(HBĐT) - Nhận được tin nhắn SMS từ hệ thống SmartBanking của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ngân hàng Agribank) tới số điện thoại vừa mua, Hà Công Hiếu (sinh năm 1995) trú tại xóm Hịch 1, xã Mai Hịch (Mai Châu) đã nảy sinh ý định và thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền 40 triệu đồng của người khác thông qua ứng dụng giao dịch điện tử...

Mất tiền vì... chủ quan

Ngày 14/1/2018, chị Đào Thị Lĩnh có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Quảng Xương (Thanh Hoá) mang thẻ giao dịch ngân hàng cá nhân đến cây ATM tại Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Quảng Xương để rút tiền thì bất ngờ phát hiện toàn bộ số tiền 40 triệu đồng có trong tài khoản thẻ "tự dưng biến mất”. 

Bất ngờ trước sự việc này, chị Lĩnh đã điện thoại thông báo cho chị Vũ Thị Hiền là người trước đây đã chuyển nhượng thẻ ATM này cho chị sử dụng từ năm 2016. Nhận được tin báo, bản thân chị Vũ Thị Hiền cũng bất ngờ và hoang mang không kém. Bởi chị Hiền cũng không biết số tiền trong tài khoản thẻ ATM do chị Lĩnh giữ và sử dụng tại sao lại biến mất. Trong khi đó, khi chuyển nhượng giao thẻ, chị Lĩnh đã thay đổi mật khẩu để giao dịch và cũng không tiết lộ cho người thứ 2. Chị Vũ Thị Hiền cho biết: Khi nhận được điện thoại của chị Lĩnh thông báo về vụ việc, bản thân tôi cũng rất bất ngờ và vô cùng hoang mang khi không hiểu tại sao số tiền trong tài khoản thẻ ATM do chị Lĩnh đang giữ lại bị mất như thế. Trong khi thẻ thì chị Lĩnh không đưa cho ai mượn, mật khẩu đăng nhập khi giao dịch thì do chị Lĩnh tự cài đặt và chỉ có một mình chị biết.

Trước sự việc trên, sau khi tham khảo ý kiến của những người xung quanh, chị Đào Thị Lĩnh và chị Vũ Thị Hiền cùng nhau đến phòng giao dịch Chi nhánh Agribank huyện Quảng Xương để xác minh, làm rõ thông tin ai đã thực hiện hành vi rút trộm số tiền trong tài khoản thẻ ATM do chị Đào Thị Lĩnh đang sử dụng. Tại đây, sau khai rà soát lại hoạt động giao dịch trên hệ thống lưu trữ của Ngân hàng tất cả đều giật mình khi biết thủ phạm là người xa lạ, không quen biết. Quá trình giao dịch, rút tiền từ tài khoản thẻ ATM được đối tượng này thực hiện thông qua hệ thống ứng dụng điện tử SmartBanking bằng số điện thoại 0168667xxxx. Số điện thoại này trước đây là của chị Vũ Thị Hiền. Trong quá trình thực hiện giao dịch, mở tài khoản thẻ ATM có số tài khoản 55062050xxxxx với ngân hàng, chị Hiền đã đăng ký dịch vụ ứng dụng thông báo tài khoản thẻ ATM vào số máy này. Trong quá trình sử dụng, chị Hiền đã làm mất sim số điện thoại 0168667xxxx nhưng do chủ quan, không thông báo cho phía Ngân hàng biết để ngừng gửi tin nhắn SMS thông báo thông tin giao dịch. Sau đó, chị Hiền đã nhượng quyền sử dụng thẻ ATM có số tài khoản 55062050xxxxx cho chị Đào Thị Lĩnh sử dụng từ năm 2016.

Về phía nhà mạng, khi thấy số điện thoại 0168667xxxx trong thời gian dài không còn hoạt động, giao dịch nên đã đưa vào tái sử dụng. Đến khoảng tháng 11/2017, Hà Công Hiếu mua lại sim điện thoại số 0168667xxxx để sử dụng. Trong quá trình sử dụng số điện thoại này, Hiếu đã nhiều lần nhận được  thông tin SMS từ hệ thống SmartBanking của Ngân hàng về hoạt động giao dịch của số tài khoản 55062050xxxxx. Từ những thông tin đó, Hà Công Hiếu đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền có trong số tài khoản này.



Chỉ vì tham tiền của người khác, Hà Công Hiếu đã phải nhận bản án thích đáng về hành vi "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.



Bài học thích đáng cho người bị hại và kẻ có lòng tham

Đáng nói, sau khi bị phát hiện hành vi "rút ruột” tài khoản dù nhiều lần chị Đào Thị Lĩnh và chị Vũ Thị Hiền gọi điện yêu cầu Hà Công Hiếu trả lại số tiền đã chiếm đoạt. Thế nhưng, Hiếu không những không trả mà còn cố tình bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Sự việc đã được trình báo Công an huyện Mai Châu. Chỉ đến khi Công an huyện Mai Châu ra quyết định truy nã Hà Công Hiếu mới đến cơ quan Công an đầu thú.

Tại cơ quan CSĐT, đối tượng khai nhận, trong quá trình sử dụng số điện thoại 0168667xxxx đã nhận được 4 tin nhắn của Ngân hàng Agribank với nội dung cộng số tiền 40 triệu đồng vào tài khoản 55062050xxxx. Hiếu đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền trên. Để chiếm đoạt số tiền đó, Hiếu đã đăng ký các thông tin cá nhân với nhà mạng rồi tải ứng dụng Agribank SmartBanking về điện thoại của mình, đăng nhập ứng dụng. Do không biết mật khẩu, Hiếu đã vào mục "Quên mật khẩu” để lấy lại mật khẩu. Sau khi có được mật khẩu, Hiếu đã đăng nhập vào ứng dụng để "chuyển khoản” nhưng không thực hiện được. Do vậy, Hiếu vào mục "nạp tiền điện thoại” để chuyển tiền vào tài khoản số điện thoại của mình. Do mỗi ngày chỉ mua được 4 mã thẻ, mỗi mã mức tối đa là 500.000 đồng, nên trong khoảng thời gian từ ngày 22/12/2017 đến ngày 10/1/2018, Hiếu đã thực hiện khớp lệnh chuyển khoản 80 lần để mua 80 mã thẻ, rút hết số tiền 40 triệu đồng. Sau đó, Hiếu bán các mã thẻ này lấy tiền chi tiêu cá nhân.
Hành vi của Hà Công Hiếu đã phạm vào tội "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”  được quy định tại điều 51, điều 290 Bộ luật Hình sự. Với hành vi trên, TAND huyện Mai Châu đã xử phạt Hà Công Hiếu mức án 18 tháng tù. Mới đây, tại phiên toà phúc thẩm, sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án và gia đình bị cáo đã bồi thường cho người bị hại; người bị hại có đơn xin giảm hình phạt cho bị cáo... Hội đồng xết xử TAND tỉnh đã chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, sửa một phần bản án Sơ thẩm, tuyên phạt Hà Công Hiếu mức án 9 tháng tù.

Theo thẩm phán Trần Thị Oanh, Chủ toạ phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án Hà Công Hiếu, hành vi phạm tội của bị cáo chỉ mang tính chất giản đơn, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây cũng đã trở thành bài học đắt giá cho cả người bị hại và bị cáo. Chính sự chủ quan của phía người bị hại đã tạo điều kiện để bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là bài học, sự cảnh tỉnh cho người dân khi thực hiện giao dịch tài chính thông qua các ứng dụng điện tử. Bởi chỉ một sơ xuất nhỏ cũng sẽ gây ra những hậu quả lớn... 

 M.H


Các tin khác


Vận động thành công người dân tự giao nộp khẩu súng săn trị giá hàng chục triệu đồng

Công an huyện Cao Phong vừa vận động thành công 1 người dân tự nguyện giao nộp 1 khẩu súng săn loại PCP trị giá khoảng trên 20 triệu đồng.

Lĩnh 4 năm tù vì mâu thuẫn do tranh chấp ngư trường

Chiều 16/4, tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Quốc Nam (40 tuổi, cư trú xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) 4 năm tù về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178, Bộ luật Hình sự.

Cảnh báo đồ chơi nguy hiểm có tên “bom thối”

Công an huyện Tân Lạc cho biết, thông qua công tác nắm tình hình, Công an xã Tử Nê đã phát hiện 5 học sinh trường Tiểu học và THCS Tử Nê đặt mua trên mạng và sử dụng một loại đồ chơi nguy hại có tên là "bom thối".

Khởi tố Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng

Ngày 15/4, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.

Luật sư của cựu Chủ tịch Vimedimex giao nộp hơn 80 bộ tài liệu, chứng cứ cho Tòa

Sau phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan cùng 10 bị cáo khác trong vụ án sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở Đông Anh (Hà Nội) do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở ngày 9/4, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Loan đã giao nộp cho Hội đồng xét xử hơn 80 bộ tài liệu, chứng cứ có liên quan trong vụ án.

Công an tỉnh thực hiện lời di huấn của Bác Hồ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh. Người để lại cho lực lượng Công an nhân dân nhiều di huấn quý báu, trong đó có bức thư gửi đồng chí Giám đốc Công an Khu 12, ngày 11/3/1948. Trong thư Người chỉ rõ: Tư cách người Công an cách mệnh là: Đối với tự mình phải: Cần, kiệm, liêm, chính; đối với đồng sự phải: Thân ái, giúp đỡ; đối với Chính phủ phải: Tuyệt đối trung thành; đối với nhân dân phải: Kính trọng, lễ phép; đối với công việc phải: Tận tụy; đối với địch phải: Cương quyết, khôn khéo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục