Bất ổn chính trị dường như đang trở thành dấu ấn của Liên minh châu Âu (EU), khi các quốc gia chủ chốt của khối này đang phải vật lộn với những rối ren nội bộ.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 10/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Người ta có thể coi đây là những diễn biến thường thấy trong một hệ thống đa đảng, nhưng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ trung tả của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, sau nhiều tuần biến động, cho thấy những dòng chảy ngầm sâu sắc hơn tại cường quốc kinh tế của châu Âu.
Việc thiếu vắng một lãnh đạo mạnh mẽ có thể đẩy Đức vào tình trạng lấp lửng chính trị, giống như tình trạng mà Pháp đang phải đối mặt, tạo ra một khoảng trống lãnh đạo mà EU không thể gánh chịu vào thời điểm then chốt này.
Khi năm 2025 đến gần, triển vọng của hai cường quốc trung tâm của châu Âu trở nên ảm đạm.
Cả Đức và Pháp đều đang tiến về năm mới mà không có chính phủ hoạt động hiệu quả, ngân sách được thông qua hay các chiến lược chính trị gắn kết. Thay vào đó, những luận điệu cực đoan đang định hình diễn ngôn công chúng, ngày càng có nguy cơ ảnh hưởng đến các thể chế của họ.
Sự bất ổn chung giữa hai động cơ tăng trưởng lớn nhất của EU đe dọa làm tê liệt khả năng hành động của khối. Điều này xảy ra vào một thời điểm quan trọng, khi các thách thức, cả từ bên trong và bên ngoài biên giới châu Âu, tiếp tục gia tăng.
Nếu không có sự lãnh đạo quyết đoán từ Berlin và Paris, tương lai của EU ngày càng trở nên bất định trong một thế giới đòi hỏi những phản ứng tập thể nhanh chóng đối với các cuộc khủng hoảng.
Nước Đức: Hy vọng tan vỡ và lo lắng dưới thời Trump 2.0
Tại Berlin, Thủ tướng Scholz đang phải vật lộn để cứu vãn uy tín của mình sau ba năm lãnh đạo đầy trắc trở trong một liên minh bất ổn.
Liên minh "đèn giao thông" từng đầy hy vọng giờ đã mờ nhạt do các cuộc thăm dò dư luận ảm đạm và sự bất mãn ngày càng tăng. Lãnh đạo phe đối lập bảo thủ Friedrich Merz, người thừa kế di sản của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Angela Merkel, đang theo dõi sát sao từ bên ngoài.
Tuy nhiên, ngay cả khi ông Merz lên nắm quyền, Đức vẫn phải đối mặt với những thách thức tương tự, chi phí năng lượng cao, áp lực công nghiệp từ Trung Quốc và một trật tự toàn cầu bất ổn, khi "bóng ma” của ông Donald Trump lơ lửng trên NATO và thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Nước Pháp: Bi kịch lãnh đạo và sự trỗi dậy của cực hữu
Bên kia sông Rhine, nước Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang đối mặt với những thách thức riêng. Mặc dù mới bổ nhiệm chính trị gia trung dung Francois Bayrou làm thủ tướng, nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron đang bị bao vây từ cả hai cánh.
(Tư liệu) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Paris ngày 8/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Phe cực hữu không ngừng chỉ trích và phe cực tả phẫn nộ không hề quan tâm đến quản trị thực tế, thay vào đó chỉ tập trung vào việc phá bỏ chương trình nghị sự vốn đã mong manh của ông Macron. Các cải cách lương hưu vẫn chưa được giải quyết, ngân sách mất cân đối và một cảm giác bất an bao trùm cả quốc gia.
Những cuộc khủng hoảng kép này không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn.
Khả năng của EU trong việc định hình các phản ứng đối với cuộc xung đột ở Ukraine hoặc vượt qua sự trở lại của ông Trump ở Washington đang suy giảm.
Nếu không có sự lãnh đạo quyết đoán từ Berlin hoặc Paris, châu Âu có nguy cơ bị cuốn trôi trong một cơn bão các thách thức địa chính trị và kinh tế.
Sự hỗn loạn chính trị đang diễn ra ở Pháp và Đức không chỉ là vấn đề của EU, đó là một mối đe dọa đối với chính nền dân chủ. Nếu Berlin và Paris không thể khôi phục sự ổn định và niềm tin vào khả năng lãnh đạo của mình sớm, hậu quả có thể rất tàn khốc, không chỉ đối với EU, mà còn đối với lý tưởng dân chủ rộng lớn mà châu Âu đã luôn bảo vệ.
Nước Đức có thể có một cơ hội làm lại với cuộc bầu cử liên bang chớp nhoáng vào tháng 2/2025, tạo cơ hội cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo giành được nhiều quyền lực hơn.
Nhưng ngay cả khi CDU thành công, những vấn đề sâu xa sẽ không biến mất. Nguồn gốc của những khó khăn của Đức và của châu Âu, nằm ở sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng và mức sống suy giảm, những triệu chứng của sự thất bại lãnh đạo kéo dài hơn một thập kỷ.
Trên khắp lục địa, cử tri đang vỡ mộng, và phe trung dung chính trị đang phải vật lộn để giữ vững vị thế.
Những tuần tới có thể tiết lộ liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có thể giành lại quyền kiểm soát hay liệu EU, và có lẽ cả chính nền dân chủ, có nguy cơ bị cuốn xuống bởi sức nặng của những cuộc khủng hoảng chưa được giải quyết của chính mình.
Đức và Pháp, những trụ cột lịch sử của EU, đang lung lay dưới sức nặng của những động lực chính trị bấp bênh và làn sóng chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy.
Tại Đức, lãnh đạo Merz của CDU đưa ra một hy vọng tiềm năng. Bằng cách hướng đảng của mình gần hơn với các gốc rễ bảo thủ truyền thống, Merz đang cố gắng chống lại sự hấp dẫn ngày càng tăng của đảng cực hữu AfD.
Mặc dù việc giành được đa số tuyệt đối vẫn khó xảy ra trong bối cảnh chính trị phân mảnh ngày nay, con đường của Merz có thể bao gồm việc thành lập liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội hoặc Đảng Xanh sau khi Thủ tướng Scholz ra đi.
Tuy nhiên, điều này cũng mang đến những trở ngại riêng, vì sự chia rẽ ý thức hệ có nguy cơ làm loãng bất kỳ chiến lược quản trị gắn kết nào.
Trong khi đó, những thách thức của Pháp có vẻ nghiêm trọng và mang tính cá nhân sâu sắc hơn. Tổng thống Emmanuel Macron, thường bị chỉ trích vì phong cách lãnh đạo xa cách và độc đoán, đã trở thành tâm điểm của sự bất mãn.
Sự thất bại của đảng ông trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 đã gây ra các cuộc bầu cử quốc gia chớp nhoáng, chia rẽ quốc hội thành ba khối đối lập – những người theo chủ nghĩa trung dung của Macron, phe cánh tả kiên cường và Phong trào Tập hợp Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen đang lên.
Việc Tổng thống Macron liên tục từ chối hợp tác với những người ôn hòa trong liên minh cánh tả, bất chấp lợi thế nghị viện của họ, chỉ làm sâu sắc thêm tình trạng bế tắc.
Về phía trước, bóng ma của bà Le Pen ngày càng lớn dần. Các cuộc thăm dò cho thấy bà có thể giành đủ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, đưa phong trào cực hữu của bà đến gần Điện Élysée một cách đáng lo ngại.
Đối với cả Đức và Pháp, những rung chuyển chính trị này báo hiệu một bài kiểm tra khẩn cấp về khả năng vượt qua những áp lực đang đe dọa nền tảng của EU.
Châu Âu đứng trước ngã ba đường
EU đang đứng ở một ngã ba đường nguy hiểm, phải đối mặt không chỉ với những mối đe dọa bên ngoài mà còn là sự xói mòn từ bên trong có thể làm suy yếu nền tảng của nó.
Trong khi Nga là một mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh châu Âu và Trung Quốc đang từng bước thâm nhập kinh tế toàn cầu, thì mối nguy lớn hơn có thể nằm ngay trong khu vực.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy châu Âu, có thể được thúc đẩy bởi sự trở lại của ông Trump hoặc luận điệu tương tự trên trường quốc tế vào năm 2025, đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với sự gắn kết của EU.
Nếu không có hành động quyết đoán, các chính phủ do phe dân túy lãnh đạo sẽ phá dỡ các trụ cột dân chủ tự do của EU, để lại phía sau các thể chế bị chia rẽ không thể duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Châu Âu cần một "hiệp ước chân thành" mới, không chỉ giữa các quốc gia, mà còn trong lòng các xã hội của mình, để ngăn chặn làn sóng này.
Bởi vì kẻ thù không còn chỉ ở ngoài cổng; nó đang ở bên trong, gieo rắc những chia rẽ có thể làm tan rã cuộc thử nghiệm thống nhất và tiến bộ của châu Âu.
Thời gian không còn nhiều, và những rủi ro có lẽ chưa bao giờ lớn hơn.
Theo Báo Tin tức
Các quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế đang tích cực hỗ trợ quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria nhằm tránh kịch bản hỗn loạn như đã xảy ra tại Libya hay Iraq.
Trong năm 2024, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với một số thách thức lớn, như xung đột địa chính trị tiếp diễn, lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao, thiên tai và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Để đối phó với thách thức, nhiều quốc gia đã chủ động thực hiện điều chỉnh chính sách, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và bảo vệ nền kinh tế trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trên toàn cầu.
Tảng băng khổng lồ A-23A đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương và đang trôi dạt về phía đông bắc, dự kiến sẽ tan vỡ hoàn toàn.
Trong thập niên tới, dự báo kinh tế thế giới sẽ thiệt hại 25.000 tỷ USD mỗi năm do môi trường bị hủy hoại.
Lãnh đạo Syria không phải là bên duy nhất định hình tương lai của đất nước mà điều này còn đến từ khu vực lãnh thổ vùng biên – nơi đang bị Israel và Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một phần.
Nước Mỹ dự kiến ghi nhận kỷ lục về số lượt khách đi du lịch trong dịp nghỉ lễ trong bối cảnh Quốc hội nước này vừa ngăn chặn được nguy cơ đóng cửa chính phủ vào tối 20/12 vừa qua.