỷ, nàng có làn da trắng hồng, đôi mắt tròn đen và mái tóc dài mượt mà. Những đêm trăng sáng, điệu múa của nàng đã làm say đắm nhiều chàng trai trẻ. Ban Đoong đem lòng yêu Mỷ nhưng vì chàng quá nghèo nên không có tiền cưới vợ, không có trâu, bò để thết đãi dân làng, trong lòng chàng chỉ biết  nhớ thầm Mỷ mà thôi.

 Vào tháng 9/1426, Lê Lợi cho tiến quân ra Bắc Hà do Phan Văn Sảo chỉ huy. Nhiều trai làng Thịnh Minh, trong đó có Ban Đoong đã góp phần làm nên chiến thắng Tốt Động, Trúc Động. Giặc bị đánh tan tành, vua trọng thưởng cho nhiều người có công lớn. Giặc tan, nhà vua mở tiệc ăn mừng khao dân làng và nghĩa quân, đồng thời trọng thưởng cho Ban Đoong. Bây giờ, chàng đã có thể cưới Mỷ làm vợ. Dân làng Thịnh Lang, Thịnh Minh vui mừng ăn đám cưới trong 3 ngày chúc phúc cho đôi bạn trẻ. Tiệc tan, Ban Đoong hộ giá vua về kinh rồi chàng được vua ân chuẩn cho quay về thăm dân làng và người vợ trẻ mới cưới.

 Những ngày xa Mỷ, chàng nhớ vợ da diết. Tạ ơn vua, chàng lên thuyền về thăm dân làng và vợ. Qua mỗi đoạn sông, chàng đều vái lạy thần sông, thần núi để cầu nguyện cho chuyến đi của mình an lành.

 Chỉ còn nửa ngày đường nữa chàng sẽ được ở bên cạnh vợ, chàng cố gắng lái con thuyền để về với vợ thật sớm, nhưng đến một khúc sông cũng là lúc trời tối, chàng thấy đầu óc quay cuồng, rồi chàng bất tỉnh không còn biết gì nữa...

Tỉnh dậy, chàng thấy mình đang nằm trên chiếc giường trong một căn nhà nhỏ xinh xắn, chưa hiểu sự tình thế nào thì một cô gái xinh đẹp, mái tóc dài ngang đầu gối, đôi mắt nàng đẹp nhưng buồn, làn da trắng hồng và đặc biệt giọng nói của nàng thật dịu dàng, ấm áp: “Chàng hãy uống hết bát thuốc này cho lại sức, xin chàng hãy an lòng”.

 Ban Đoong vẫn chưa hết bàng hoàng: Ta đang ở đâu thế này?

Cô gái nhẹ nhàng từ tốn đáp: Đêm qua, chàng đi thuyền qua đoạn sông này. Đây là khúc sông hiểm trở, thần núi, thần sông đều rất hung dữ, đã có nhiều người bỏ mạng trên khúc sông này, đêm qua, thiếp đi gánh nước, thấy thuyền của chàng dạt vào bờ, biết chàng vẫn còn sống nên thiếp đã đưa chàng về đây.

Ta cảm ơn công cứu mạng của nàng, ta phải làm gì để đền đáp ơn cứu mạng này?

Xin chàng đừng lo lắng, thấy người bị nạn ai gặp cũng sẽ cứu thôi, chàng hãy uống hết bát thuốc này đi sau vài canh giờ nữa là khỏi.

Ban Đoong nhận lấy bát thuốc trong lòng cảm tạ vô cùng, chàng uống hết bát thuốc rồi ngủ lúc nào chẳng hay. Tỉnh dậy thấy người con gái đêm qua cứu mình nằm gọn trong vòng tay của chàng.

 Nhiều ngày sau, vua Lê cho quân ngược về Thịnh Lang, Thịnh Minh để đón Ban Đoong trở về triều đình. Dân làng và Mỷ vô cùng lo lắng vì mãi không thấy tin tức của Ban Đoong đâu, tất cả thịt, rượu đã chuẩn bị chu đáo nhưng càng đợi người chẳng thấy về.

 Nói về Mỷ, nàng nhớ chồng da diết, đêm nào cũng mòn mỏi ngóng chờ nhưng càng chờ càng tuyệt vọng, được người báo tin rằng chồng nàng đã có người tình mới, nàng đau đớn xót xa, thương cho chính bản thân mình.

Nghe tin chồng có người tình, chàng ở cách đây nửa ngày đường mà không về với mình, Mỷ ghen tuông sinh lòng thù hận, nàng đi tìm rễ cây lá ngón độc đun lấy nước rồi dùng nước làm bánh. Vào một buổi sáng đẹp trời, Ban Đoong tạm biệt vợ bé lên rừng săn thú nhưng những bước chân vô tình của chàng cứ xuôi theo dòng nước, bước chân vô tình ấy đã khiến chàng gặp lại Mỷ, vợ chồng gặp lại nhau vui mừng khôn xiết, Mỷ quên tất cả hận thù ôm chặt lấy chồng. Vợ chồng sau nhiều ngày xa cách, tình yêu lại thắm thiết hơn bao giờ hết, chàng ăn chiếc bánh ngấu nghiến mà Mỷ đem theo. Mỷ hạnh phúc vô cùng khi gặp lại chồng, bao nhiêu giận hờn, ghen tuông tan biến quên cả trong bánh có độc. Khi Ban Đoong ăn bánh, nàng đã ngăn không kịp. Mỷ chỉ biết khóc và ôm chặt chồng trong vòng tay của mình.

 Ban Đoong nhìn vợ đầy âu yếm: “Nàng, nàng hãy tha thứ cho ta” rồi chàng thiếp đi trên tay vợ. Mỷ chỉ biết gục đầu vào chồng và oán trách mình, những giọt nước mắt ân hận của nàng rơi xuống nhưng Ban Đoong không thể sống lại nữa.

Mỷ ôm chặt chồng vào lòng rồi vực dậy bước đi, nước mắt vẫn không ngừng rơi, nỗi đau như có ai đó đâm từng nhát dao vào trái tim nàng. Nàng cúi lạy thần sông, thần núi rồi ôm chồng lao xuống dòng sông Đà tự vẫn. Từ đó, dân làng không ai còn nhìn thấy Mỷ và Ban Đoong đâu nữa, nhiều người cho rằng họ hóa thành những thiên thần bay đi đâu đó rất xa mà thiên thần thì làm sao tìm thấy được...

Trương Đông nhìn tôi chia sẻ, tôi không biết nhiều về dân tộc các bạn nhưng truyền thuyết bạn kể rất hay, tôi yêu đất nước các bạn, một dân tộc Việt nam có bề dày lịch sử, đậm đà bản sắc dân tộc, đáng tự hào biết bao. Tôi sẽ cố gắng học tốt tiếng Việt hơn nữa để nghiên cứu tiếp những truyền thuyết trong văn học của đất nước các bạn, để dịch những truyền thuyết ấy sang tiếng Trung Quốc giới thiệu cho các bạn ở đất nước chúng tôi.

- Vâng! Chúng mình về nhà thôi Trương Đông. Ngày mai tôi sẽ kể cho bạn nghe nhiều truyền thuyết rất hay trên quê hương  tôi...

                       

                                                            

                                                         Vũ Thanh Bình

                                               (Tổ 12, P.Tân Thịnh - TPHB)

 

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục