(HBĐT) - Tính đến hết tháng 7, trên địa bàn tỉnh xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 43 người chết, bị thương 40 người. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 9 vụ, 6 người chết, 1 người bị thương. Kết quả phân tích TNGT đường bộ cho thấy, tuyến quốc lộ và tỉnh lộ là 2 tuyến đường gây tai nạn nhiều nhất, trong đó, tuyến quốc lộ xảy ra 38 vụ, làm 32 người chết, 30 người bị thương; tỉnh lộ xảy ra 4 vụ, làm 4 người chết, 4 người bị thương. Đây cũng là 2 tuyến đường tồn tại và phát sinh nhiều vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.


Nhiều đoạn cua nguy hiểm trên đèo Thung Khe (Mai Châu) được mở rộng nền đường, bổ sung các biển báo hiệu và lắp tường lốp ô tô nhằm cảnh báo, giảm thiểu nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông qua quốc lộ 6.

Thực trạng điểm đen tai nạn giao thông

Địa hình miền núi, hiện trạng các tuyến đường bộ nhỏ hẹp, quanh co là nguyên do tồn tại hàng trăm điểm tiềm ẩn TNGT đường bộ (bán kính cong nhỏ, khuất tầm nhìn). Một số vị trí sau thời gian dài khai thác thường xuyên xảy ra tai nạn, được xác định là điểm đen TNGT.

Theo kết quả rà soát, tổng hợp từ Công an tỉnh và các đơn vị quản lý đường bộ, UBND các huyện, thành phố, tại các tuyến quốc lộ còn 4 điểm đen TNGT đang tồn tại. Cụ thể, trên tuyến quốc lộ 6, tại km 121+00 đến km 121+820 thuộc xóm Thung Khe, xã Thành Sơn (Mai Châu); km 98+300 đến km 99+00 thuộc xóm Khang, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc). Trên tuyến quốc lộ 12B, tại km 28+100 đến km 28+750 và km 86+850 đến km 87+100 thuộc địa bàn huyện Tân Lạc. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tại km 501+100 đến km 501+800 thuộc địa bàn huyện Lạc Thủy. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và các địa phương cũng xác định và lập hồ sơ hàng năm đối với hàng chục điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến đường. Với quốc lộ 6 tại các vị trí: km 50+900, km 78+700, km 124+700, km 126+100, km 129+700, km 135+200, km 141+200, km 144+900, km 146+200; đường Hồ Chí Minh tại km 464+790, km 489+700, km 496+600; quốc lộ 12B tại km 53+700, km 68, km 80+200, km 93+50; quốc lộ 21 tại km 74+200, km 82; quốc lộ 15 tại km 01 và km 20; đường 12B tại km 14, km 25; quốc lộ 70B tại km 133+900, km 37+600.

Đồng chí Vũ Xuân Đông, Trưởng Phòng Pháp chế - An toàn (Sở GTVT) cho biết: Để xác định vị trí điểm đen, vị trí tiềm ẩn TNGT dựa vào tiêu chí đánh giá. Đối với điểm đen, tình hình tai nạn xảy ra trong 1 năm (12 tháng) có 2 vụ TNGT có người chết, hoặc 3 vụ TNGT, trong đó có 1 vụ có người chết; 4 vụ tai nạn trở lên nhưng chỉ có người bị thương. Về điểm tiềm ẩn TNGT xác định thuộc một trong các trường hợp: hiện trạng công trình đường bộ, khu vực tổ chức giao thông và xung quanh vị trí có yếu tố gây mất an toàn giao thông (ATGT); xảy ra 5 vụ va chạm trở lên, hoặc có ít nhất 1 vụ tai nạn nhưng chỉ có người bị thương.

Tăng cường các giải pháp xử lý điểm đen

Góp phần kiềm chế TNGT trên cung đường huyết mạch lên các tỉnh Tây Bắc, trong 2 năm (2019-2020), Cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành đầu tư và hoàn thành thi công đường lánh nạn tại các khu vực đèo dốc thuộc TP Hòa Bình, các huyện Mai Châu, Tân Lạc. Sự xuất hiện của những con đường lánh nạn được bố trí hợp lý đã phát huy tác dụng, góp phần giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra, "cứu cánh" cho lái xe nếu gặp phải sự cố nguy hiểm lúc đổ đèo. Ngoài ra, nhiều điểm cua, cua gấp, cua khuất trên tuyến quốc lộ 6 qua địa phận TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu được xử lý, cải thiện hạ tầng.

Tuy nhiên, qua rà soát, tổng hợp, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 25 điểm đen TNGT, điểm nguy cơ TNGT trên các tuyến quốc lộ, có một số điểm đen vừa bổ sung danh sách phát sinh mới. Dự kiến kinh phí thực hiện phương án xử lý các điểm đen khoảng 31 tỷ đồng. Đối với tuyến tỉnh và đường huyện, điểm nguy cơ TNGT xuất hiện tại nhiều vị trí và khó được khắc phục, bởi đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn. Do vậy, giải pháp hiện nay là ưu tiên đối với những vị trí cấp thiết.


Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự  (Công an TP Hòa Bình) kiểm tra việc tuân thủ quy định lái xe an toàn trên quốc lộ 70B đi hướng xã Yên Mông.

Theo đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh, nhằm giảm thiểu sự xuất hiện của các điểm đen, các điểm tiềm ẩn TNGT, Sở GTVT tích cực chỉ đạo các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng đường bộ thường xuyên cắm bổ sung hệ thống biển cảnh báo để người tham gia giao thông chú ý giảm tốc độ, hạn chế TNGT. Với các vị trí đặc biệt nguy hiểm, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý. Giải pháp chủ yếu là bạt taluy dương, mở rộng nền đường, sơn gờ giảm tốc, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ... Tính từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức xử lý điểm đen tại các vị trí: cầu Hàng Trạm tại km 44+370, quốc lộ 12B; nút giao km 70+700, quốc lộ 6; km 3+050, tuyến T (Khoang - Nội); km 6+800, tuyến C. Xử lý các điểm tiềm ẩn TNGT tại các vị trí: km 3+580, km 10+800, km 11+950, km 12+850 trên đường tỉnh 440.

Có một thực tế đáng ghi nhận là các vị trí điểm đen sau khi được xử lý xong đã "xóa sổ" TNGT. Bên cạnh việc khắc phục, xử lý điểm đen để đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông an toàn, thuận lợi, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường thực hiện tuyên truyền, nâng cao ý thức của Nhân dân, từ việc tham gia giao thông đến bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Mỗi người khi tham gia giao thông phải chú ý đi đúng làn đường, đúng tốc độ, cự ly cho phép, không phá hoại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, không xây dựng trái phép, lấn chiếm hàng lang an toàn đường bộ... Mặt khác, cần xác định và xóa bỏ các vị trí nguy hiểm trên đường bộ ngay từ bước đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường bộ, hạn chế các trường hợp khi tuyến đường được đưa vào khai thác mới phát hiện và xử lý các điểm đen TNGT. Từng bước hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ, tăng cường tính cảnh báo, thay thế, bổ sung tại các vị trí cần thiết để đảm bảo ATGT.

Bùi Minh


Nhóm ý kiến: 


Đường lánh nạn đã cứu hàng chục vụ mất phanh, mất lái trên tuyến quốc lộ 6 địa phận Hòa Bình

Gần đây nhất ở thời điểm 2h ngày 25/7, xe khách BKS 36B - 02.473 đổ đèo Thung Khe (Mai Châu) tốc độ cao, do rà phanh nhiều, nóng phanh dẫn đến phanh mất tác dụng. May mắn, nhờ chân đèo có đường cứu nạn tại km 116+900 xã Phú Cường (Tân Lạc) để lao vào nên toàn bộ lái xe, hành khách và phương tiện được an toàn. Như vậy, kể từ năm 2019 đến nay, nhờ có giải pháp này mà 14 vụ xe mất phanh, mất lái, lái xe không làm chủ được tốc độ trên tuyến quốc lộ 6 thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình được cứu, giúp giảm thiểu thiệt hại tối đa, đặc biệt không có vụ nào chết người.

Tại tuyến đường huyết mạch này hiện có 5 đường cứu nạn được đầu tư xây dựng, với tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng, gồm 2 đường thuộc đèo Thung Khe, 1 đường trên dốc Phú Cường (Tân Lạc), 2 đường thuộc dốc Cun (TP Hòa Bình). Cũng với nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT, đến nay, tại tuyến đã ưu tiên nguồn lực đầu tư khoảng 85 tỷ đồng xóa 7 điểm đen TNGT, 4,5 tỷ đồng trang bị hệ thống ATGT và 25 tỷ đồng xử lý ngập úng.

 

Phạm Văn Toản

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ I.1

 


Phụ nữ tham gia tuyên truyền, xây dựng mô hình đảm bảo an toàn giao thông

Tình trạng người dân bám mặt đường làm nhà, buôn bán, sinh hoạt, họp chợ trên địa bàn huyện Tân Lạc còn diễn ra khá phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ TNGT tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Chưa kể hàng ngày, nhiều loại phương tiện từ xe đạp, xe máy, đi bộ cho đến những loại xe sơ mi rơ moóc, container di chuyển chung trên tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 12B.

Tích cực tham gia cùng với các ngành, các cấp trong công tác đảm bảo ATGT của địa phương nói chung, trên các tuyến đường giao thông trọng điểm nói riêng, Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, chủ động phối hợp thành lập mô hình điểm "Cổng trường ATGT". Bên cạnh đó, lồng ghép hoạt động phong trào của Hội, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua giao lưu văn nghệ, xây dựng mô hình, tổ chức tuyên truyền tới các hộ dân không lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ để buôn bán, kinh doanh, họp chợ... Từ đó, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tham gia giao thông của người dân. Đặc biệt, ở một số Hội trực thuộc như Hội LHPN thị trấn Mãn Đức, các xã Phong Phú, Phú Cường, Tử Nê..., phong trào và các mô hình phụ nữ tham gia đảm bảo hành lang ATGT đang được nhân rộng và phát huy hiệu quả.

Bùi Minh Hồng

Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Lạc


Cần lắp đặt tín hiệu đèn giao thông để giảm thiểu tai nạn tại điểm đen ngã ba Đông Dương

Huyện Lương Sơn còn tồn tại 1 điểm đen là ngã ba Đông Dương, thị trấn Lương Sơn. Ban ATGT huyện đã báo cáo UBND tỉnh, Cục Đường bộ Việt Nam khảo sát và xem xét.

Tại vị trí này thường xuyên xảy ra các vụ va chạm do tình trạng giao thông hỗn độn, không theo tổ chức, người tham gia giao thông phóng nhanh, rẽ đường tùy tiện. Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 3 vụ va quệt, làm hư hỏng tài sản và có người bị thương. Vì thế, cần thiết lắp đặt tín hiệu đèn giao thông, sơn vạch kẻ đường để phân chia vị trí, làn đường, chỉ hướng đi, chỉ dẫn và cảnh báo giao thông cho người và phương tiện. Ngoài ra, trên địa bàn còn một số vị trí tiềm ẩn TNGT đáng chú ý, gồm: nút giao Bãi Lạng, Chợ Bến, UBND xã Trung Sơn phía giáp Nhà máy xi măng Trung Sơn (nay thuộc xã Liên Sơn).

Thực tế trước đây, sau khi xóa điểm đen tại cổng KCN Lương Sơn bằng việc lắp đặt tín hiệu giao thông, mở rộng cua đường, tình hình ATGT tại khu vực này cải thiện rõ rệt, giao thông được điều tiết, rèn ý thức cho người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của huyện còn gặp khó khăn trong việc kiểm soát, xử lý vi phạm tại các tuyến đường Hồ Chí Minh và trục quốc lộ 6. Nhất là đường Hồ Chí Minh, nhiều lái xe điều khiển phương tiện trên tuyến đường này đi với tốc độ cao, dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn. Để giảm bớt vi phạm trên đường Hồ Chí Minh, tiến tới cần lắp đặt hệ thống camera phạt nguội, ít nhất tại các điểm ngã tư để hình thành thói quen, ý thức quan sát, giảm tốc độ cho người tham gia giao thông.

Đinh Duy Hưng

Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lương Sơn


Nhiều vụ tai nạn tại điểm đen do lái xe thiếu kỹ năng và không thạo đường

Các điểm đen thường xuất hiện tại vị trí đường đèo, dốc, điển hình tại khu vực dốc Cun (TP Hòa Bình), dốc Quy Hậu (Tân Lạc), đèo Thung Khe (Mai Châu). Đây cũng là những cung đường từng gây ra những vụ TNGT thương tâm, thảm khốc trên tuyến quốc lộ 6.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Mai Châu xảy ra 8 vụ TNGT ở khu vực đèo Thung Khe. Trong đó, 7 vụ tai nạn đều là người từ các địa phương khác. Phân tích nguyên nhân gây tai nạn một phần do đường cua, dốc, trơn trượt, còn lại chủ yếu do lái xe không quen đường, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm lái xe lên dốc, đổ đèo. Có một số vụ do lái xe không chú ý quan sát, vượt ẩu dẫn đến TNGT.

Khuyến cáo lái xe có lộ trình đi trên các tuyến đường đèo dốc cần tìm hiểu rõ điều kiện địa hình, đặc điểm đường sá. Điều khiển phương tiện trên những đoạn đường đồi núi dễ xảy ra tai nạn do địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, nhiều đoạn gấp khúc, người lái cần hết sức chú ý quan sát, kiểm tra kỹ thuật phương tiện và tuân thủ các quy định, quy tắc tham gia giao thông, các thao tác điều khiển... để hành trình được đảm bảo an toàn, góp phần hạn chế những vụ TNGT đáng tiếc, gây thiệt hại về tài sản, cũng như gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông.

Bạch Ngọc Hải

Đội phó Đội Xử lý - Tuyên truyền - Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh).


Các tin khác


Huyện Mai Châu đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Theo đánh giá, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT - TTATXH) trên địa bàn huyện Mai Châu trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 tiếp tục được giữ vững, ổn định. Trên địa bàn huyện không phát sinh đơn thư, khiếu nại vượt cấp, không xảy ra "điểm nóng” phức tạp về ANTT. Tuy nhiên, tình hình di dịch cư tự do tại khu vực Suối Rằm xã Cun Pheo còn tiềm ẩn phức tạp. Qua nắm tình hình đã phát hiện phát sinh thêm 1 hộ, 6 nhân khẩu. Hiện tại khu vực Suối Rằm còn 20 hộ với 123 nhân khẩu di dịch cư tự do.

Công an huyện Cao Phong giữ vững danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”

Là địa bàn nằm trên quốc lộ 6 nối Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc, huyện Cao Phong có nhiều thuận lợi trong việc thông thương hàng hoá, thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số điểm nóng, nhất là hoạt động trung chuyển ma tuý diễn biến phức tạp, thủ đoạn manh động, liều lĩnh. Một số loại tội phạm về cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản... vẫn diễn ra gây bức xúc dư luận.

Trộm hơn 100 tấn cám của doanh nghiệp nước ngoài, 7 lái xe phải hầu tòa

Ngày 14/3, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Nguyễn Đức Luân (SN 1978), Lê Văn Thông (SN 1977) cùng trú tại xã Nam Phú An, huyện Chương Mỹ (Hà Nội); Hoàng Văn Linh (SN 1988), trú tại thị trấn Lương Sơn; Bùi Quang Huy (SN 1988), trú tại xã Mông Hóa (TP Hòa Bình); Đinh Văn Cường (SN 1986), trú tại huyện Nho Quan (Ninh Bình); Đoàn Quốc Khánh (SN 1987) và Đinh Xuân Thành (SN 1990), trú tại xã Tân Vinh (Lương Sơn) về tội trộm cắp tài sản.

Chém bạn nhậu tổn hại 22% sức khỏe, bị cáo lĩnh 9 năm tù

Ngày 15/3, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Bùi Thanh Hải (SN 1982), trú tại xã An Bình (Lạc Thủy) về tội "Giết người”.

Hiệu quả từ phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến

Với mục tiêu "Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa”, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện, trong đó có nội dung tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến hai cấp nhằm đánh giá những ưu điểm, hạn chế của kiểm sát viên (KSV) trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự.

Huyện Yên Thủy, Lạc Sơn: 240 phụ nữ nòng cốt được tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình

Trong tháng 2, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện Yên Thủy, Lạc Sơn tổ chức 8 lớp tập huấn nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình cho 240 hội viên phụ nữ nòng cốt và người dân trên địa bàn 4 xóm thực hiện dự án của 2 huyện là: Lạc Thịnh, Đoàn Kết (Yên Thủy) và Hương Nhượng, Định Cư (Lạc Sơn).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục