Cuộc chiến chống Covid-19 kéo dài hơn hai năm qua cho thấy thế giới vẫn còn nhiều "khoảng trống” cần được lấp đầy trong công tác chuẩn bị ứng phó các đại dịch. Trong bối cảnh đó, mới đây, các Bộ trưởng Y tế thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thông qua hiệp ước nhằm đẩy mạnh hệ thống cảnh báo sớm đại dịch.


Các Bộ trưởng Y tế G7 họp tại Đức. (Ảnh AP)

Hiệp ước mới được thông qua hướng đến xây dựng một mạng lưới chuyên gia toàn cầu nhằm phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát thành đại dịch, từ đó đưa ra những phản ứng nhanh chóng như chuẩn bị kịp thời vắc-xin, thiết bị y tế, phương pháp điều trị và chẩn đoán. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng sẽ được tăng cường hỗ trợ về mặt tài chính trong dài hạn. Theo đó, các nước G7 cam kết tăng 50% mức đóng góp bắt buộc cho WHO, để tổ chức y tế đa phương lớn nhất thế giới thực hiện tốt hơn vai trò tiên phong của mình.

Nhấn mạnh sự ra đời của hiệp ước mới là một thành công lớn, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach (C.Lau-tơ-bác) của Đức, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên G7, khẳng định, đại dịch Covid-19 không phải đại dịch cuối cùng của nhân loại. Sau Covid-19, thế giới có thể sẽ phải đương đầu những đại dịch khác, nhất là trong bối cảnh quá trình biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, hệ thống cảnh báo sớm cần được củng cố hơn nữa, trở thành "đài quan sát” giúp thế giới phát hiện, ứng phó hiệu quả và hạn chế các hậu quả của đại dịch.

Covid-19 không phải đại dịch đầu tiên nhân loại trải qua, song khi "cơn bão” Covid-19 mới đổ bộ, nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả những nước phát triển, đã rơi vào tình thế lúng túng và bị động. Covid-19 cũng đặt ra thách thức lớn đối với sự hợp tác quốc tế trong ứng phó dịch bệnh. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, khi đại dịch xảy ra, không quốc gia nào có thể đơn phương vượt qua. Hợp tác chính là "chìa khóa” quan trọng để các nước cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, quyết định thông qua một hiệp ước nhằm đẩy mạnh hệ thống cảnh báo sớm đại dịch được các nước hoan nghênh. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid (X.Gia-vít) khẳng định, đây là một bước tiến quan trọng, giúp tăng cường khả năng chống chọi của thế giới trước các đại dịch trong tương lai.

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi thế giới cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó những đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới. Trên thực tế, trong hơn hai năm qua, các nước không ngừng nỗ lực và đã đạt được những thành quả nhất định về cải cách hệ thống y tế, tăng cường tình đoàn kết, sự hợp tác hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh. Nhiều cơ chế mới được thiết lập giúp phân phối hàng tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đến các nước nghèo. Các kế hoạch thiết lập quỹ ứng phó đại dịch cũng như thỏa thuận nhằm bảo đảm nguồn ngân sách và tính linh hoạt cho WHO cũng đang dần được định hình.

Tuy nhiên, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark (H.Clác), đồng Chủ tịch Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch cảnh báo, những cải cách nêu trên vẫn đang diễn ra rất chậm. Theo bà Helen Clark, nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa dịch bệnh mới trong tương lai còn rời rạc, đặt thế giới vào trạng thái chưa sẵn sàng ứng phó, giống như lúc đại dịch Covid-19 mới bùng phát. Với tốc độ triển khai hiện nay, sẽ phải mất nhiều năm nữa thế giới mới có một hệ thống ứng phó hiệu quả, trong khi đại dịch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Các chuyên gia y tế khẳng định, khi đại dịch bùng phát, "tất cả chúng ta cùng ngồi trên một chiếc thuyền”, cùng trên một chiến tuyến. Việc G7 thông qua một hiệp ước nhằm đẩy mạnh hệ thống cảnh báo sớm đại dịch cho thấy, các nước đang xích lại gần nhau hơn để cùng xây dựng tấm khiên vững chắc bảo vệ sức khỏe người dân trước những nguy cơ về dịch bệnh trong tương lai.
     
                                                   
Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục