Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện Santa Casa de Misericordia ở Porto Alegre, Brazil, ngày 13/8.
Trong 24 giờ qua, ba quốc gia có số ca mắc cao nhất thế giới là Ấn Độ (85.919 ca), Mỹ (trên 38.000 ca) và Brazil (29.922 ca).
Đây cũng là ba quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua: 1.144 ca ở Ấn Độ, 801 ca ở Mỹ và 743 ca ở Brazil. Ngoài ra, Mexico cũng ghi nhận số ca tử vong khá cao với 601 ca.
Xu hướng dịch bệnh đang nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở châu Âu và một số nước châu Á.
Châu Á
Quốc vụ khanh Bộ Đường sắt Ấn Độ tử vong do COVID-19
Ngày 23/9, Quốc vụ khanh Bộ Đường sắt và là nghị sĩ cấp cao của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền tại bang Karnataka, ông Suresh Angadi, đã qua đời ở tuổi 65 tuổi, ít ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Đây là quan chức cấp bộ trưởng liên bang đầu tiên của Ấn Độ tử vong vì virus SARS CoV-2. Trước đó, ít nhất 6 nghị sĩ cấp bang và 3 nghị sĩ liên bang cũng đã trở thành nạn nhân của COVID-19.
Ấn Độ ghi nhận 85.919 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ lên trên 5,8 triệu ca. Tổng số ca tử vong tăng lên trên 92.000 ca.
Giới chức Bộ Y tế Ấn Độ cho hay tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 theo ngày ở nước này hiện ở mức 875 xét nghiệm/1 triệu dân, cao gấp hơn 6 lần mức 140 xét nghiệm/1 triệu dân theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến nay Ấn Độ đã tiến hành tổng cộng 66,28 triệu lượt xét nghiệm COVID-19, trong đó có 953.683 lượt trong ngày 23/9.
Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới trên 100
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc vẫn diễn biến phức tạp khi nước này ngày 24/9 ghi nhận 125 ca mắc và đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức trên 100. Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong số ca mắc mới, có 110 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến nay, Hàn Quốc có tổng cộng 23.431 ca mắc bệnh và 393 trường hợp tử vong.
Số ca mắc mới hằng ngày tại Hàn Quốc đã ở mức dưới 100 trong 3 ngày liên tiếp kể từ ngày 20/9, trước khi quay lại mức hơn 100 vào ngày 23/9. Trước đó, số ca mắc mới hằng ngày tại Hàn Quốc đã duy trì mức 3 con số trong hơn 1 tháng kể từ trung tuần tháng 8, với các ca mắc chủ yếu liên quan đến ổ dịch tại một nhà thờ ở thành phố Seoul và cuộc biểu tình tại quảng trường Gwanghwamun cũng tại thành phố này.
Giới chức y tế Hàn Quốc đang nỗ lực kiềm chế đà lây lan của dịch COVID-19 trước kỳ nghỉ lễ Trung Thu từ ngày 30/9 đến ngày 4/10. Đây là dịp người dân Hàn Quốc thường về quy nhà tụ họp gia đình và dự kiến có hàng triệu người đi lại trong dịp này.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 24/9 thông báo chính phủ sẽ không cho phép tổ chức các cuộc diễu hành dưới mọi hình thức tại trung tâm thành phố Seoul nhân dịp Quốc khánh nước này (3/10).
Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất
Bộ Y tế Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia Đông Nam Á này, với 4.634 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 262.022 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Indonesia ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao kỷ lục.
Ngoài ra, với thêm 128 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số ca không qua khỏi vì dịch COVID-19 tại Indonesia đến nay đã tăng lên tới 10.105 ca.
Trong bối cảnh đó, Indonesia vẫn đề xuất các tour du lịch miễn phí cho 4.440 cư dân trên đảo nghỉ dưỡng Bali, trong chiến dịch du lịch nhằm quảng bá địa điểm nghỉ dưỡng quốc tế này và thử nghiệm các quy định y tế phòng dịch bệnh COVID-19.
Điểm du lịch hút khách này đã phải đóng cửa từ tháng 4 nhằm ngăn chặn COVID-19, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế. Dù đã mở lại đối với khách nội địa từ tháng 7, Bali vẫn đang vất vả để "lấy lại đà" trong khi số ca nhiễm lại đang gia tăng.
Myanmar lo ngại các cơ sở cách ly bị quá tải
Myanmar đã cách ly hàng chục nghìn người nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát tạo gánh nặng quá lớn cho hệ thống y tế còn hạn chế của quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và các bác sĩ cho rằng các cơ sở cách ly đang bị quá tải do số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đang tăng mạnh.
Theo số liệu của Bộ Y tế Myanmar, số người được cách ly tại nước này đã tăng hơn hai lần từ mức khoảng 19.000 người trong tháng 8 năm nay lên trên 45.000 người tính đến ngày 21/9 vừa qua.
Chuyên gia y tế công cộng Kyaw San Wai cho rằng chiến lược "ngăn chặn tối đa" mà giới chức Myanmar theo đuổi kể từ khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tại nước này vào tháng 3 năm nay có thể phản tác dụng nếu các cơ sở đã quá tải không thể tiếp nhận thêm người vào cách ly. Theo ông, chiến lược này chỉ khả thi cho tới giữa tháng 8 năm nay khi tổng số ca mắc bệnh ở mức thấp. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm tăng mạnh từ cuối tháng 8, đặc biệt tại Yangon, cách tiếp cận này đã nhanh chóng đẩy các trung tâm y tế và các trung tâm cách ly lâm vào tình trạng quá tải.
Châu Âu: EU báo động tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ
Ngày 24/9, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động về việc dịch COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3 ở một số quốc gia thành viên, khi các chính phủ ở châu Âu và bên ngoài áp dụng nhiều biện pháp hạn chế mạnh mẽ.
Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides cảnh báo rằng ở "một số quốc gia thành viên, tình hình hiện thậm chí còn tồi tệ hơn so với thời kỳ cao điểm vào tháng 3". Bà Kyriakides kêu gọi các biện pháp mới để ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch bệnh.
Tuy tỷ lệ tử vong chưa lên đến mức như hồi đầu năm nay, nhưng các ca nhiễm mới lại một lần nữa tăng vọt ở nhiều khu vực trong EU.
Trong một tuyên bố, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã liệt kê Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, Cộng hòa Séc và Malta là những quốc gia đặc biệt "đáng lo ngại".
ECDC cho biết 7 nước trên đã ghi nhận hoặc đang có xu hướng gia tăng các trường hợp nhập viện, các ca nặng và cả số trường hợp tử vong.
Tại các quốc gia khác như Pháp và Anh, tỷ lệ lây nhiễm gia tăng chủ yếu ở những người trẻ tuổi, vốn là đối tượng ít có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nước này cũng đang ghi nhận xu hướng đáng lo ngại khi ngày càng có thêm nhiều người già bị nhiễm bệnh.
Trong bối cảnh đó, ngày 24/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc các nước thành viên EU nâng cao nhận thức của người dân, cũng như tăng cường các quy định giãn cách xã hội và vệ sinh nhằm ngăn ngừa làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.
Hiện châu Âu có tổng cộng hơn 5 triệu ca nhiễm. Một số quốc gia đã bắt đầu tái áp đặt các quy định phong tỏa cục bộ để ngăn dịch bệnh lan rộng. Tỷ lệ tử vong hiện vẫn chưa quay về mức như đầu năm nay, song số ca nhiễm mới lại đang tăng lên tại nhiều nơi.
Tại Đức, Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier đã thông báo tự cách ly tại nhà sau khi có một nhân viên của Bộ dương tính với virus SARS-CoV-2 . Tương tự, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm quyền Ủy viên Kinh tế Valdis Dombrovskis đã phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc COVID-19. Ông cho biết dù chưa có biểu hiện mắc bệnh, song để phòng ngừa, ông sẽ làm việc tại nhà và tự cách ly.
Cùng ngày, Áo đã áp đặt cảnh báo đi lại đối với thủ đô Praha của Séc và một số khu vực của Pháp như thủ đô Paris và Cote d'Azur, trong khi dỡ bỏ cảnh báo với Thụy Điển. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Áo, cảnh báo đi lại cũng được áp dụng với Andorra, Argentina, Bahrain, Costa Rica, Israel, Kuwait và Maldives. Đối với Bồ Đào Nha, Áo đã thu hẹp cảnh báo đi lại xuống còn thành phố Lisbon và vùng Norte. Toàn bộ những thay đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 28/9 tới.
Nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm, Chính phủ Áo thông báo những người đi trượt tuyết vào mùa Đông này sẽ phải ngồi theo bàn khi đến các quán bar. Quy định cũng áp dụng với khu vực ngoài trời. Bộ trưởng Du lịch Áo Elisabeth Koestinger nhấn mạnh việc tụ tập, nhảy múa hát hò trong các không gian kín nhỏ như quán bar sẽ là những ổ dịch tiềm tàng. Tại khu trượt tuyết kín, người dân được yêu cầu đeo khẩu trang và duy trì giãn cách 1m.
Tại Anh, Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết số người dương tính với virus SARS-CoV-2 theo tuần tại vùng England đã tăng gấp 3 so với thời điểm cuối tháng 8. Cụ thể, trong giai đoạn từ ngày 10/9-16/9, England đã ghi nhận 19.278 ca nhiễm mới.
Trong ngày 23/9, Anh đã ghi nhận 6.178 ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ ngày 1/5. Tuy nhiên, Anh cũng đã đẩy mạnh năng lực xét nghiệm kể từ thời điểm đó. Theo trang thống kê worldometers.info, Anh hiện có tổng cộng 409.729 ca nhiễm và 41.862 ca tử vong do COVID-19.
Tại Nga, số ca nhiễm mới tại thủ đô Moskva đã lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 6, làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới tại quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 4 trên thế giới bởi dịch bệnh này.
Trong những tháng vừa qua, số ca nhiễm mới tại thủ đô Moskva duy trì ở mức ổn định là 700 ca/ngày, song con số này đã bắt đầu tăng trở lại từ ngày 15/9. Trong ngày 24/9, thủ đô Moskva đã ghi nhận 1.050 ca nhiễm, mức cao nhất kể từ ngày 23/6. Trong khi đó, toàn nước Nga ghi nhận 6.595 ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ ngày 12/7. Theo thống kê của chính phủ, ước tính có 24% số ca nhiễm không có biểu hiện mắc bệnh. Moskva và vùng lân cận là nơi có số ca nhiễm mới cao nhất, xếp thứ 2 là thành phố Saint Petersburg.
Tính đến ngày 24/9, Nga có tổng cộng 1.128.836 ca nhiễm và 19.948 ca tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, ngày 24/9, Litva thông báo đã ghi nhận 138 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.070 ca, trong đó có 89 ca tử vong. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi Litva có ca nhiễm đầu tiên vào ngày 28/2 vừa qua.
Ngày 24/9, Slovakia ghi nhận thêm 360 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức cao nhất kể từ đầu mùa dịch. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp, số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục. Trước đó, nước này ghi nhận 338 ca nhiễm mới trong ngày 22/9.
Slovakia là một trong những nước ghi nhận số ca tử vong thấp nhất châu Âu, song số ca đã tăng lên trong tháng này trong xu hướng chung của châu lục. Kể từ khi bùng phát dịch hồi tháng 3, Slovakia đã ghi nhận 7.629 ca nhiễm, trong đó 41 ca tử vong.
Cùng ngày, Ba Lan cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao nhất, với 1.136 ca trong ngày 24/9. Tổng cộng nước này đã ghi nhận 82.809 ca nhiễm, trong đó có 2.369 ca tử vong.
Phần Lan cảnh báo dịch đang lây lan nhanh chóng theo chiều hướng "đáng báo động", sau 7 tháng tương đối yên tĩnh. Theo nhà chức trách nước này, số ca nhiễm mới trong hai tuần qua đã tăng gấp đôi, từ mức 387 trong hai tuần trước đó ca lên 798. Bộ Y tế và các vấn đề xã hội cho biết có một số dấu hiệu cho thấy dịch đang "tăng tốc" trở lại, như tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ ca dương tính trong tổng số ca xét nghiệm, những khó khăn ngày càng lớn trong việc truy vết ca nhiễm... Đáng chú ý là khoảng 50% số ca nhiễm mới là những người trẻ, dưới 30 tuổi.
Trước các diễn biến mới trên, Phần Lan đã mở rộng khuyến cáo đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng đông đúc, cũng như tại mọi nơi công cộng trong phòng kín và các sự kiện ngoài trờI ở những vùng dịch đang gia tăng.
Châu Mỹ:Thành phố Manaus (Brazil) có thể đã tạo được "miễn dịch cộng đồng"
Thành phố Manaus - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 ở Brazil, có thể đã ghi nhận số ca mắc nhiều đến mức đủ để tạo ra "miễn dịch cộng đồng". Đây là kết quả sơ bộ của nghiên cứu công bố ngày 23/9 trên trang medRxiv.
Để đưa ra kết luận trên, nhóm 34 nhà khoa học Brazil và quốc tế đã phân tích dữ liệu về số ca mắc COVID-19 ở thành phố Manaus bằng mô hình toán học với ước tính 66% dân số thành phố này có kháng thể chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tỷ lệ lây nhiễm này có thể đã đủ cao để đạt được ngưỡng "miễn dịch cộng đồng" để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. "Miễn dịch cộng đồng" hình thành khi một tỷ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người chưa bị mắc bệnh.
Các nhà khoa học cho rằng tỷ lệ lây nhiễm cao bất thường ở Manaus cho thấy "miễn dịch cộng đồng" đóng vai trò quan trọng trong việc xác định quy mô của dịch bệnh. Theo Giáo sư Y khoa Ester Sabino tại Đại học Sao Paulo - điều phối viên nghiên cứu, tất cả dấu hiệu đều cho thấy chính việc phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 đã làm giảm số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 ở Manaus.
Tuy nhiên, Giáo sư Florian Krammer tại Trường Y khoa Icahn thuộc Bệnh viện Mount Sinai ở New York (Mỹ) cho rằng "miễn dịch cộng đồng" thông qua lây nhiễm tự nhiên không phải là một giải pháp. Nhiều chuyên gia khác cảnh báo miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn.
Nằm trong vùng rừng nhiệt đới Amazon, thành phố Manaus là một trong những điểm nóng của dịch COVID-19 ở Brazil, với hơn 2.400 ca tử vong. Thành phố có 2,2 triệu dân này có tỷ lệ tử vong do dịch bệnh COVID-19 là 100,7 ca trên 100.000 dân. Tuy nhiên, số ca tử vong ở Manaus đã giảm đáng kể trong 14 ngày qua, trung bình ghi nhận 3,6 ca/ngày. Trên toàn Brazil, hiện có hơn 139.000 ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận, cao thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.
Theo Baotintuc
Theo số liệu cập nhật của Worldometers tính đến 8 giờ ngày 11-9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới là 28.316.274, trong đó có 913.252 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 301.190 ca mắc và 5.952 ca tử vong.