Thời gian gần đây, tình trạng phát tán tin nhắn trên mạng xã hội có nội dung tuyển dụng việc làm với thù lao hậu hĩnh đang diễn biến phức tạp. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo làm việc online "việc nhẹ, lương cao” là một thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng. Thế nhưng, không ít lao động, đặc biệt là những lao động trẻ như học sinh, sinh viên vẫn… "sập bẫy".
Ảnh minh hoạ: moneycrashers
Với nhu cầu tìm việc làm thêm, anh Nguyễn Văn Tuấn (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lên mạng xã hội để lựa chọn công việc phù hợp. Thấy hấp dẫn trước lời chào mời của nhóm "Tìm việc làm AEON MALL Long Biên và các khu vực lân cận", anh Tuấn nhắn tin tới số điện thoại 0968785604 của chủ tài khoản bài viết. Sau đó, anh Tuấn được người này nhận tuyển làm cộng tác viên. Người này hứa hẹn, công việc của anh là chốt đơn hàng online trên phần mềm của công ty. Với mỗi đơn hàng chốt được, anh Tuấn sẽ được hưởng 20% hoa hồng giá trị đơn hàng.
"Toàn bộ liên hệ giữa tôi và người này đều qua tin nhắn zalo. Người này gửi cho tôi một đường link cài đặt app chốt đơn online. Họ hướng dẫn tôi đăng nhập, đăng ký số tài khoản rồi bảo tôi phải liên kết tài khoản ngân hàng và nạp tiền vào tài khoản trên phần mềm này để chốt đơn. Nhiệm vụ của tôi là phải chốt ít nhất 5 đơn hàng/ngày. Nếu tôi không làm đủ 5 đơn, sẽ không rút được tiền, đồng nghĩa với việc tôi sẽ mất trắng số tiền mình bỏ vào”, anh Nguyễn Văn Tuấn kể với phóng viên TTXVN.
Ban đầu, anh Nguyễn Văn Tuấn chỉ cần nạp số tiền vài chục ngàn đồng để làm nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành 5 đơn hàng đầu tiên với tổng số tiền 150.000 đồng, anh Tuấn đã rút cả vốn lẫn lãi là 190 nghìn đồng. Thấy kiếm tiền dễ, anh Tuấn tiếp tục nạp 1,2 triệu đồng để chốt đơn thứ 6 rồi đơn thứ 7, đơn thứ 8 với số tiền nạp vào app tăng lên. Đến đơn hàng thứ 9, số tiền anh Tuấn bỏ ra lên tới 20 triệu đồng. Lúc này, nghi ngờ mình bị lừa đảo, anh Tuấn nhắn tin cho tư vấn viên viên là muốn rút tiền.
"Nhưng tôi không rút tiền ra được. Họ yêu cầu tôi phải hoàn thành nốt đơn thứ 10, rồi làm thêm hai đơn nữa mới rút được. Trong khi đó, số tiền tôi nạp vào tài khoản là 41.338.000 đồng. Tiếp tục gọi cho họ để rút tiền ra, họ lại lấy lý do số tiền lớn, phải chuyển khoản qua ngân hàng. Họ yêu cầu tôi cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục giải ngân. Khi gửi bản chụp thẻ căn cước công dân như yêu cầu, họ lại yêu cầu tôi nộp thuế Thu nhập cá nhân với số tiền là 14.468.300 đồng mới hoàn trả lại tiền. Lúc này, tôi biết mình bị lừa đảo nên đã làm đơn trình báo, tố giác hành vi của các đối tượng này tới Cơ quan Công an”, anh Nguyễn Văn Tuấn bức xúc nói.
Cũng nhận ra bị lừa đảo với cùng thủ đoạn tương tự là anh L.H. (trú tại Hải Phòng). Cuối tháng 11/2022, anh được một đối tượng lạ gọi điện chào mời tham gia công việc online qua ứng dụng Telegram với nhiệm vụ follow người dùng trên ứng dụng Tiktok. Anh H. làm theo và nhận được thù lao ban đầu là 100.000 đồng. Ngày hôm sau, anh được thông báo chuyển sang nhiệm vụ cao hơn là follow kèm chuyển khoản đến số tài khoản của đối tượng lừa đảo để nhận "hoa hồng".
Tuy nhiên, sau khi anh H. chuyển khoản, các đối tượng lại nạp tiền vào website cá độ rồi yêu cầu anh phải làm theo để nhận lại số tiền gốc và hoa hồng. Anh H. làm theo, lại có yêu cầu chuyển khoản tiếp để hoàn thành lần lượt với số tiền từ 5 triệu đồng, 15 triệu, 40 triệu đến 100 triệu đồng. Đến lần yêu cầu thực hiện nhiệm vụ với số tiền lên tới 200 triệu đồng, anh L.H mới nhận thấy đây là hành vi lừa đảo nên đã dừng lại. Nhưng lúc này, tổng số tiền anh đã chuyển khoản 160 triệu đồng.
Đừng để "ném lao phải theo lao"
Trước chiêu trò "việc nhẹ, lương cao” của các đối tượng, không khó để thấy, điểm chung của thủ đoạn này bắt đầu bằng việc tiếp cận những người có nhu cầu làm việc tại nhà, làm việc online bằng những chiêu quảng cáo trên mạng xã hội hoặc nhắn tin, gọi điện trực tiếp mời gọi người tham gia. Các công việc được các đối tượng dùng để bẫy người tham gia thường là những công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không yêu cầu kỹ năng chuyên môn hay máy móc thiết bị đặc biệt, nhưng lại đem lại thu nhập cao, thù lao trả ngay trong ngày.
Sau khi các con mồi sập bẫy, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ "làm nhiệm vụ", thường bắt đầu bằng các nhiệm vụ rất đơn giản như tăng tương tác cho một kênh xã hội nào đó qua các ứng dụng hoặc website trung gian. Sau nhiệm vụ đầu tiên, người tham gia sẽ nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để tạo niềm tin.
Tiếp đó, các đối tượng sẽ đưa ra các gói nhiệm vụ có giá trị cao tương đương với mức hoa hồng nhận được cũng cao hơn. Người dùng sẽ buộc phải mua các gói nhiệm vụ cao hoặc giới thiệu người cùng tham gia để có thể rút tiền khiến nạn nhân có tâm lý "ném lao phải theo lao". Sau khi người tham gia mua những gói nhiệm vụ có giá trị rất lớn hoặc nhận ra mình có dấu hiệu bị lừa đảo, các app, website sẽ liên tục báo lỗi hoặc ngừng hoạt động, các đối tượng lừa đảo cũng "biến mất".
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thiếu tá Bùi Quang Tùng, Phó đội trưởng Đội 10, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã tiếp nhận rất nhiều tin báo tố giác tội phạm của người dân phản ánh bị các đối tượng lừa đảo thông qua việc tuyển dụng việc làm online. Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý đối với các bài đăng, quảng cáo hoặc tin tuyển dụng trên các mạng xã hội về việc tuyển cộng tác viên online làm việc cho các công ty. Phần lớn các tin bài này có tính chất mạo danh. Do đó, người dân cần đặc biệt chú ý khi tham gia vào hoặc tương tác với các bài đăng này.
"Trong quá trình tuyển dụng, người dân phải xác minh rõ thông tin về công ty, thông tin về nhân viên mà mình đang tương tác. Tuyệt đối thận trọng khi thực hiện giao dịch chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tác cung cấp, đặc biệt là đối tác đưa ra nhiều thông tin của nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, hoặc của các cơ quan tổ chức có tên chủ tài khoản ngân hàng không trùng với tên chủ tài khoản của đơn vị đối tượng đang mạo danh công ty đó”,.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, hiện nay, nhu cầu việc làm của người lao động là cao, đặc biệt là đối với lực lượng lao động trẻ như học sinh, sinh viên. Đánh vào lòng tham của con người "việc nhẹ, lương cao", sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin đã xảy ra tình trạng lừa đảo thông qua tư vấn giới thiệu việc làm online.
Theo ông Vũ Quang Thành, các kênh giới thiệu việc làm qua mạng rất đa dạng, người tìm việc không lường hết được hoạt động tinh vi của các đối tượng lừa đảo, nhiều bạn trẻ tìm hiểu không kỹ lưỡng, ham lợi nhuận cao ban đầu rất dễ mắc bẫy.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đưa ra cảnh báo, đối với người lao động, để tìm kiếm việc làm thêm cần tìm hiểu thật kỹ về công ty, đơn vị, doanh nghiệp mà mình dự kiến xin vào, tìm hiểu tính chất công việc, vị trí việc làm, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xoay quanh vị trí việc làm đó. Tìm hiểu, kiểm tra pháp nhân của doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, chế độ, quyền lợi, cách thức ký hợp đồng... tìm hiểu rõ ràng, minh bạch rất quan trọng.
"Hiện nay, hệ thống đơn vị làm về lĩnh vực lao động việc làm, các sàn giao dịch việc làm, các đơn vị chính thống hỗ trợ tư vấn đầy đủ tính chất công việc, vị trí việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng, chế độ... cung cấp cho người lao động đầy đủ thông tin, tránh gặp phải rủi ro trong tìm kiếm việc làm", ông Vũ Quang Thành cho hay.