Lá dong để gói bánh, gói xôi, thịt trong ngày Tết ở Mường Vang.

Lá dong để gói bánh, gói xôi, thịt trong ngày Tết ở Mường Vang.

(HBĐT) - Năm nay, Tết đến sớm hơn một ngày. Cũng như mọi năm, tôi sẽ cùng gia đình lại về quê ở vùng Mường Vang ăn Tết để thực sự cảm nhận cái Tết đơn giản, mộc mạc mà ấm áp của quê hương...

 

Tôi còn nhớ như in những ngày áp Tết năm ngoái, thức dậy sau một đêm ấm áp trong vòng tay bà, bếp lửa đã rực hồng với những nồi to, nhỏ đang sôi. Trên nhà không còn ai, cả nhà đang ở dưới sân. Có rất nhiều âm thanh rộn ràng của ngày mới-ngày ăn đụng lợn của gia đình.

 

Theo phong tục, những người đàn ông trong gia đình sẽ phụ trách phần thịt lợn và chế biến các món ăn truyền thống. Phụ nữ lo những việc nhẹ nhàng hơn như đồ xôi, dọn dẹp nhà cửa, rửa lá để tối làm bánh chưng... Lúc này tôi sực nhớ đến vườn lá dong cổ tích của bà. Bà đang ở đó, lấy lá làm bánh Tết cho tôi!

 

Trời còn mờ sương, chút ánh sáng mỏng manh của mùa đông cũng đủ làm ánh lên màu xanh mướt của vườn lá. Bà tôi đang nhẹ nhàng, cẩn thận lựa chọn từng chiếc lá. Gương mặt bà hiền hậu với đôi mắt đầy niềm vui và hạnh phúc. Năm nay được nước, lá nhiều và đẹp, thoải mái gói bánh cho cả nhà ăn đến ra giêng...  Câu nói của bà làm tôi sực tỉnh sau chút bâng khuâng. Bà đưa tôi một con dao nhỏ để cùng bà hái lá. Bà dặn chỉ được hái những chiếc lá to, đẹp. Những chiếc còn non, nhỏ phải để lại nuôi cây.

 

Lá dong được coi là lá lộc của núi rừng. Theo truyền thuyết từ thời Vua Hùng, dân gian ta đã sử dụng lá để gói bánh dâng vua. Đến nay, thứ lá ấy vẫn được dân ta ưa chuộng và không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết của quê hương, dân tộc. Người ta thường chọn những chiếc lá to, đẹp để gói bánh. Những chiếc bánh vuông vắn sau khi gói xong còn được buộc ghép thật chặt lại thành cặp 3, 4 chiếc rồi mới đem luộc. Theo kinh nghiệm của bà, khi luộc bánh, bà lấy những chiếc lá dong xấu hoặc những đầu lá thừa, lót vào đáy nồi để không dính và tạo được màu xanh cũng như tăng thêm vị thơm đặc trưng của bánh.

 

Những năm trước đây, lá dong mọc bạt ngàn trong những khe núi, khe suối ẩm ướt.  Nhiều người dân ở quê tôi những ngày giáp Tết thường đi lấy lá dong rừng về bán. Có ngày có gia đình 2, 3 người cùng đi lấy được từ 3.000 - 4.000 lá. Giá bán buôn ổn định cũng kiếm được tiền triệu tiêu Tết. Nhưng mấy năm nay, rừng già không còn, độ ẩm của rừng thấp, lá dong không còn nhiều như trước. Đi lấy lá dong rừng phải đi xa hơn, vất vả hơn nên đa số các hộ dân ở quê tôi đều dành một phần đất nhỏ gần khu vực có nguồn nước để trồng lấy một khoảnh cây dong, phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Theo bà tôi kể, trước đây, đa số người dân khi nhà có việc hoặc đến dịp Tết mới lên rừng hoặc ra suối lấy lá dong. Họ không trồng trong vườn nhà. Chỉ trừ những nhà giàu, nhiều ruộng, đất mới dành riêng một khu vườn để trồng lá dong. Những nhà giàu trồng bởi họ thường xuyên tổ chức những cuộc ăn uống linh đình, phải sử dụng nhiều lá để gói bánh, gói xôi, thịt.

 

Mùi vị dịu ngọt rất Tết của lá dong khiến bất cứ ai cũng nhớ da diết hương vị ngày Tết quê hương; thôi thúc tâm hồn mỗi người trở về đoàn tụ, quay quần ấm áp bên gia đình... Đến nay, dù đã thấm thía và thực sự cắt nghĩa được lá dong làm nên Tết như thế nào, tôi vẫn thích được nghe bà nói lại câu nói trìu mến, yêu thương: “Bà làm Tết cho con”.

 

 

                                                          Hồng Duyên 

                                                        

 

 

 

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục