Huyện Lạc Sơn có 24 đơn vị hành chính, diện tích đất tự nhiên trên 58.700 ha, chiếm 12% diện tích toàn tỉnh. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp trên 50.075 ha; đất phi nông nghiệp trên 8.360 ha; đất chưa sử dụng khoảng 257 ha.
Huyện Lạc Sơn công khai quy hoạch khu tái định cư hồ Khả, xã Quý Hòa.
Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Sơn đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết về tăng cường công tác quản lý đất đai (QLĐĐ), tài nguyên khoáng sản, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2020 - 2023. Trên cơ sở đó, UBND huyện ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quy định của pháp luật về đất đai và giải phóng mặt bằng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện.
Huyện đã hoàn thành lập quy hoạch SDĐ thời kỳ 2021 - 2030. Việc lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ được triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện các công trình, dự án đảm bảo theo đúng quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Huyện thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 391/QĐ-TTg về quản lý chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp, hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực.
Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ từng bước hiệu quả. Năm 2022, huyện đã giao đất cho 11 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích 8.054.1 m2. Người SDĐ đã tuân theo quy định của pháp luật về nộp tiền SDĐ, tiền thuế thu nhập và lệ phí trước bạ từ việc thực hiện các quyền của người SDĐ. Các dự án được giao đất, cho thuê đất sử dụng đúng mục đích, không để lãng phí tài nguyên đất, phát huy được mục đích SDĐ của từng loại hình dự án. Huyện tăng cường thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tổng số dự án thực hiện thu hồi đất từ năm 2020 đến ngày 31/3/2023 là 42 dự án, 3.515 hộ bị thu hồi đất với diện tích thu hồi 746,66 ha. Đến nay, việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn huyện đạt trên 97%, tạo điều kiện cho người SDĐ có giấy tờ hợp pháp để thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật, đặc biệt là kết quả cấp giấy chứng nhận làm cơ sở giúp cho công tác QLĐĐ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Giai đoạn 2020 - 2023, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức đấu giá quyền SDĐ để giao đất có thu tiền SDĐ diện tích 60.409,87 m2 cho 6 tổ chức tại các xã bảo đảm các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai. UBND huyện chỉ đạo lập kế hoạch thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã 16 cuộc về việc quản lý, SDĐ; chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra 36 cuộc, xử lý vi phạm hành chính 7 vụ, số tiền 123 triệu đồng. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra cho thấy, việc chuyển đổi mục đích SDĐ, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án được thực hiện cơ bản đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác QLĐĐ của huyện Lạc Sơn còn những hạn chế như: Sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn của huyện với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và chính quyền địa phương chưa thật sự đồng bộ, kịp thời. Việc quản lý quy hoạch, kế hoạch SDĐ tại một số xã chưa chặt chẽ, vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm quy hoạch như lấn chiếm đất đai, không SDĐ, SDĐ không đúng mục đích, chuyển mục đích SDĐ trái pháp luật. Tình trạng mua bán, chuyển nhượng quyền SDĐ trái phép và chuyển nhượng tại các khu vực quy hoạch thực hiện dự án đầu tư còn xảy ra; việc san lấp mặt bằng đất đai trái phép tại một số địa phương chưa được ngăn chặn kịp thời...
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: UBND huyện đang tăng cường chỉ đạo các giải pháp QLĐĐ, tài nguyên khoáng sản. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm đổi mới, nâng cao nhận thức của tổ chức và Nhân dân về công tác QLĐĐ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện việc quản lý, SDĐ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo việc SDĐ hợp lý, hiệu quả. Quản lý tốt quy hoạch, kế hoạch SDĐ giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo chất lượng, dự báo được nhu cầu SDĐ cho các ngành, lĩnh vực, có tầm nhìn dài hạn. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước ở cơ sở trong việc phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm để xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền...
Hương Lan