Sớm nổi tiếng và giành giải thưởng cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ ngay từ những bài thơ đầu tiên, đến nay, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với thi ca. Bà rất cởi mở khi trò chuyện về những tác phẩm đầu tiên của mình, trong đó có bài thơ "Hương thầm" đã thuộc lòng trong độc giả nhiều thế hệ.

 

- Thưa nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, bài thơ "Hương thầm" nổi tiếng có phải là bài thơ đầu tiên của bà hay không?

+ Có thể xem "Hương thầm" là một trong những bài thơ đầu tiên của tôi. Trước đó, tôi cũng có một bài thơ được đăng trên Báo Văn nghệ, có tên là "Tình yêu đất nước". Nhưng cho đến nay thì tôi không còn nhớ bài thơ đó, cũng không còn bản thảo. "Hương thầm" được trao giải nhì, cùng với hai bài thơ khác là "Xóm đê" và "Bản mới", trong cuộc thi thơ năm 1970 của Báo Văn nghệ.

- Một người cầm bút buổi đầu đến với thi ca đã giành giải thưởng cao trong một cuộc thi uy tín, lúc đó bà có bị "ngợp" không?

+ Năm 1969, tôi đang công tác ở Báo "Hà Nội mới" và cũng vừa lập gia đình. Thấy  Báo Văn nghệ mở cuộc thi thơ, một số nhà văn nổi tiếng mà tôi quen biết như Tô Hoài, Xuân Quỳnh và cả ông xã của tôi, nhà thơ Thi Nhị, đều động viên tôi gửi thơ dự thi. Tôi dè dặt gửi đi và nói thật là không dám hy vọng về giải thưởng. Phần vì tôi là người mới đến với văn học, phần vì tính cách tôi vốn rụt rè nên tôi chỉ nghĩ đơn giản mình thi cho vui, chiều lòng những người yêu quý mình thôi. Xuân Quỳnh lúc đó đang làm Báo Văn nghệ, rất nổi tiếng và có uy tín, lại là thành viên của ban sơ khảo. Tôi và Quỳnh khá thân thiết với nhau từ trước đó. Chấm xong sơ khảo, Quỳnh đi gặp tôi ngay và thông báo: "Tao thấy người ta khen thơ mày đấy Nhàn ạ". Đến vòng chung khảo, Quỳnh lại hớn hở gặp tôi: "Mày có thể được giải nhì đấy". Và chúng tôi rủ nhau đi chơi. Trên đường đi, Quỳnh gợi ý rằng, trong bài "Hương thầm" có câu tôi viết: "Cô gái như chùm hoa nhỏ bé" thì nên đổi thành "Cô gái như chùm hoa lặng lẽ" sẽ hay hơn, có chiều sâu hơn, đúng với tính cách của tôi hơn. Tôi thấy hợp lý và sau này đã sửa câu thơ như gợi ý của Xuân Quỳnh. Đến khi giải thưởng được công bố, tôi không có cảm giác ngợp như bạn hỏi, có thể tôi đã được Xuân Quỳnh "hé lộ bí mật" cho từ trước rồi. Hơn nữa, tính tôi vốn trầm, nên mọi sự bộc lộ ra bên ngoài nó cũng bình thường thôi. Giải nhất cuộc thi thơ năm 1970 của Báo Văn nghệ được trao cho nhà thơ Phạm Tiến Duật. Anh Duật lúc bấy giờ rất được độc giả chú ý.

- Nhưng chắc chắn là thành công ngay từ bước đầu tiên ấy đã khiến bà tự tin hơn nhiều trên con đường văn chương sau này…

+ Thực ra cho đến giờ phút này, sau nửa thế kỷ làm thơ, tôi vẫn là người thiếu tự tin. Tôi không rõ ràng mấy về cái gọi là động lực cho mình quyết tâm trở thành nhà văn, nhà thơ, từ tác phẩm đầu tiên, hay giải thưởng văn học đầu tiên. Nó hoàn toàn không mang đến áp lực gì cho tôi trên chặng đường sáng tác sau đó. Vì việc viết với tôi, ngay từ bài thơ đầu tiên cho đến tận bây giờ, là hoàn toàn tự nhiên, không cần cố gắng hay ép buộc bản thân. Sau khi nhận giải nhì của Báo Văn nghệ, dĩ nhiên là tôi được bạn đọc quan tâm nhiều hơn. Thời đó ít phương tiện truyền thông lắm, thơ mà được ngâm trên đài tiếng nói là rất oai đấy. Nhưng nói thật là tôi rất ngượng ngùng khi nhận lời khen của ai đó, ngượng ngùng hơn khi họ gọi mình là nhà thơ.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (thứ tư từ phải qua) nhận giải nhì thơ Báo Văn nghệ 1970.

- Trong chùm thơ được trao giải nhì Báo Văn nghệ của bà, bài "Hương thầm" thì đã được phổ nhạc và quá phổ biến trong công chúng rồi. Bài "Xóm đê" thì đã được đưa vào sách giáo khoa và giảng dạy trong nhà trường, cũng được nhiều người biết đến không kém. Nhưng riêng bài thơ "Bản mới" của bà thì có vẻ không mấy người biết tới...?

+ Âm nhạc, sách giáo khoa là những phương tiện hữu ích phổ biến thi ca. Mỗi bài thơ khi đã ra đời sống, nó sẽ có một số phận riêng. Nếu như "Hương thầm" là tâm trạng của một cô gái tiễn người yêu ra trận, "Xóm đê" là những cảm nhận của tôi về xóm đê nghèo nhưng đầy ắp tình người ở ngoại thành Hà Nội, thì "Bản mới" lại là những kỷ niệm của tôi khi đến một vùng đất mới. Tôi viết bài thơ này khi lên Tây Bắc thăm "ông xã" đang công tác ở đây. Một không gian đẹp đẽ, trong trẻo mở ra trước mắt một cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội là tôi lúc bấy giờ:  "Xã viên rỡ sắn ở lưng đồi/ áo chàm chen lẫn áo nâu tươi/ Miệng cười duyên dáng sau vành nón/ Quen quen như gặp ở đâu rồi/ Cọn quay đều đưa suối lên nương/ Lúa đã trùm xanh ruộng bậc thang/ "Khó khăn khắc phục" - chim rừng gọi/ Vạt mía lao xao xếp thẳng hàng….". Đó là không khí thi đua lao động của người dân miền Bắc sau ngày hòa bình lập lại. Đoạn kết của bài thơ có câu "Chiếc gương kín đáo treo sau cột", nói về tâm trạng e ấp của người phụ nữ, được nhà thơ Xuân Diệu rất khen. ông bảo: "Viết thế thì chỉ có Phan Thị Thanh Nhàn mới viết được, rất nữ tính".

- Thế còn bài thơ "Hương thầm" được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc trong hoàn cảnh nào, thưa bà?

+ 5 năm sau khi ra đời và được giải thưởng Báo Văn nghệ, ông anh rể tôi là nhạc sĩ Thanh Phúc đã phổ nhạc bài thơ này và cũng có một vài người đã hát, nhưng không được nhiều khán giả biết tới. Đến năm 1984, nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc bài thơ này và nó ngay lập tức được công chúng đón nhận. Nhưng phải 8 năm sau tôi mới có cơ hội được gặp Vũ Hoàng. ông kể với tôi là vào một ngày trời mưa, tâm trạng buồn, ông cầm tờ báo để đọc thì bắt gặp bài thơ "Hương thầm" của tôi. Và bản nhạc đã vang lên rất nhanh trong đầu ông. Tôi rất cảm ơn Vũ Hoàng vì nhờ có ông mà bài thơ của tôi được nhiều người biết đến.

- Bà có nhiều người bạn là nhà thơ nữ, nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, bà có thể kể gì về họ?

+ Người ta thường nói phụ nữ khó thân thiết với nhau vì họ hay đố kị với nhau, nhưng tôi không thấy vậy, ít nhất là với những người bạn nhà văn, nhà thơ nữ của mình. Những người bạn gái thân của tôi có thể kể ra như Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Thị Minh Khanh, Dương Thị Xuân Quý, ý Nhi, Hồ Thu, Nguyễn Thị Hồng Ngát… Tôi rất được những người bạn gái của mình quý mến, tin cậy. Xuân Quỳnh vốn nổi tiếng là đáo để, nhưng luôn nhẹ nhàng và ân cần với tôi. Hồi đó, Lý Phương Liên là nhà thơ đang nổi tiếng, còn Quỳnh đương nhiên đang là "số 1" trong thơ nữ rồi, Quỳnh có vẻ "tò mò" lắm. Một hôm Quỳnh bảo tôi: "Mày phải dẫn tao đến nhà Lý Phương Liên ngó xem mặt mũi nó (Lý Phương Liên - NV) thế nào". Nghĩa là Quỳnh không ngại bộc lộ tâm trạng của mình với tôi, rất tin cậy. Còn Dương Thị Xuân Quý thì vô cùng dễ thương. Hồi Quý làm Báo Văn nghệ, thường phải vào nhà in để đọc lại bản in thử, cứ thấy thơ của tôi là Quý lại đến nhà tôi ngay, mang theo bản in thử, đầy mừng rỡ. Có hôm tôi đi vắng, Quý để lại bản in thử và viết thư cho tôi, đại loại động viên tôi phải cố gắng lên, đừng tự ti, hãy tiếp tục viết. Hoàng Thị Minh Khanh lại là một người bạn giàu nữ tính. Khanh cho tôi mượn một chiếc áo len, hôm tôi đi nhận giải thưởng thơ Báo Văn nghệ, Khanh muốn tôi mặc cái áo len đó cho có kỷ niệm, rồi hai đứa dẫn nhau đi chụp ảnh. Còn với ý Nhi thì điều tôi nhớ nhất là những ngày sau khi chồng tôi mất, ý Nhi liên tục ghé qua nhà hỏi han săn sóc tôi. Lâm Thị Mỹ Dạ cũng là một người rất tâm đầu ý hợp với tôi. Tuy ở xa nhưng chúng tôi thường xuyên liên lạc, hỏi han, chia sẻ những sáng tác mới. 

- "Hương thầm" là một trong những bài thơ đầu tiên của bà, và chính nó đã tạo nên "thương hiệu" Phan Thị Thanh Nhàn trong đời sống văn học. Bà có cho rằng so với nhiều nhà thơ nữ khác bà may mắn hơn không?

+ Có điều này tôi muốn chia sẻ, là tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là người nổi tiếng, người quan trọng hay nghiêm trọng cả. Có nhiều người thích mình phải nổi bật trong đám đông, còn tôi thì ở đâu tôi cũng chỉ mong mọi người đừng biết mình là ai. Tôi rất ngại ngùng khi được giới thiệu là nhà thơ. Làm thơ, thực sự mà nói, là một điều gì đó rất tự nhiên trong cuộc sống của tôi. Lúc nào tôi thích chơi thì chơi, và lúc nào thích viết thì viết. Tôi chưa bao giờ cố gắng để phải đạt tới điều này, điều kia trong thi ca. Tôi cũng không cho là mình hơn người khác ở điều gì, kể cả sự may mắn. Bài thơ "Hương thầm" gắn liền với tên tuổi của tôi, đó là sự trao gửi của số phận. Giống như số phận đã lấy đi của tôi những thứ khác. Được và mất là song hành và cũng là bình thường trong cuộc sống. Và tôi vui vẻ đón nhận, không quy về câu chuyện của hạnh phúc hay bất hạnh.

- Tôi thấy bà rất khó khăn khi tìm lại những tác phẩm đã xuất bản của mình, đặc biệt là những tác phẩm đầu tay. Bà không giữ bản thảo và không giữ lại sách cho riêng mình sao?

+ Tôi gần như không còn giữ bản thảo các sáng tác của mình. Sách thì cũng trống trơn. Đến nỗi có sinh viên gọi cho tôi bảo làm luận án tốt nghiệp về thơ của tôi và muốn mượn sách, tôi bảo, cháu phải đến thư viện tìm thôi, chứ cô không còn giữ sách. Có người bạn đi Nam Định mua được tập thơ cũ của tôi xuất bản từ những năm 70 mang về tặng lại cho tôi. Nhà văn Phong Thu sau 22 năm giữ một tập thơ mà tôi đã tặng, biết chuyện ông cũng mang tặng lại tôi. Nhờ đó tôi mới có một số cuốn làm tư liệu mỗi khi có ai hỏi đến. Nói bạn đừng cười, chứ tôi là người rất dở là không thuộc thơ mình, không giữ sách của mình. Bạn bè thường hay trách tôi vì điều này lắm. Cái này có nguyên do một phần từ tính cách hay quên của tôi, cứ bỏ đâu quên đó, ai cần sách là tặng ngay, một phần do tôi thường hay suy nghĩ, rằng chẳng có gì còn lại sau cuộc đời này. Sự nổi tiếng, những cuốn sách rồi cũng sẽ bay đi như gió thoảng. Cái còn lại của một nhà văn trong lòng độc giả là cái không theo chủ quan của mình, và nó cực kỳ mong manh, khó khăn và mơ hồ. Tôi là người tự ti, tôi không tin rằng mình sẽ để lại được gì nhiều cho độc giả. Mọi sự trên đời cứ như một dòng sông mà chảy qua vậy thôi. Tôi làm thơ là để được giải tỏa chính mình, vỗ cánh bay lên khỏi tâm trạng của mình trong một phút giây nào đó. Tôi không cảm thấy cần phải giữ những cuốn sách của mình với quan niệm "di sản cho con cháu mai sau".

- Xin cảm ơn nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn về cuộc trò chuyện và chúc bà vẫn tiếp tục cuộc hành trình thi ca, bằng những tác phẩm mới.


 

                                                                          Theo CAND

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục