Trong tuần này, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ tại Washington, mỗi bên đều mang theo những chiến lược và toan tính riêng.


Nhà máy xử lý khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở bang Louisiana, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Tin tức Thế giới, Nhật Bản chuẩn bị lấy việc mở rộng nhập khẩu gạo Mỹ và nới lỏng quy trình kiểm định đối với ô tô Mỹ làm "con bài thương lượng”, nhằm đổi lấy việc Mỹ xóa bỏ mức thuế đối ứng 24% và được miễn thuế với ô tô cũng như với thép và nhôm. Hàn Quốc cũng sẵn sàng thảo luận với phía Mỹ về các biện pháp giảm rào cản phi thuế quan để đảm bảo xe hơi và chất bán dẫn của nước này được Washington miễn thuế.

Đài NHK đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kato Katsunobu dự kiến sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ hai với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Rutnik và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer vào ngày 24/4. Trong bối cảnh nguồn cung gạo tại Nhật Bản đang thiếu hụt khiến giá gạo tăng cao, Tokyo dự kiến sẽ đề xuất tăng nhập khẩu gạo, đậu nành và các sản phẩm năng lượng từ Mỹ. Nhật Bản cũng xem xét nới lỏng các quy định an toàn nhập khẩu xe hơi, cam kết mở rộng đầu tư vào Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Nhật Bản sẽ yêu cầu Mỹ xóa bỏ mức thuế đối ứng 24% đánh vào hàng hóa Nhật, đồng thời đề nghị Washington miễn trừ Nhật Bản khỏi các loại thuế đối với ô tô và sản phẩm thép, nhôm. Trong vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước ngày 16/4, phía Mỹ đã nêu ra việc Nhật Bản đang áp dụng các rào cản phi thuế quan đối với ô tô và gạo, đồng thời yêu cầu Nhật nới lỏng tiêu chuẩn kiểm định đối với thịt bò và khoai tây nhập khẩu, cũng như mở rộng số lượng nhập khẩu.

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cho biết khi thảo luận về vấn đề tỷ giá với phía Mỹ, ông sẽ nhấn mạnh đến nguyên tắc "công bằng”. Tuy nhiên, trước đó ông Shigeru cũng từng bày tỏ rằng việc gộp các vấn đề an ninh và thương mại vào cùng một cuộc đàm phán là "không thực sự phù hợp”.


Xe ô tô chờ vận chuyển tại kho cảng của nhà máy sản xuất xe Hyundai ở Ulsan, Hàn Quốc ngày 16/9/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng sẽ tiến hành đàm phán với Mỹ tại Washington vào thứ Năm và thứ Sáu (24-25/4). Phái đoàn Hàn Quốc do quyền Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch Tài chính Choi Sang-mok và Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Ahan Duk-geun dẫn đầu, tham gia đàm phán với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Greer.

Ông Ahan Duk-geun cho biết: "Chúng tôi lên kế hoạch thực hiện một chiến lược toàn diện nhằm loại bỏ các loại thuế đối với ô tô và chất bán dẫn xuất khẩu sang Mỹ”. Phía Hàn Quốc cũng đã chuẩn bị tinh thần cho khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trực tiếp can thiệp vào tiến trình đàm phán. Các mặt hàng ô tô Hàn Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang đối mặt với nguy cơ bị đánh thuế tới 25%, trong khi chip bán dẫn và dược phẩm cũng là những mặt hàng có thể nằm trong mục tiêu áp thuế của Mỹ.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Deok-soo tuyên bố rằng Seoul sẽ không "phản công toàn diện” trước các mức thuế của Mỹ, đồng thời đang cân nhắc mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và máy bay thương mại từ Mỹ, cũng như tăng cường hợp tác trong ngành đóng tàu. Hàn Quốc cũng sẵn sàng thảo luận về các rào cản phi thuế quan mà nước này đang áp dụng với phía Mỹ, bao gồm tiêu chuẩn khí thải xe hơi, tính minh bạch trong định giá dược phẩm, vấn đề nhập khẩu thịt bò Mỹ, cũng như việc thu phí mạng đối với các nhà cung cấp nội dung Mỹ như Netflix.

Tuy nhiên, do các cuộc đàm phán thương mại thường kéo dài nhiều năm, trong khi Mỹ lại muốn hoàn tất đàm phán với hàng chục quốc gia chỉ trong vòng 90 ngày, nên để đẩy nhanh tiến độ, ông Pecci – đối tác của công ty luật Wiley Rein và từng là cố vấn pháp lý cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) – nhận định rằng trong vài tháng tới, Mỹ có thể sẽ ký các thỏa thuận tạm thời với nhiều nước, xác lập lịch trình và phạm vi đàm phán, đồng thời có khả năng tạm thời đình chỉ vô thời hạn các mức thuế đối ứng.


Theo TTXVN


Các tin khác


Mỹ tăng thuế 245% lên hàng Trung Quốc: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng nổ

Theo thông báo từ Nhà Trắng vào đêm 15/4 (giờ địa phương), Mỹ sẽ áp thuế lên tới 245% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, trong một động thái nhằm đáp trả các biện pháp trả đũa mới đây của Bắc Kinh.

Cảnh sát Hàn Quốc khám xét văn phòng của cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol

Ngày 16/4, cảnh sát Hàn Quốc tiến hành khám xét văn phòng cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol cùng khu phức hợp an ninh, như một phần trong cuộc điều tra hình sự mở rộng nhằm vào Tổng thống bị phế truất.

Tổng thống Trump gia tăng áp lực, hối thúc Trung Quốc khởi động tiến trình đàm phán

Theo Bloomberg, Tổng thống Donald Trump tiếp tục hối thúc Trung Quốc chủ động liên lạc với ông để khởi động các cuộc đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đàm phán Ukraine - Mỹ về thỏa thuận khoáng sản diễn ra ''mang tính xây dựng''

Ngày 14/4, một quan chức cấp cao Ukraine cho biết cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine về một thỏa thuận khai thác khoáng sản chiến lược đã diễn ra "mang tính xây dựng".

Trung Quốc kích cầu du lịch: Hoàn thuế cho du khách nước ngoài ngay khi mua hàng

Người nước ngoài đến du lịch ở Trung Quốc khi mua sắm có thể được hoàn thuế ngay tại điểm mua hàng, và số tiền hoàn thuế đó có thể tiếp tục được sử dụng cho việc tiêu dùng ở nước này.

Đại học Harvard bất tuân yêu cầu của Tổng thống Trump, nguy cơ mất 9 tỷ USD tài trợ

Chính phủ liên bang yêu cầu Harvard phải tiến hành nhiều thay đổi lớn, bao gồm báo cáo những sinh viên quốc tế vi phạm các quy tắc, chia sẻ dữ liệu tuyển sinh. Harvard gọi các yêu cầu này là bất hợp pháp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục