Năm 2025 mở ra với nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít thách thức cho nền kinh tế châu Âu.


Biểu tượng đồng Euro tại Frankfurt, Đức.

Sau 5 quý liên tiếp trì trệ, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn nhất trong năm 2024. Tuy nhiên, tương lai năm 2025 vẫn còn mờ mịt với những rủi ro lớn như căng thẳng địa chính trị, gia tăng bảo hộ thương mại và áp lực từ chính sách của Mỹ.

Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), GDP của Eurozone dự kiến tăng 0,8% trong năm 2024, nhờ lạm phát giảm và tiêu dùng, đầu tư hồi phục. Tốc độ tăng trưởng được kỳ vọng đạt 1,3% vào năm 2025 và 1,5% vào năm 2026. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại đưa ra dự báo thận trọng hơn, với mức tăng trưởng lần lượt là 1,1% và 1,4% trong hai năm tới.

Lạm phát giảm nhờ giá năng lượng hạ nhiệt trong năm 2024, nhưng vẫn duy trì trên mức 2% kể từ tháng 10. Lạm phát cả năm 2024 dự kiến đạt 2,4%, giảm mạnh so với năm trước, và tiếp tục giảm xuống 2,1% vào năm 2025. Dù lạm phát thấp hơn và thị trường lao động ổn định giúp tăng thu nhập khả dụng, ECB cảnh báo tình hình bất ổn và khó lường vẫn khiến người tiêu dùng tiết kiệm nhiều hơn, ảnh hưởng đến tăng trưởng ngắn hạn.

Tại Đức, các thách thức cơ cấu, đặc biệt là tình trạng đầu tư thấp kéo dài, tiếp tục đè nặng nền kinh tế lớn nhất khu vực. Theo Viện Ifo, GDP của Đức có thể giảm 0,1% trong năm 2024, đánh dấu lần đầu tiên nước này rơi vào suy thoái hai năm liên tiếp trong hơn hai thập kỷ. Ông Thiess Petersen, cố vấn cấp cao tại Bertelsmann Stiftung, nhận định: "Năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm đầy rủi ro kinh tế đối với châu Âu”, đồng thời lưu ý tăng trưởng chậm chạp tại Đức vẫn đang ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.

Bất chấp mức tăng trưởng nhẹ, triển vọng kinh tế châu Âu đối mặt với nhiều rủi ro, từ căng thẳng địa chính trị, chi phí năng lượng cao, đến tranh chấp thương mại leo thang. Thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã hết hạn vào ngày 1/1 vừa qua, làm tăng nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Theo Viện chiến lược Bruegel (có trụ sở tại Brussels, Bỉ), EU có thể thiếu 140 terawatt giờ/năm, dù nhập khẩu khí đốt hóa lỏng có thể tạm thời bù đắp. Tuy nhiên, giải pháp này lại đắt đỏ và không ổn định, gây áp lực đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Thêm vào đó, chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa gây ra một cuộc chiến thương mại. Nếu Mỹ áp đặt mức thuế từ 10% đến 20% đối với hàng hóa châu Âu, Eurozone có thể rơi vào suy thoái.

Tình hình chính trị bất ổn tại Pháp và Đức – hai nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) – càng làm tăng thêm sự lo ngại. Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt với nợ công cao và áp lực từ phe cực hữu, trong khi cuộc bầu cử sớm tại Đức khiến nỗ lực phục hồi kinh tế khu vực bị gián đoạn.

Ngày giao dịch đầu tiên của năm 2025 cũng chứng kiến đồng euro tiếp tục giảm giá, xuống dưới mức 1 euro đổi được 1,03 USD – thấp nhất trong hơn hai năm. Điều này phản ánh sự chênh lệch ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Ngân hàng trung ương - Fed) và ECB. Một số chuyên gia dự báo đồng euro có thể đạt mức ngang giá với USD vào cuối năm 2025.

ECB đã hạ lãi suất 4 lần trong năm qua để đối phó với lạm phát giảm và tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh rằng cần áp dụng cách tiếp cận "dựa trên dữ liệu" và thận trọng khi điều chỉnh chính sách. Mặc dù có lời kêu gọi hạ lãi suất thêm 1 điểm phần trăm trong năm 2025, ECB có thể sẽ giữ lãi suất ở mức trung lập - không thúc đẩy cũng không kìm hãm tăng trưởng.

Năm 2025 hứa hẹn là một năm đầy thách thức cho kinh tế châu Âu. Dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng những rủi ro như năng lượng, thương mại và bất ổn chính trị có thể tiếp tục cản trở tăng trưởng. Theo giới phân tích, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, châu Âu cần tìm cách cân bằng giữa cải cách cơ cấu, đầu tư công và chính sách tài khóa linh hoạt hơn.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Thế giới 2024: Indonesia ghi nhận năm nóng nhất trong lịch sử

Có Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) ngày 3/1 cho biết năm 2024 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử nước này.

Máy bay lao vào tòa nhà ở California (Mỹ), 2 người chết, 19 người bị thương

Hai người đã tử vong và 19 người bị thương hôm 2/1 khi một chiếc máy bay nhỏ đâm xuyên qua mái của một tòa nhà sản xuất đồ nội thất ở phía Nam bang California, Mỹ.

Dầu rò rỉ lan rộng sau sự cố ở biển Đen

Giới chức Nga ngày 2/1 cho biết, dầu rò rỉ từ sự cố hai tàu chở dầu gặp nạn ở eo biển Kerch đang lan đến các bãi biển khác trong khu vực, trong bối cảnh các lực lượng bảo vệ môi trường của Nga vẫn đang nỗ lực xử lý hậu quả vụ việc đối với môi trường và động vật ở đây.

Ít nhất 20 người di cư bị mất tích sau vụ lật thuyền gần Italy

Ít nhất 20 người di cư vượt biển Địa Trung Hải đã mất tích sau một vụ lật thuyền ngày 1/1 (giờ địa phương) gần đảo Lampudesa, phía Nam Italy, theo thông tin từ lực lượng cứu hộ quốc gia Nam Âu này.

Năm mới 2025 chính thức bắt đầu tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ

Do chênh lệch múi giờ, thế giới sẽ mất tới 26 giờ để mọi nơi cùng bước sang năm 2025. Đảo Kiritimati thuộc quốc đảo Kiribati là khu vực đầu tiên được Năm mới "gõ cửa”.

Đức: Điều trần kín tại Quốc hội về vụ lao xe vào chợ Giáng sinh

Ngày 30/12, các quan chức an ninh và tình báo hàng đầu của Đức đã tham gia phiên điều trần kín về vụ lao xe vào chợ Giáng sinh Magdeburg khiến 5 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương cách đây 10 ngày.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục