Các nhà kinh tế bày tỏ sự kinh ngạc trước cách tính toán các mức thuế mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo tờ The Guardian ngày 3/4, giơ một tấm bảng lớn có ghi các mức thuế trong Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố kế hoạch áp thuế mới của mình rất đơn giản: "Đối xứng, nghĩa là họ làm với chúng ta thế nào, thì chúng ta làm lại như thế. Rất đơn giản. Không thể đơn giản hơn nữa”.

Công thức không thể đơn giản hơn


Mức thuế đối xứng mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Theo tờ The Guardian, có lẽ cách tính thuế này đơn giản hơi quá mức. Phương pháp mà Nhà Trắng sử dụng để tính toán các con số quan trọng nhất trong thương mại quốc tế, chính trị và kinh tế khiến nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới cảm thấy sốc.

Với mỗi quốc gia, Nhà Trắng tra cứu thâm hụt thương mại hàng hóa trong năm 2024, sau đó chia con số này cho tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu. Để thể hiện thiện chí, ông Trump nói rằng ông sẽ áp dụng mức giảm và chia đôi kết quả đó. Cách tính thậm chí còn được rút gọn thành một công thức.

Ví dụ, với Trung Quốc: Thâm hụt thương mại hàng hóa là 291,9 tỉ USD; tổng hàng hóa nhập khẩu: 438,9 tỉ USD. Chia hai con số trên có kết quả 0,67, tức 67%. Sau đó, con số này được chia đôi, còn 34%.

Với những quốc gia không có thâm hụt lớn, Nhà Trắng đặt ra mức sàn là 10%, tức là thuế quan vẫn sẽ được áp dụng dù không có thâm hụt. Trường hợp này áp dụng với Anh, quốc gia mà theo thống kê của Mỹ đã có thặng dư gần 12 tỉ USD trong năm 2024.

Ông Jim Reid, Giám đốc toàn cầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô của Deutsche Bank, nói: "Đây là một phép tính bất thường sau nhiều tháng làm việc". Ông nhận định cách tính này không mang lại chút niềm tin nào rằng có một kế hoạch triển khai chiến lược sâu sắc đằng sau đó.

Trong nhiều tuần, Mỹ đã nói về một quá trình xây dựng chính sách toàn diện nhằm xác lập con số dựa trên kết hợp giữa rào cản thuế quan và phi thuế quan theo cách Mỹ nhận định, bao gồm các cáo buộc về thao túng tiền tệ, luật pháp địa phương, quy định và các loại thuế như VAT.

Bản thân cách tiếp cận này đã khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên, bởi họ cho rằng việc tính cả VAT là điều rất bất thường vì VAT là một loại thuế bán hàng áp dụng cho cả hàng sản xuất trong nước lẫn hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, Nhà Trắng dường như đã xác nhận họ áp dụng cách tiếp cận đơn giản hóa để đưa ra đánh giá này: Thuế quan đối xứng được tính bằng mức thuế cần thiết để cân bằng thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và từng đối tác thương mại. Cách tính này giả định rằng thâm hụt thương mại kéo dài là do kết hợp giữa các yếu tố thuế quan và phi thuế quan vốn cản trở thương mại cân bằng.

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề với cách làm này, đặc biệt là vì đã đơn giản hóa quá mức các nguyên nhân thâm hụt thương mại. Thâm hụt thương mại xảy ra khi một quốc gia mua nhiều hơn số hàng hóa mà họ bán ra nước ngoài. Mỹ đã liên tục bị thâm hụt thương mại từ thập niên 1970. Thông thường, thâm hụt này sẽ tự cân bằng theo thời gian vì tạo áp lực khiến đồng tiền quốc gia mất giá (do nhu cầu mua ngoại tệ để nhập khẩu lớn hơn nhu cầu mua nội tệ).

Tuy nhiên, với vị thế đứng đầu toàn cầu về tiền dự trữ khi đồng USD được dùng trong hệ thống tài chính và thương mại quốc tế, Mỹ có thể duy trì được mức thâm hụt thương mại lớn hơn nhiều quốc gia khác.

Một phần lý do khác là hàng hóa của Mỹ quá đắt đỏ so với khả năng tiêu dùng của các nước đang phát triển. Điều này giúp lý giải tại sao một số quốc gia nghèo lại bị áp mức thuế cao và vì sao thâm hụt thương mại với các nước này lại đặc biệt lớn.

Ông Adam Tooze, nhà sử học kinh tế tại Đại học Columbia (Mỹ), cho rằng có những chính sách không bình thường với các quốc gia Đông Nam Á. Ông nói: "Không phải vì họ cố tình phân biệt đối xử với hàng xuất khẩu của Mỹ, mà bởi vì họ nghèo. Mỹ không sản xuất nhiều mặt hàng phù hợp để họ nhập khẩu”.

Lesotho - một quốc gia nhỏ ở miền Nam châu Phi, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới - cũng là một ví dụ khó hiểu khác khi bị áp thuế tới 50%. Các mặt hàng chính xuất khẩu từ Lesotho sang Mỹ là kim cương và quần áo, cho thấy tầm quan trọng của các chuỗi cung ứng khoáng sản quý hiếm đối với kinh tế Mỹ, đồng thời cũng phản ánh những nỗ lực trước đây của Mỹ nhằm thúc đẩy phát triển ở châu Phi, thông qua các chính sách khuyến khích sản xuất từ những công ty như Levi Strauss và Wrangler.

Tuy nhiên, ông Trump đã đảo ngược nhiều thập niên nỗ lực của các chính quyền Mỹ tiền nhiệm trong mở rộng ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra một cơn địa chấn với nền kinh tế thế giới.

Ông Tooze nhận xét: "Đây không phải là chính sách thương mại nghiêm túc hay chiến lược vĩ mô. Tổng thống ghét thâm hụt thương mại và đội ngũ các trợ lý tận tụy đã bày ra một công thức ngớ ngẩn để thể hiện rằng mình đã làm gì đó”.

Cảnh báo từ các tổ chức


Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ, ngày 3/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 3/4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo các mức thuế quan mới của Mỹ là rủi ro đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi Washington hợp tác với các đối tác thương mại để giảm bớt căng thẳng.

Phát biểu sau khi Tổng thống Trump công bố các biện pháp thuế quan mới, bà Georgieva nhấn mạnh đây là bước đi có thể làm trầm trọng thêm cuộc chiến thương mại, làm gia tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu và thúc đẩy lạm phát.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng bày tỏ quan ngại những tác động tiêu cực của thuế quan đối với nền kinh tế. Bà Lisa Cook, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, nhận định tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức vừa phải trong năm nay, trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao do ảnh hưởng của thuế quan và các thay đổi chính sách khác. Bà Cook nhấn mạnh mặc dù ảnh hưởng của thuế quan có thể ở mức tối thiểu trong một số trường hợp, song vẫn tồn tại những kịch bản đáng lo ngại khi lạm phát tiếp tục tăng cao, trong khi tăng trưởng suy yếu. Điều này có thể khiến Fed gặp khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát mà không làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh.

Ngoài ra, việc đánh thuế lên các nguyên liệu sản xuất như nhôm và thép có thể đẩy chi phí đầu vào lên cao, gây ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất ô tô.

Trong một diễn biến khác, ngân hàng JPMorgan cho biết mức thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump đã khiến tổng thuế suất tích lũy của Mỹ tăng lên khoảng 22%, đánh dấu đợt tăng thuế lớn nhất của nước này kể từ năm 1968. Trước những diễn biến này, JPMorgan đã nâng ước tính nguy cơ suy thoái toàn cầu từ 40% lên 60%, do lo ngại các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tâm lý bất ổn trên thị trường. Ngân hàng này cũng nhận định trong dài hạn, chính sách bảo hộ thương mại kết hợp với sự suy giảm dòng người nhập cư có thể khiến chi phí sản xuất tăng cao và kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.


Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Động đất tại Myanmar: Chưa thể xác định quy mô tàn phá

Liên hợp quốc và các tổ chức cứu trợ cho biết chưa thể xác định quy mô tàn phá của trận động đất kinh hoàng vừa qua ở Myanmar, đồng thời cảnh báo vụ việc có thể làm trầm trọng thêm nạn đói và nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở một quốc gia vốn đã có gần 20 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo trước trận động đất.

Lực lượng Quân đội và chó nghiệp vụ tích cực cứu nạn người dân Myanmar

Theo chính quyền quân sự Myanmar, tính đến ngày 31/3, số người thiệt mạng trong trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra ngày 28/3, đã tăng lên 2.056 người.

Động đất ở Thái Lan: Sắp hết thời gian vàng, đội cứu hộ vẫn miệt mài tìm kiếm nạn nhân

Theo tờ The Nation Thailand, khi thời gian vàng chỉ còn vào tiếng nữa là kết thúc, lực lượng cứu hộ vẫn miệt mài và cố gắng tìm kiếm thêm người sống sót trong đống đổ nát của tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước bị đổ sập do động đất ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.

Động đất tại Myanmar: ASEAN bày tỏ đoàn kết, sát cánh cùng Myanmar và Thái Lan trong thời khắc khó khăn

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 30/3, với tư cách nước Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp đặc biệt của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN để ứng phó với trận động đất mạnh làm rung chuyển Myanmar và Thái Lan.

Động đất ở Myanmar: Số nạn nhân vượt qua 5.400 người, tổn thất tài chính có thể hơn GDP năm

Số người chết, bị thương và mất tích ở Myanmar sau trận động đất thế kỷ trưa 28/3 đã vượt qua 5.400 người và theo dự báo, tổn thất tài chính có thể vượt quá tổng sản lượng kinh tế hằng năm của Myanmar.

Động đất tại Myanmar: Nhiều nước triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp

Ngày 30/3, các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho Myanmar sau trận động đất 7,7 độ, cướp đi sinh mạng của trên 1.700 người và làm hàng trăm người khác bị thương hoặc mất tích.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục