Người dân bắt cá thể rắn tại khu vực rừng già thuộc địa bàn xã Pà Cò, huyện Mai Châu (ảnh chụp tháng 7/2023).
Ngâm rượu cũng bị bắt
Cũng như Bùi Văn Miên, Trần Ngọc Lan (SN 1976) và Nguyễn Thị Oanh (SN 1979) cùng trú tại xóm Máy 2, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) trên đường vận chuyển 1 cá thể rắn hổ mang chúa về TP Hòa Bình để tiêu thụ đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, bị TAND TP Hòa Bình đưa ra xét xử với tội danh "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”, xử phạt Trần Ngọc Lan 12 tháng tù (treo), Nguyễn Thị Oanh 9 tháng tù (treo).
Thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác đấu tranh, xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Như ngày 22/1/2021, tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy), Phòng Cảnh sát kinh tế - môi trường, Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Lạc Thủy phát hiện, bắt quả tang Đặng Văn Bảy (SN 1969), trú tại xã Yên Bồng (Lạc Thuỷ) vận chuyển trái phép 3 cá thể rắn hổ mang chúa (thuộc nhóm 1B), trọng lượng khoảng 7kg đi tiêu thụ. Tiếp đó, qua công tác nắm tình hình, Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế - môi trường phát hiện trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có đối tượng Bùi Văn Điệp (SN 1980), trú tại xóm Mán có dấu hiệu, biểu hiện tham gia mua bán, vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD). Sau một thời gian theo dõi, tổ công tác Đội 3 phối hợp Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an huyện Lạc Thủy) kiểm tra, bắt giữ xe ô tô do Bùi Văn Điệp điều khiển, phát hiện trên xe chở 6 cá thể động vật loài khỉ hoang dã (đã chết, ướp đá lạnh), thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB. Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bùi Văn Điệp khai nhận mua 6 cá thể ĐVHD để bán cho một khách đặt hàng, đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.
Mới đây, ngày 14/9/2023, từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng chức năng Công an TP Hòa Bình phát hiện, bắt quả tang hai vợ chồng Lê Mạnh Hùng (SN 1972) và Phạm Thị Chuyên (SN 1977), trú tại tổ 1, phường Dân Chủ tàng trữ, mua bán, vận chuyển động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm. Tang vật thu giữ gồm 2 bình rượu ngâm, trong đó, 1 bình ngâm cá thể rắn hổ mang chúa và 1 bình ngâm "cà Sơn Dương” đều thuộc loại ĐVHD, nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ và cấm kinh doanh thương mại. Theo khai nhận của các đối tượng tại cơ quan Công an, 2 bình rượu trên được Lê Mạnh Hùng chở đi bán tại khu vực phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) với giá 13 triệu đồng.
Xử lý nghiêm khắc hành vi mua bán động vật hoang dã
Trên địa bàn tỉnh, ĐVHD và các sản phẩm ĐVHD có nguồn gốc tự nhiên chủ yếu được các đối tượng mua bán, vận chuyển từ nơi khác về để tiêu thụ hoặc trung chuyển đến các địa phương khác. Thượng tá Trần Quốc Hoàn, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế - môi trường, Công an tỉnh cho biết: Qua công tác đấu tranh của lực lượng chức năng, việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD có nguồn gốc tự nhiên được các đối tượng thực hiện tinh vi, nhiều thủ đoạn nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Công tác đấu tranh với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn. Bình quân mỗi năm lực lượng chức năng trong toàn tỉnh chỉ phát hiện, bắt giữ được từ 2 - 3 vụ. Tất cả các vụ việc phát hiện, bắt giữ đều bị xử lý nghiêm, hầu hết bị khởi tố, xử lý trách nhiệm hình sự.
Theo Thẩm phán Lý Thị Đoàn, Thẩm phán TAND tỉnh, thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh đã đưa nhiều vụ án liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD ra xét xử, tuyên hình phạt thích đáng, tương xứng với hành vi, tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo. Tuy nhiên, trên thực tế có khá nhiều người xem nhẹ mức độ hành vi mà mình gây ra. Họ cho rằng, bản thân họ không phải là người săn bắt, giết hại, nuôi nhốt ĐVHD, chỉ sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD thì "vô can”.
Trước thực trạng đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cũng như xử phạt nghiêm vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD, ngày 5/11/2018, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 và 244 - Bộ luật Hình sự. Theo nghị quyết, "nếu cá nhân, tổ chức có hành vi tàng trữ, sử dụng đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan... là những bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của ĐVHD hoặc các sản phẩm của ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm như phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng... cũng được coi là hành vi vi phạm pháp luật và phải được xử lý nghiêm” - Thẩm phán Lý Thị Đoàn nhấn mạnh.
Mạnh Hùng