(HBĐT) - Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên đưa ra cảnh báo về thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS), tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động LĐCĐTS, nhất là tội phạm LĐCĐTS trên không gian mạng (KGM) trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp với chiều hướng tăng cả số vụ, tính chất, mức độ và hậu quả.

  

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh làm việc với đối tượng Hoàng Thị Hồng Yến, trú tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội. 

Những cú lừa "trăm triệu”

Đến giờ chị Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Kế toán Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình vẫn không quên vụ việc kịp thời ngăn chặn thành công vụ LĐCĐTS. Theo đó, trong quá trình giao dịch, chị Hà phát hiện một nữ khách hàng đến ngân hàng gửi tiền mà không hề biết người nhận tiền. Giao dịch chuyển tiền chỉ qua trao đổi trên mạng internet với người đàn ông quốc tịch Anh. Nghi là giao dịch bất thường, có dấu hiệu lừa đảo qua mạng, ngay lập tức chị khoá lệnh, đồng thời báo cho Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh về trường hợp có dấu hiệu bất thường này. Tại cơ quan công an, nữ khách hàng cho biết tên là Nguyễn Thị N.C, trú tại xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình). Quá trình hoạt động trên mạng xã hội (MXH) facebook, một người đàn ông quốc tịch Anh tên là Moris Randy chủ động kết bạn với chị. Sau một thời gian liên lạc, biết chị khó khăn về tài chính, Moris Randy hứa gửi cho chị 655.000 USD để giải quyết khó khăn, khi nào sang Việt Nam đầu tư làm ăn sẽ lấy lại. Một thời gian sau Moris Randy thông báo gửi số tiền trên cho chị, tuy nhiên chị C. phải gửi 23 triệu đồng (khoảng 1.000 USD) vào tài khoản Moris Randy chỉ định để trả cước phí. Rất may vụ việc đã được ngăn chặn kịp thời.

Không may mắn như chị Nguyễn Thị N.C, thời gian qua, nhiều người đã trở thành nạn nhân của tội phạm LĐCĐTS trên KGM. Điển hình như vụ đối tượng có nick name Mark Jonhson chủ động kết bạn với chị Bùi T. P., trú tại xã Bảo Hiệu (Yên Thủy). Sau một thời gian liên lạc làm quen, biết chị P. gặp khó khăn về kinh tế, đối tượng hứa giúp chị 20 triệu USD và yêu cầu chị chuyển tiền phí vận chuyển, phí chống rửa tiền. Chị P. đã chuyển 348,325 triệu đồng. Sau đó tiền thì không thấy đâu, đối tượng cũng mất tăm. Hoặc như trường hợp của chị Hà T. H., giáo viên ở xã Vân Sơn (Tân Lạc) bị các đối tượng không quen biết trên MXH facebook lừa đảo nhiều lần thông qua giới thiệu việc mua bán hàng online chiếm đoạt tổng số tiền 120 triệu đồng...         

Khó đấu tranh, làm rõ

Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, tội phạm LĐCĐTS, nhất là LĐCĐTS trên KGM rất khó đấu tranh, làm rõ. Đáng chú ý, loại tội phạm này đang có diễn biến phức tạp, chiều hướng gia tăng cả số vụ, tính chất, mức độ.

Theo thống kê, từ năm 2020 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh xảy ra và phát hiện 244 vụ LĐCĐTS, thiệt hại trên 193 tỷ đồng. Hình thức LĐCĐTS trên KGM lực lượng chức năng tiếp nhận, xử lý qua tin báo, tố giác tội phạm 118 vụ, tài sản thiệt hại trên 65,8 tỷ đồng, gồm: 44 vụ giả danh cán bộ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để lừa đảo; 4 vụ kết bạn tặng quà; 23 vụ giả mạo, hack tài khoản MXH; 2 vụ lừa trúng thưởng, bán hàng qua mạng; 18 vụ tuyển dụng việc làm, cộng tác viên bán hàng; 8 vụ góp vốn kinh doanh đa cấp, tiền ảo; 9 vụ vay tiền qua app; các hình thức khác 32 vụ. Hình thức LĐCĐTS truyền thống xảy ra 123 vụ, thiệt hại trên 125 tỷ đồng, gồm: 46 vụ lừa đảo liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản; 17 vụ giả danh chạy việc, dự án; 1 vụ kêu gọi góp vốn đầu tư, kinh doanh phát hành trái phiếu; hình thức khác 59 vụ. Ngoài các hình thức lừa đảo nêu trên, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 3 vụ LĐCĐTS sử dụng KGM có yếu tố nước ngoài, gây thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng.

Mặc dù sau khi phát hiện bị lừa đảo, hầu hết nạn nhân đều có đơn trình báo, tố giác tội phạm gửi đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên công tác đấu tranh, làm rõ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tội phạm sử dụng KGM để LĐCĐTS. Trong số 118 vụ LĐCĐTS trên KGM lực lượng chức năng tiếp nhận, thụ lý giải quyết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã ra quyết định khởi tố hình sự 84 vụ. Quá trình điều tra mới khám phá, làm rõ được 10/84 vụ, chiếm 11,9%; tạm đình chỉ 31/84 vụ; đang điều tra 44/84 vụ. Trong đó, cơ quan CSĐT cấp tỉnh điều tra, truy tố 5 vụ, 11 bị can; tạm đình chỉ điều tra 6 vụ; đang điều tra 12 vụ. Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện truy tố 5 vụ, 6 bị can; tạm đình chỉ 24 vụ; đang điều tra 33 vụ.

Đại tá Trần Mạnh Hải cho rằng, nguyên nhân dẫn đến bị LĐCĐTS trên KGM do ý thức cảnh giác của người dân chưa cao. Mặc dù cơ quan chức năng đã phát đi nhiều cảnh báo, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm nhưng người dân vẫn có tư tưởng hám lợi, không cảnh giác. Công tác đấu tranh gặp khó một phần bởi khi tố giác loại tội phạm này, người tố giác khó cung cấp chứng cứ, hình ảnh, ghi âm, video... chứa thông tin, hành vi phạm tội của đối tượng. Một số bị hại có tâm lý ngại trình bày những nội dung liên quan đến việc mất cảnh giác và thiếu hiểu biết của mình.

Thêm nữa, quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng thường sử dụng số điện thoại không chính chủ, sim rác để gọi điện, nhắn tin, đăng ký tài khoản MXH zalo, telegram, wechat, facebook được tạo lập, quản lý ở nước ngoài. Ngoài ra, đối tượng sử dụng các số điện thoại VoIP (phương thức truyền thông của mạng internet bằng hình thức chuyển mạch gói, chuyển kênh, chuyển vùng đầu số điện thoại khác mã vùng của Việt Nam) để gọi điện lừa đảo; sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng cung cấp cho người bị hại chuyển tiền vào sau đó chuyển đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để chiếm đoạt. Khi thực hiện hành vi LĐCĐTS trên KGM, các đối tượng có thể ở bất cứ đâu, kể cả ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng lại có thể thực hiện hành vi lừa đảo, gây hậu quả ở nhiều địa phương khác. Như đối tượng Lê Thị Kim Hoàn, trú tại 156A Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh cùng một số đối tượng ở nước ngoài giả làm nhân viên sân bay gọi điện lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng của một nạn nhân ở phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).

Để phòng ngừa tội phạm LĐCĐTS sản trên KGM, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nêu cao ý thức cảnh giác, thực hiện tốt "3 không, 3 hãy”, gồm: không chuyển tiền cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, internet mà chưa biết rõ về họ; không cung cấp mã OTP, tài khoản E-Banking cho bất kỳ ai; không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch. Hãy nhớ cơ quan nhà nước không làm việc qua điện thoại, nếu có liên quan sẽ mời đến trụ sở; hãy cảnh giác với cách kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng qua KGM; hãy trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất khi nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm LĐCĐTS...


Mạnh Hùng

Các tin khác


Xã Tòng Đậu từng bước đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy

(HBĐT) - Thời gian qua, Công an xã Tòng Đậu (Mai Châu) tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Tổ chức 11 lớp tuyên truyền kỹ năng phòng cháy, chữa cháy

(HBĐT) - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kỹ năng xử lý tình huống; sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng trong công tác PCCC, 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị chức năng Công an tỉnh phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức 11 lớp tuyên truyền kỹ năng PCCC cho 2.798 người.

6 tháng, toàn tỉnh xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông

(HBĐT) - Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông, làm chết 32 người, bị thương 31 người. So với cùng kỳ năm 2022 xảy ra ít hơn 1 vụ, 1 người chết, nhiều hơn 4 người bị thương.

Đưa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đi vào chiều sâu

(HBĐT) - Sau 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09, ngày 1/8/2013 giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trong tình hình mới, phong trào ngày càng phát triển về chiều sâu và chất lượng, góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuất Hóa nhận tổng mức hình phạt 19 năm tù 

(HBĐT) - Ngày 7/7, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo nguyên là lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã Xuất Hóa và một số cơ quan có liên quan của huyện Lạc Sơn gồm: Đặng Thị Sơn (SN 1971); Bùi Văn Dén (SN 1977); Bùi Văn Hạnh (SN 1965); Bùi Văn Đởn (SN 1962) về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; Trần Thanh Sơn (SN 1977), Bùi Văn Tú (SN 1993), Bùi Thị Dương (SN 1990)  về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Bắt 2 Phó Giám đốc trung tâm đăng kiểm tại Quảng Bình

2 Phó Giám đốc phụ trách 2 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình khởi tố, bắt tạm giam về tội "Nhận hối lộ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục