(HBĐT) - Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, internet của vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… đã làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ mang lại lợi ích chưa từng có cho xã hội loài người nhưng cũng làm xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn. Nhiều quốc gia đã nhận thức rõ về những mối đe dọa đối với an ninh mạng, coi đây là thách thức mới, mối đe dọa mới có tầm quan trọng và nguy hiểm cao, chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây đã có 23 quốc gia ban hành trên 40 văn bản pháp luật về an ninh mạng như: Anh, Mỹ, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các mối đe dọa về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, khủng bố mạng và tội phạm mạng.


Các đại biểu Quốc hội tỉnh ta bấm nút thông qua Luật An ninh mạng. Nguồn Internet

Ở nước ta, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đời sống xã hội đã góp phần to lớn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển văn hóa, xã hội, phát huy sức sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo QP-AN. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của tình hình an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, Quốc hội đã quyết định ban hành Luật An ninh mạng theo trình tự thủ tục Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ Năm vừa qua với tỷ lệ tán thành cao, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Luật gồm 7 chương, 43 điều với nhiều quy định mới, tạo khung khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước chịu tác động nhiều mặt của "kỷ nguyên số” và cuộc "cách mạng công nghiệp” lần thứ tư (4.0).

Với phạm vi điều chỉnh về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, Luật An ninh mạng quy định đầy đủ, toàn diện chính sách của Nhà nước về an ninh mạng (Điều 3); ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong QP-AN, phát triển KT-XH; xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, Luật đã quy định chặt chẽ nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng, đó là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; mọi hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Luật đã quy định cụ thể 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), đảm bảo tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là pháp luật về hình sự, hành chính. Trong đó, các hành vi bị nghiêm cấm là nhóm các hành vi sử dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, Luật cũng quy định cấm các hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc trục lợi. Quy định này nhằm ngăn ngừa hành vi lạm quyền của các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng khi thi hành công vụ.

Liên quan tới công tác quản lý các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng và sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam. Để đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, thực thi chính sách bảo vệ chặt chẽ dữ liệu người dùng, quyền riêng tư và bảo đảm nguồn dữ liệu quan trọng của quốc gia, Luật quy định các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian do luật định (khoản 3, Điều 26). Quy định này là cần thiết và phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế được nhiều quốc gia đang áp dụng và không trái với các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Hơn nữa, việc bảo vệ an ninh quốc gia là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, trong đó có các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ, kinh doanh trên môi trường không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam. Không một quốc gia nào cho phép hoạt động kinh doanh mà hoạt động kinh doanh đó bị lợi dụng, sử dụng để chống lại Nnhà nước, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà không bị xử lý. Vì vậy, Luật cũng quy định rõ việc thực hiện ngăn chặn chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin xấu, độc phải được các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý về an ninh mạng (Điều 16).

Trẻ em là chủ thể đặc biệt luôn được pháp luật bảo vệ, với Luật An ninh mạng được quy định một điều (Điều 29), bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trong đó quyền được tiếp cận thông tin, quyền được tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng của trẻ em được pháp luật bảo đảm. Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em… phải phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và đảm bảo các quyền khác của trẻ em theo luật định.

Một trong những thách thức lớn về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam phải đối mặt là (i) Sự phát triển của mạng xã hội góp phần quan trọng phát triển KT-XH, song cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động chuyển hóa chính trị, khủng bố như đã từng diễn ra ở nhiều quốc gia Trung Đông, Bắc Phi; (ii) Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra những giá trị khoa học công nghệ vượt trội, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng cũng được dự báo sẽ gây nên "thảm họa” nếu không được kiểm soát chặt chẽ; (iii) Các thiết bị kết nối internet ngày càng phổ biến mang lại lợi ích to lớn cho cuộc sống con người nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ chúng có thể được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Tháng 9/2017, mã độc có tên Mirai tấn công 10 triệu thiết bị kết nối internet của 164 quốc gia trên thế giới, trong đó có 300 nghìn thiết bị tại Việt Nam. Nguy cơ nhiễm mã độc, virus từ các thiết bị cá nhân của Việt Nam đứng hàng cao nhất thế giới với 73,8%; có 61% máy tính cá nhân ở Việt Nam nhiễm mã độc so với tỉ lệ trung bình 19% của thế giới, đây là điều đáng báo động về an toàn, an ninh thông tin của nước ta. (iv) Các cuộc tấn công mạng có chủ đích không chỉ chiếm quyền kiểm soát, phá hoại các mục tiêu, công trình quan trọng về kinh tế, an ninh quốc gia như sân bay, bến cảng, hệ thống điện quốc gia…mà còn chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật…để phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động phạm tội. Vì vậy, phòng chống tấn công mạng, khủng bố mạng được Luật quy định chặt chẽ về các hành vi tấn công mạng, hành vi có liên quan đến hành vi tấn công mạng, khủng bố mạng; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan như chủ quản hệ thống thông tin, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, doanh nghiêp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet…đặc biệt Luật quy định rõ rách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban cơ yếu Chính phủ chủ trì trong các tình huống phòng chống tấn công mạng, khủng bố mạng (tại các Điều 19, 20) nhằm ứng phó có hiệu quả khi có tình huống xảy ra.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình về an ninh mạng, Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành Trung ương và ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tại các Điều 36, 37, 38, 39, 40); doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng (Điều 41) và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng (Điều 42).

Ngoài ra, Luật cũng quy định rõ các điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ an ninh mạng, bao gồm lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng, nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về an ninh mạng; ngân sách đảm bảo hoạt động bảo vệ an ninh mạng; giải thích một số từ ngữ, cụm từ ngữ, đảm bảo thống nhất nhận thức trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Luật An ninh mạng được ban hành có ý nghĩa rất lớn, góp phần nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị và nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ an ninh mạng, an ninh quốc gia trong kỷ nguyên số. Tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành để từng bước thiết lập trật tự, kỷ cương để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường không gian mạng tuân theo pháp luật, xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh, phòng chống tội phạm, đấu tranh với các hoạt động chống phá tư tưởng, phá hoại nội bộ, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng Việt Nam và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Nguyễn Tiến Sinh
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh


Các tin khác


Khởi tố Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.

Huyện Lạc Thủy: Chủ động trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Những năm qua, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được huyện Lạc Thủy chủ động triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc quản lý nhà nước, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Công an huyện Cao Phong: Nắm chắc địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự

Những năm qua, với vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Công an huyện Cao Phong luôn chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Công an huyện Kim Bôi xử lý nhóm thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng

Đêm 13/4, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông, trật tự - Công an huyện Kim Bôi trong quá trình tuần tra kiểm soát phát hiện một nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm cầm theo hung khí nguy hiểm (dao phóng lợn) đi theo tuyến đường 12B từ xã Tú Sơn đến thị trấn Bo (Kim Bôi) gây hoang mang cho người đi đường và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Nâng cao chất lượng kiểm sát án dân sự

Những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh quan tâm đổi mới công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân - gia đình (HNGĐ). Đồng thời, nâng cao chất lượng phát biểu của kiểm sát viên (KSV) tại phiên tòa, bảo đảm đúng pháp luật.

Tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản

Là địa bàn có nhiều loại tài nguyên khoáng sản (TNKS) có giá trị, thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác quản lý TNKS và khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh được tăng cường, từng bước đi vào nền nếp. Từ đó góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự cũng như đem lại hiệu quả KT-XH cho địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục