Các nghệ nhân Mường Vang (Lạc Sơn) giao lưu và hát các làn điệu dân ca Mường tại lễ hội mùa xuân của xứ Mường. Ảnh: HD

Các nghệ nhân Mường Vang (Lạc Sơn) giao lưu và hát các làn điệu dân ca Mường tại lễ hội mùa xuân của xứ Mường. Ảnh: HD

(HBĐT) - Trước tháng 8/1945, đồng dao và hát ru con chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mường, đặc biệt là trẻ em Mường. Mỗi một người Mường từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, ai cũng trải qua một thời tuổi thơ với đầy ắp kỷ niệm, được nghe tiếng ru: “Uí ui...” “Đập bông bông” của bà, của mẹ, của chị.

 

Đồng dao là các lời hát, câu hát, lối nói có giai điệu, có vần vè thường được trẻ em hát trong lúc chơi đùa, lúc chăn trâu, cắt cỏ, em lớn trông em bé hoặc người lớn trông em bé.

Hát ru con người Mường gọi là: Rằng đều hoặc úi ui, được chia làm hai loại: Rằng đều ban ngày - hát ru ban ngày và Rằng đều ban đêm - hát ru ban đêm. Hát ru ban ngày chủ yếu có làn điệu: Uí ui và U óm...

Hát ru ban đêm có làn điệu: Đập bông bông

Hát ru con của người Mường cũng là những bài đồng dao được phổ nhạc hát ru, dỗ dành cho em bé ngủ, nếu đọc thì thành đồng dao, nếu hát thì thành hát ru. Vì thế, lời đồng dao, lời các bài hát ru con có thể đọc theo vần, điệu và cũng có thể hát được.

Các bài đồng dao Mường khá đa dạng về nội dung và độ dài ngắn không theo niêm luật nào. Có bài ngắn, thậm chí rất ngắn, có thể chỉ một đến hai câu, song cũng có những bài dài. Nội dung thường gắn với đời sống, đồ vật xung quanh, theo quan sát, cảm nhận của các em.

Lời và giai điệu các bài đồng dao của  người Mường cơ bản được chia làm 4 loại:

Một loại chủ yếu được hát trong các trò chơi gắn liền với trò như: đập nàng Khọt, đập nàng Bạn, đu đu - điển điển...

Loại thứ hai chủ yếu được dùng trong hát ru con với mục đích giỗ dành cho con trẻ ngủ. Các bài này thường dài hơn cả. Hình thức diễn xướng khi ôm con vào lòng cho con bú dỗ dành chúng ngủ hoặc bên cánh võng, lúc đưa nôi. Người ta thường hay hát ru cho trẻ ngủ.

Loại thứ ba rất ngắn, đó là các câu đố dân gian. Hình thức nói để đố nhau.

Có một thể loại đi kèm với các câu chuyện truyền miệng dân gian khi kết thường có vài câu nói vần, có thể nói đấy cũng là lối kể chuyện cuối câu chuyện có kết là vài câu đồng dao hoặc hát ru. Đây vừa là dạng kể chuyện, vừa là hát ru mang tính răn dạy hay khuyên nhủ về nhân tình thế thái.

Các thể loại đồng dao này có cách sử dụng, diễn xướng khác nhau và có tính độc lập tương đối  với nhau trong diễn xướng.

Các dân tộc khác như người Kinh gần gũi với người Mường, các bài hát ru được sáng tạo giai điệu dựa trên ý các câu ca dao, nội dung lời thường ngắn. Riêng với người Mường, các bài hát ru chủ yếu được lấy lời từ các bài đồng dao. Các bài hát ru thường dài và có giai điệu đều đều, buồn buồn và rất khó hát cao giọng, hát to, chỉ vừa để dỗ dành cho em bé ngủ.

 Câu đố dân gian có nhiều điều thú vị, không phải tất cả các câu đố đều là đồng dao, song có nhiều câu thực sự là dồng dao như câu đố về con trâu:

- Bốn cái đạp xuống đất (4 chân)

- Hai cái hướng lên trời (hai cái sừng)

- Hai cái bơi phạch phạch (hai tai)

- Một cái đi theo sau (cái đuôi)

Nội dung lời các đồng dao và hát ru con của người Mường thực chất là loại hình văn học dân gian được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, là sáng tạo tập thể của nhân dân. Do vậy, nó mang trong mình những đặc điểm của văn học, phản ánh thế giới xung quanh theo cảm nhận của trẻ thơ, hướng các em biết nhận thực những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bồi dưỡng nhân cách và ngôn ngữ và tập tư duy qua các câu đố.

Giai điệu các bài ru con của người Mường thường êm êm, đều đều và man mác buồn, có nội dung lời ru như vẽ ra các hình ảnh, sự việc sống động, kể một câu chuyện hay, để cho các bé thả hồn mình vào đó và  giai điệu hát miên man dần dần dẫn em vào giấc ngủ lúc nào không hay.

“Quả vả trôi bến Đôm

Gặp con rồng bến Trắng...”

Qua sưu tầm và tìm hiểu theo quan điểm cá nhân có thể phân loại nội dung các bài đồng dao và hát ru của người Mường phổ biến có các lại sau:

- Loại mang tính thống kê, tư duy nhảy cóc.

- Loại trình tự mô tả, tường thuật 1 đối tượng hoặc dẫn dắt 1 vấn đề.

 Phần nhiều nội dung các bài đồng dao Mường được tác giả dân gian sáng tạo theo lối tư duy nhảy cóc từ vấn đề này sang vấn đề khác, mang tính thống kê, điểm sự vật, sự việc như đoạn lời bài ru con dưới đây:

Bố thì đi đánh cá

Cô ở nhà thả trâu

Trâu nhỏ ăn đầy bãi cả

Bò lớn ăn đầy bãi to

Bẻ cành cây cơi đi đánh bả cá

Đánh được ba cái tôm

Được vốc tép nhỏ

Tép nhỏ nhảy vào hang

Con hoẵng chạy lên đồi...

Mỗi một hoặc vài ba câu tả một sự việc, sang câu khác nội dung chuyển tả sự việc khác dường như không liên quan gì đến nhau. Tác giả cốt chỉ mượn vần gieo cho có vần điệu, cả bài ru con như một bảng thống kê nhiều sự việc.

Đây là lối tư duy nhảy cóc, các em đang mới ở độ tuổi nhận biết các sự vật, sự việc xung quanh mình, chưa tư duy sâu, kỹ.

Loại hình thứ ba của hát ru con Mường, một số lời ru, lời đồng dao thường gắn với một câu chuyện kể dân gian. Vượt lên trên mục đích ban đầu là ru dỗ dành cho em bé ngủ, gửi gắm trong đó những suy tư về nhân tình thế thái.

Việc hát hay nói đồng dao, hát ru con... để truyền cảm, yêu cầu người hát phải đúng vần điệu, giai điệu, phải hát rõ chữ, hát vang, hát mềm.

Tính vần, điệu: Gieo vần, luyến láy, chơi chữ có nhạc điệu, có thể vừa nói, vừa hát được. Cụ thể như bài hát đồng dao Đập bông bông sau đây:

Đập bông bông... bông

Đập bông bưởi... bưởi

Trái bưởi vàng... vàng

Trái cau chín... chỉn.     

Rõ ràng đây là lối nói vần: Nếu tính mỗi câu là một nhịp 3 từ thì chuyển xuống câu dưới bài đồng dao chỉ là nói vần có nhịp. Song khi câu cuối được ngân dài hơn và thêm một từ đồng âm thành liền chuyển thành có giai điệu (tức là bài hát) ngay.

Ngôn ngữ được sử dụng trong đồng dao và hát ru con của người Mường chủ yếu là sử dụng hình ảnh, hình tượng, giàu hình ảnh, giàu tính biểu cảm.

Ngoài ra các từ tượng thanh cũng được dân gian Mường sử dụng, như trong bài hát đồng dao “Đập Nàng Khót” có 21 câu, phần cuối có 5 câu chủ yếu sử dụng các từ tượng thanh:

Mường bưa bằng vui lắm, vui nhiều

Vui âm âm trống bồng

Vui bông bông trống bạt

Vui khăng khắc trống chầu

Chầu lên thâu đến sáng.

Tại sao người Mường sử dụng nhiều hình ảnh, âm thanh trong ngôn ngữ đồng dao và hát ru con? Như chúng ta biết, các từ tượng hình, tượng thanh chủ yếu là ngôn ngữ dễ liên tưởng từ các hình ảnh trực quan vốn đã hàng ngày quen thuộc trong cuộc sống các em, dễ nhận biết, dễ hiểu. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm lý trẻ em. Lời hát như vẽ lên những bức tranh, hình tượng: Trứng vịt tròn tròn, quả bu bờm lơ lửng, quả bưởi chín vàng,  hình ảnh đàn bò đi ăn đầy đồng bãi... là những hình ảnh thân thuộc các em hàng ngày trông thấy, được tiếp xúc. Nó có tác dụng khơi gợi trí tưởng tượng, tư duy nhẹ nhàng, không trừu tượng hay các sự suy luận lao tâm. Điều này phù hợp với tâm, sinh lý của trẻ em.

Sử dụng ngôn ngữ theo lối đối vần, đối ý, chơi chữ cũng được dân gian sử dụng, tuy số lượng các bài đồng dao, hát ru con theo lối này chiếm tỷ lệ ít hơn.

Trong đời sống người Mường trước tháng 8/1945, trong chế độ cũ đời sống rất khó khăn, nghèo khổ. Bao đời qua đã trở thành thông lệ một năm có hai mùa đói là tháng 3 và tháng 8 âm lịch. Đói ăn đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc nuôi dưỡng con trẻ, chúng cũng phải chịu đói,  no như người lớn.

Bài đồng dao “Chơi với con bọ ngựa”:

Con bọ ngựa

Đồi nào đồi có gấu

Núi nào núi có ma

Chỉ cho ta biết với...

Lũ trẻ chơi với con bọ ngựa, song lại là sự lo lắng cho cha mẹ, anh chị đang đi rừng. Trò chơi con trẻ phảng phất nỗi âu lo... Bài đồng dao như một bài học vỡ lòng giáo dục để các em hiểu, hình thành nên nhân cách biết lo lắng, cảm thông cho người thân, gia đình trước những khó khăn trong đời sống.

Tóm lại:

Hát đồng dao và hát ru con của người Mường là loại hình sinh hoạt, diễn xướng văn nghệ dân gian rất thông dụng và phổ biến trong đời sống người Mường.

Hát đồng dao và nội dung các bài đồng dao của người Mường có các loại hình chính, loại hát cầm nhịp, hát mở trò trong các trò chơi của các em nhỏ, loại dùng trong hát ru con, hát đố nhau, kể một câu chuyện đoạn cuối kết bằng các câu đồng dao, hát ru. Mỗi một loại hình có cách diễnm xướng khác nhau.

Phần lời hay nói rộng hơn là nội dung của các bài đồng dao, hát ru con, câu đố dân gian thực chất là một loại hình văn học dân gian nên nó mang trong mình các thuộc tính của văn học. Trong đó, chức năng phản ánh đời sống, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách con người, hướng con người tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

 

 

                                                            Bùi Huy Vọng

                                                (Hương Nhượng - Lạc Sơn)

 

 

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục