(HBĐT) - Một trong những thành phần quan trọng nhất của nỏ là cánh nỏ. Cánh là trái tim của nỏ, tất cả sức mạnh của nỏ đều hội tụ nơi đây. Bởi vậy muốn nỏ có tầm bắn xa, lực bắn mạnh thì việc chọn tre làm cánh nỏ là cực kỳ quan trọng.

 

Loại tre tốt nhất là luồng pạ ná trồng lâu năm. (tối thiểu cũng phải từ 7 đến 8 năm). Việc kiếm tìm được cây luồng pạ ná ưng ý cũng chẳng dễ chút nào. Người làm nỏ mang dao đi lên những quả đồi cao tìm bụi luồng mọc ở đỉnh. Chỉ có luồng mọc trên đỉnh đồi mới đủ độ săn và sức bật để làm cánh nỏ, còn luồng trồng những nơi đất thấp thì chỉ dùng làm nỏ lưu niệm mà thôi. Chọn cây luồng già lâu năm thân mốc hoa mọc ở giữa bụi (Luồng mọc giữa bụi thân thẳng tắp không cong mới làm cánh nỏ được). Hạ cây luồng đó xuống, chặt lấy đoạn gốc có những đốt đều nhau đem về làm cánh nỏ.

 

Cánh nỏ thông thường có sải khoảng 1,2 m tương ứng với đoạn tre dài khoảng 5 đến 6 đốt. Còn nếu kiếm được đoạn tre già lâu năm có thể làm được những cánh nỏ có sải lên đến 1,4m hoặc hơn. Tre lâu năm hội đủ những tiêu chuẩn như vậy thường rất hiếm, nhưng nếu có sẽ làm được cánh nỏ quý có lực bắn mạnh và tầm bắn xa. Tre chặt về đem làm thành cánh nỏ và để lên gác bếp hun khói cho khô tự nhiên, trong quá trình hun tuyệt đối không để bất cứ vật gì đè lên hay chèn ép làm cong vênh cánh nỏ. Thế tạm gọi là xong công đoạn làm cánh.

 

Tiếp đến là việc làm thân. Hiện nay thân nỏ được làm bằng đủ các loại gỗ, nhưng dùng gỗ cây hồng bì hoặc cây làm đam là tốt nhất. Gỗ hai loại cây này rắn chắc, ít cong vênh, dai và không giòn rất thích hợp làm thân nỏ. Cưa lấy đoạn gỗ không có mắt, thẳng thớ không sâu mọt để vài tháng cho gỗ khô kiệt tự nhiên là có thể xẻ ra làm thân nỏ được. 

 

Thân nỏ chuẩn có độ dài bằng ba phần tư cánh nỏ. Cách tính phổ thông ở Mường Bi là lấy một đoạn que có độ dài bằng 1\4 cánh nỏ làm chuẩn. Đo từ đầu thân nỏ xuống một khoảng bằng 4\3 que chuẩn là chỗ xẻ rãnh ngang lên dây. Sau đó chia 3 độ dài từ đầu thân nỏ đến rãnh ngang lên dây thì điểm 1\3 tính từ đầu mũi xuống là chỗ khoét thân tra cánh nỏ. Điểm 1\3 tính từ chỗ rãnh lên dây ngược lên là điểm bắt đầu xẻ rãnh dọc theo giữa thân nỏ lên mũi làm chỗ đặt tên. Chỗ xẻ rãnh ngang lên dây thường được khảm bằng một miếng sừng hay xương thú vừa làm duyên cho nỏ vừa có tác dụng làm rãnh khỏi bị mòn và dây nỏ đỡ sờn trong quá trình sử dụng lâu dài.

 

Sau khi đã chuẩn bị cánh và thân nỏ xong ta tiến hành khoét lỗ tra cánh nỏ vào thân. Việc khoét lỗ tra cánh nỏ rất cần đến sự kiên trì, khéo tay và có kinh nghiệm. Mỗi hôm khoét dần một ít, vừa khoét vừa tra cánh vào chỉnh thử dần từng tí một đến khi được thì thôi. Người nào nôn nóng muốn xong nhanh dễ làm nứt vỡ thân nỏ, hoặc khoét lệch hay khoét rộng quá làm ảnh hưởng đến độ chính xác và thẩm mỹ của nỏ về sau.

 

Cánh nỏ tra xong thì hình hài của nỏ đã tương đối được định hình. Người làm ngắm chỉnh nỏ cho cân, điều chỉnh độ nghiêng giữa cánh và thân nỏ sao cho hợp lý rồi tạo chỗ vào dây ở hai đầu cánh nỏ (Việc chỉnh độ nghiêng cánh nỏ có ảnh hưởng rất lớn đến tầm bắn của nỏ, làm cho mũi tên có chiều hướng “ăn” lên hay “ăn” xuống trong khi bắn). Xong xuôi ta tiến hành làm lẫy. 

 

Lẫy nỏ khá dài và mảnh làm bằng cật tre già được chốt vào thân nỏ và có thể quay quanh chốt linh hoạt. Khi không bắn gập ngược lẫy lên phía trên thì chuôi lẫy chạm vào tới cánh nỏ là vừa (Biến tấu của lẫy nỏ là cò, nhưng kiểu này về mặt tạo hình nói chung không đẹp bằng làm lẫy). Hình dáng của cây nỏ đến lúc này đã được định hình, giờ là lúc chuyển sang se dây cho nỏ.

 

Dây nỏ ở Mường Bi làm bằng sợi gai (Cây gai tước ra lấy vỏ, đem ngâm lấy phần sợi trắng). Sợi gai được nối với nhau cho đủ độ dài rồi đem se làm dây nỏ. Nhưng nếu chỉ như vậy thì chưa tạo cho dây đủ độ săn cần thiết. Để dây nỏ săn và bền hơn người ta đem căng dây nỏ lên rồi dùng lá thé tuốt dây (Thé là một loại cây dại mọc rất nhiều ở miền núi). Tuốt đi tuốt lại nhiều lần nhựa lá thé ngấm vào làm dây nỏ săn lại ngả màu đen sẫm. Điều ghi nhớ là nỏ thường ngày khi không sử dụng thì không được lên dây, mục đích là giữ cho dây và cánh nỏ có sức căng bật mạnh nhất khi cần dùng. Chỉ khi nào đi săn thì dây nỏ mới được lên mà thôi.

 

Nỏ làm xong rồi thì chuyển sang vót tên. Hóp già hoặc lành hanh chặt về để khô tự nhiên, chọn những đốt thẳng có độ dài vừa phải chẻ thành những thanh nhỏ làm phôi tên. Tên thường có độ dài bằng khoảng từ đầu thân nỏ đến rãnh lên dây. Vót tên cho nỏ cũng có những bí quyết riêng đặc sắc, tuỳ theo cách bắn của từng người mà có cách vót tên riêng cho phù hợp. Thường thì thiết diện tên giống hình giọt nước, sau khi vót thân tên xong người vót vuốt nhẹ tay dọc thân tên kiểm tra độ nhẵn, độ đồng đều của tên rồi đưa lên ngắm xem thân tên đã thẳng chưa. Nếu tên chưa thẳng thì dúi thân tên vào lớp tro nóng trong bếp đợi một lát rồi rút nhanh ra nắm cho thật thẳng thì thôi. Chỉnh thân tên xong ta tiến hành vát đầu mũi tên. Đầu mũi tên vát xéo ba cạnh, có nơi vát nhọn có nơi vát tù (Ở Mường Bi đầu mũi tên thường là vát tù). 

 

- Vùi tro làm nóng tên
- Nắn chỉnh tên
- Đo chiều dài mũi tên
- Vát đầu tên

Muốn tên bay xa và chính xác ta phải làm cánh cho tên. Ra rừng cắt lá rứa dại (địa phương gọi là lá wé) về phơi khô, khi dùng đem ép phẳng, cắt vát hình thoi rồi lấy mũi dao tách nhẹ một khe gần cuối thân mũi tên, lựa đưa mảnh lá vào cho cân đối là xong. Các mũi tên vót xong phải thẳng nhẵn, cân đối và đồng đều về kích thước cùng trọng lượng của tên.

Săn thú lớn đã có súng kíp, còn nỏ thường chỉ để săn thú nhỏ mà thôi. Bởi thế lên tên thường không tẩm thuốc, chỉ khi bắn thú lớn vừa thì mới tẩm thuốc vào tên. Có một điều độc đáo là tên vót bằng các thanh tre lấy từ thân điếu cày dùng lâu năm đã lên nước cũng như là được tẩm thuốc vậy.

 

 

                                                 HBĐT tổng hợp

 

 

Các tin khác


Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục