(HBĐT) - Kịp thời phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa âm mưu chống phá của địch và bè lũ phản động tay sai; bảo vệ tuyệt đối an toàn tuyến đường vận chuyển lương thực, kho tàng, hàng vạn dân công từ Liên khu III, Liên khu IV ngày đêm chuyển hàng hóa đến Hòa Bình tập kết và từ Hòa Bình chuyển ra tiền tuyến; bảo vệ an toàn những nơi hành quân, đóng quân của bộ đội, nơi tập kết vũ khí, khí tài, đạn dược... Đó chính là những đóng góp nổi bật, chiến công thầm lặng của lực lượng Công an Hòa Bình cho tiền tuyến, chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.


Gắn bó với Nhân dân, lấy Nhân dân làm điểm tựa... đã giúp lực lượng Công an Hòa Bình xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân.

Là một chiến sỹ của Ty Công an Hòa Bình, từng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các tuyến đường vận chuyển lương thực, thuốc men, vũ khí cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Trần Văn Lộc, nguyên Phó giám đốc Công an Hà Sơn Bình nhớ lại: Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Với vị trí đặc biệt quan trọng, là hậu phương, vùng giải phóng nối liền các tỉnh Liên khu III, Liên khu IV với tiền tuyến, Hòa Bình trở thành điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa lương thực, thuốc men, hậu cần vũ khí từ các tỉnh Liên khu III, Liên khu IV lên các tỉnh Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Thực hiện nhiệm vụ đó, Tỉnh ủy xác định đây là nhiệm vụ, trọng trách hết sức nặng nề. Do vậy đã giao nhiệm vụ cho các lực lượng. Trong đó, giao lực lượng công an đẩy mạnh công tác phòng, trừ gian; giữ gìn bí mật, bảo vệ tốt các tuyến giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến dịch; làm trong sạch địa bàn, đập tan âm mưu phá hoại của bọn gián điệp, biệt kích do thám, phản động... Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Ty Công an Hòa Bình đã thành lập Ban Công an tiền phương trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ hoạt động của các lực lượng, các ngành tham gia chiến dịch; bảo vệ dân công, kho tàng, các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội.

Ty Công an Hòa Bình đã làm tốt công tác nắm tình hình địch, phát động sâu rộng phong trào "phòng gian, bảo mật” trong quần chúng nhân dân. Chủ động phối hợp các lực lượng khác bảo vệ hàng vạn dân công từ các tỉnh thuộc Liên khu III, Liên khu IV ngày đêm vận chuyển hàng hóa đến Hòa Bình; bảo vệ an toàn những nơi hành quân, đóng quân của bộ đội, nơi tập kết vũ khí, khí tài, đạn dược. Từ việc bám địa bàn, nắm chắc tình hình, lực lượng Công an Hòa Bình đã kịp thời phát hiện và giải quyết dứt điểm, hiệu quả 2 vụ liên quan đến dân công. Trong đó, có đoàn hơn 1.000 người đi từ km46 về Suối Rút và một đoàn gồm hơn 200 người ở Mãn Đức bị bọn phản động kích động trên đường. Lực lượng Công an đã kịp thời bắt giữ những tên chủ mưu, cầm đầu; động viên, tuyên truyền, vận động toàn bộ số dân công bị xúc giục, kích động quay trở lại tiếp tục phục vụ chiến dịch.

"Trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch, một số nơi trên địa bàn bọn phản động cho rằng thời cơ đến đã ngóc đầu dậy chống lại chính quyền, tăng cường hoạt động tuyên truyền, rải truyền đơn tung tin thất thiệt, xuyên tạc cuộc kháng chiến của Nhân dân ta, đe dọa sẽ tiến công đánh chiếm Hòa Bình lần thứ 3 nhằm gây hoang mang trong Nhân dân. Cùng với đó, địch tăng cường tung gián điệp, biệt kích vào Hòa Bình để điều tra nắm tình hình nơi đóng quân của ta, nhằm phá hoại kho tàng, giao thông vận tải... phục vụ cho kế hoạch bao vây tấn công của chúng. Đứng trước những nhiệm vụ và yêu cầu cấp bách đặt ra, Ty Công an Hòa Bình khẩn trương triển khai phương án bảo vệ các tuyến đường 6, 12, 21, 24; thành lập các trạm kiểm soát ở bến phà, Vụ Bản, sông Bôi, thị xã Hòa Bình, chợ Bờ; cử các đội công tác cùng các đoàn của tỉnh xuống huyện, tổ chức hướng dẫn quần chúng nhân dân học tập những nội dung, biện pháp phòng trừ gian, giữ bí mật, tập trung ở những địa bàn trọng điểm, nơi có kho tàng, lực lượng bộ đội hành quân, đóng quân, nơi tập kết" - ông Trần Văn Lộc nhớ lại. Cùng với các hoạt động "bảo mật, phòng gian” đã triển khai, Ty Công an Hòa Bình còn thành lập các trạm kiểm soát cửa khẩu ra vào vùng địch, vùng giáp ranh bị địch uy hiếp. Đồng thời, tiến hành kiểm tra hành chính người lạ mặt, quản lý chặt chẽ hàng cơm, quán trọ hai bên đường. Cùng với đó, lực lượng Công an phối hợp bộ phận quân nhu, hậu cần quân đội kiểm tra, lựa chọn những người giữ kho có lý lịch trong sạch, rõ ràng, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn kho tàng, trạm trung chuyển. Các đồn, trạm công an phối hợp bộ đội, dân quân du kích thiết lập vành đai, thường xuyên tuần tra canh gác xung quanh khu vực kho, kịp thời phát hiện bọn phá hoại và chống cháy nổ. Ty Công an còn phối hợp Cục Bảo vệ quân đội tiến hành "làm trong sạch nội bộ”, đảm bảo nguyên tắc "vũ khí nằm trong tay người tin cậy”. Lực lượng Công an vận động quần chúng nhân dân thực hiện khẩu hiệu "3 không”, giữ bí mật, che phòng cho bộ đội; tổ chức tuần tra canh gác phát hiện do thám, gián điệp. Nhờ vậy, lực lượng Công an đã tiêu diệt và bắt hầu hết các toán gián điệp biệt kích do địch tung xuống điều tra phá hoại cầu cống, bến phà, trục đường, phương tiện vận chuyển của ta; phá thành công nhiều vụ gián điệp ẩn nấp hoạt động điều tra về giao thông, chỉ điểm cho máy bay địch ném bom bắn phá. Tiêu biểu như tháng 1/1953, Pháp tung nhiều toán biệt kích nhảy dù xuống Cao Phong nhưng đều bị lực lượng công an phối hợp với quân đội và nhân dân truy quét bắt gọn. Hay như ngày 17/3/1953, đưa một trung đoàn từ Xuân Mai tiến lên thị xã Hòa Bình, cuộc hành quân này như một cuộc tập kích. Do nắm được tình hình và âm mưu của địch nên khi chúng vừa vào đến thị xã Hòa Bình bị lực lượng quân đội, công an, dân quân du kích phối hợp bao vây chặn đánh quyết liệt, buộc quân địch đã phải rút chạy.

Cũng nhờ đẩy mạnh phong trào "bảo mật phòng gian”, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều tin tức có giá trị cho lực lượng Công an điều tra khám phá, đập tan nhiều tổ chức phản động ở Quỳnh Lâm (thị xã Hòa Bình), Nật Sơn (Kim Bôi), Yên Quang, Tiến Xuân (Lương Sơn), An Bình, Khoan Dụ (Lạc Thủy); bắt gọn toán biệt kích ở Yên Mông, Phú Cường, Thạch Yên (Kỳ Sơn), Bãi Khoai, Thanh Nông (Kim Bôi). Cùng với đó khám phá nhiều vụ án, bắt hàng trăm tên tội phạm hình sự. Kịp thời trấn áp, bắt một số tên khác, ổn định tình hình Nhân dân làm cơ sở đẩy mạnh công tác phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với đó làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối và phục vụ chiến dịch một cách hiệu quả. Công an Hòa Bình phối hợp Công an các tỉnh lân cận mở hội nghị bàn về các biện pháp bảo vệ an ninh chính trị trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua đó, đã trao đổi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam, mở đầu cuộc công kích vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, yêu cầu phục vụ mặt trận lúc này càng khẩn trương, với khối lượng công việc ngày càng nhiều. Lực lượng Công an cùng các lực lượng công binh, thanh niên xung phong ngày đêm thường trực tổ chức tốt công tác bảo vệ giao thông, sẵn sàng gỡ phá bom nổ chậm, sửa chữa cầu, đường bị địch phá hỏng... nhằm bảo đảm giao thông thông suốt trong bất kỳ tình huống nào. "Trải qua 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không sờn” đầy gian khổ, hy sinh, chiều 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn... Trong chiến thắng vĩ đại ấy có sự đóng góp nhỏ bé, thầm lặng nhưng quan trọng của lực lượng Công an Hòa Bình. 

Mạnh Hùng

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng

Thời gian qua, lực lượng Công an toàn tỉnh liên tiếp phát hiện, ngăn chặn nhiều nhóm đối tượng thanh, thiếu niên (TTN) điều khiển phương tiện không chấp hành quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mang theo hung khí nguy hiểm gây rối trật tự công cộng (TTCC). Điều này gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đâu là nguyên nhân và làm gì để quản lý, giáo dục, phòng ngừa tội phạm vi phạm pháp luật (VPPL) trong TTN?

Tìm người bị hại trong vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”

Ngày 25/4, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh cho biết, đơn vị hiện đang điều tra vụ án "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”, xảy ra trên địa bàn tỉnh theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ-ANĐT-Đ2 ngày 14/02/2024.

Phường Thống Nhất cần sớm giải quyết dứt điểm trường hợp xây dựng lấn chiếm đất

Qua đường dây nóng, Báo Hòa Bình nhận được thông tin kiến nghị của bà Đỗ Thị Dung, trú tại xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ); đại diện hộ ông Đỗ Văn Tuận và bà Nguyễn Thị Liễu, tổ 6, phường Thống Nhất đề nghị UBND phường Thống Nhất và các cơ quan chức năng TP Hòa Bình giải quyết dứt điểm việc hộ ông Vũ Công Tuyên xây dựng nhà xưởng trái phép, lấn chiếm đất của các hộ giáp ranh ở thửa đất tại tổ 6, phường Thống Nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục