(HBĐT) - Cách đây 38 năm, là một kỹ sư mới ra trường, lần đầu tiên tôi được về thăm biển. Số là ngày ấy bãi biển Đồng Châu của huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình được Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công thương) chọn làm nơi nghỉ dưỡng cho cán bộ, công nhân viên trong ngành.

 

Tôi được nhà máy cho đi nghỉ dưỡng ở Đồng Châu vào giữa những ngày nắng gắt tháng 6/1976. Là người sinh ra lớn lên ở miền núi, lần đầu tiên gặp biển bao cảm xúc ùa vào tôi: “Cánh buồm nâu le lói phía chân trời/ Vẫn dang cánh dơi thuở xa đẻ đất/ Về biển biết tầm nhìn của mắt/ ở đây mới thực thấy chân trời” và liên tưởng: “Đôi mắt tôi chẳng tỏ đáy biển khơi/ Chỉ thấy sóng như luống cày của bố/ Mặt biển bằng bằng như nong phơi lúa/ Ngấn nước xanh chàm như áo mẹ tôi” và chạnh lòng so sánh quê hương của mình với biển “Hát rằng biển mặn ngàn đời/ Sao miếng cơm quê tôi xa lại nhạt/ Nước chàm đấy sao áo xa cứ bạc/ Người ở rừng cũng xe cát dã tràng ơi”! Đúng là ngày ấy tôi cũng như nhiều người còn vô tư lắm, chỉ biết hát “...Núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông”. Vì thế đôi mắt tôi lúc đó “chẳng tỏ  đáy biển khơi” là phải thôi! Đó là một số khổ thơ trong bài thơ “Về thăm biển lần đầu” của tôi. Một trong 3 bài thơ làm nên chùm thơ được trao giải A do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Sơn Bình ngày ấy phát động và trao giải. Một dấu ấn và là khởi đầu quan trọng cho quá trình sáng tác sau này của tôi.

 

Những bài thơ về biển sau này, với những hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau lại gợi mở cho tôi những trải nghiệm mới về biển. Về với biển Sầm Sơn - Thanh Hóa: “Ta thì chỉ có một thời/ Thôi đành biển cứ với người mai sau...” bài  “Đi biển một mình”. Về với biển Hải Hậu - Nam Định đúng vào dịp kỷ niệm 715 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn: “Bảy trăm mười lăm năm Hưng Đạo Đại vương chợp mắt/ Canh cánh bão về lẩn khuất phía biển Đông”... bài thơ “Một đêm với biển thành Nam”. Đến với đền Cửa ông - thành phố Cẩm Phả - Quảng Ninh, thắp hương nơi đền thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, thăm Bạch Dinh trên đồi cao, bên bờ biển Vũng Tàu - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đến thăm cố cung bên eo biển Malacca của nước bạn Ma-lay-xia... ở đâu cũng gặp những khẩu “thần công” xưa quay nòng hướng ra biển cả: “Nắng chói chang biển ấn Độ Dương / Pháo đài, cố cung ngạo nghễ/ Những khẩu thần công đều nhằm ra phía bể/ Gợi nhớ một thời giặc dã máu xương...” bài thơ “Dưới bóng cây cọ dầu”. Hóa ra trong nam, ngoài bắc nước ta cũng như các nước khác trên thế giới giặc ngoại xâm thường từ ngoài biển tiến vào! Ngày nay, với những tiến bộ và phát triển nhanh của KH-KT thì biển cả không chỉ là ngư trường truyền thống đánh bắt hải sản và giao thương hàng hoá trên mặt biển mà chính đáy biển là kho báu của các quốc gia có biển. Bởi thế mà hầu như các nước có biển đều xảy ra tranh chấp biển đảo?

 

Biển nước ta rộng dài và giàu có là thế mà nhiều người con gái vẫn phải ly hương để đến với những chân trời xa lạ làm “vợ bé” cho kẻ có nhiều tiền, để rồi: “Mắt dõi về cố hương/ Thái Bình Dương xa lắc/ Tìm đâu con đường tắt/ Trở lại miệt vườn xưa” bài thơ “Đi lấy chồng xa”. Lại nữa: “Đêm không ngủ Pattaya - thành phố biển/ Kể ta nghe câu chuyện làng chài xưa/ Trước đức Phật - theo dòng người chảy đến/ Ta bỗng nhói đau về một sắc chàm với dáng đứng vọng phu” - bài thơ “Trước đức Phật trên đá”. Từ một làng chài nhỏ bên bờ biển Thái Lan, trước đây được sử dụng làm nơi đồn trú của lính Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nay đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng thế giới... Từ xưa, người miền núi (nhất là vùng sâu, vùng xa) đều nhờ biển mà có muối lên rừng. Muối được sử dụng để ướp cá, thịt. Đi chợ tỉnh mua vài chục cân muối bỏ vào sọt nứa, cất giữ nơi gác bếp để dùng trong năm. Ngày nay, muối được tinh chế thành nhiều loại, cần đến đâu mua tới đó nhưng lúc nào trong nhà cũng không thể thiếu muối - thiếu biển.

 

Từ sản phẩm dầu mỏ lấy lên nơi đáy biển, ngày nay, con người đã làm ra nhiều loại nhiên liệu cho các loại động cơ và các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người. Vì thế, nhiều cuộc nội chiến, tranh chấp khu vực liên tiếp nổ ra tranh giành đất đai, biển đảo và hầu hết là những khu vực giàu tài nguyên khoáng sản. Mỗi chúng ta đều có những tình cảm riêng với biển cả, mỗi người có thể biểu đạt tình cảm đó với những hình thức khác nhau. Tôi có may mắn là biết ghi lại những tình cảm riêng của mình với biển bằng thơ, bây giờ nhìn lại những sáng tác đó như những dòng nhật ký về biển của riêng mình. Khi đọc những bài thơ về biển, chắc nhiều người đồng cảm với tôi, bởi biển có trong tôi, trong anh và biển mãi trong ta! Gần đây khi mà nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong hải phận của nước ta, ngang ngược đưa tàu quân sự, máy bay... hàng trăm chiếc vào bảo vệ giàn khoan,  xua đuổi các tàu ta làm nhiệm vụ đã chạm đến tâm tư tình cảm của người dân cả nước. Cả nước sôi sục, dậy sóng phản đối. Tôi cũng như mọi người dân khác không nén được và thốt lên tình cảm của mình qua bài thơ “Biển Đông mùa hè 2014” có đoạn: “ôi Tổ quốc những ngày nắng lửa/ Già trẻ, gái trai sôi sục đêm ngày/ Giàn khoan như lưỡi dao găm vào thân thể/ Tay nắm chặt tay giữ lấy nước non này...” và tôi tin rằng: “Dùng nhân nghĩa, trí nhân vào trận chiến/ Nghe Đảng, Bác Hồ chiến thắng sẽ về tay” tôi cũng tin rằng Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo, quần đảo khác trong lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc đã và sẽ về ta. Biển mãi mãi là của ta.

 

 

 

                                            Tùy bút của Đinh Đăng Lượng

 

 

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục