Các bị cáo vụ án "mua bán hóa đơn trái phép” và "trốn thuế” do Nguyễn Văn Tuấn, trú tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh cầm đầu bị Tòa án nhân dân tỉnh Hoà Bình đưa ra xét xử ngày 21/11/2024.
Thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện
Ngày 21/11/2024, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 16 bị cáo có địa chỉ cư trú ở nhiều địa phương trong cả nước về tội "mua bán hóa đơn trái phép" và "trốn thuế" (MBHĐTP&TT) do Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1988), trú tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh cầm đầu.
Theo đó, qua công tác nắm tình hình quản lý thuế tại Công ty TNHH MTV Chiến Thắng, địa chỉ tại thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) do Lương Văn Chiến làm giám đốc. Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế và hóa đơn trong quá trình hoạt động kinh doanh, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh đã tiến hành điều tra, xử lý, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự MBHĐTP&TT xảy ra tại Hòa Bình và nhiều địa phương trong cả nước. Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can đối với 16 bị can để điều tra về các hành vi MBHĐTP&TT.
Theo Thượng tá Bùi Việt Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh, kết quả điều tra cho thấy, hoạt động của loại tội phạm này có hành vi, thủ đoạn rất tinh vi, khó phát hiện. Lợi dụng các quy định mở của Nhà nước về đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) online, các đối tượng đã sử dụng nhiều giấy chứng minh nhân dân (CMND)/căn cước công dân (CCCD) hoặc giấy CMND/CCCD giả để đăng ký thành lập DN; về phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), khấu trừ thuế GTGT để thực hiện hành vi MBHĐTP&TT. Từ năm 2020 đến tháng 9/2023, các đối tượng đã thành lập 64 công ty "ma” để xuất trái phép 140.024 HĐĐT. Trong đó có 76.561 hóa đơn xuất cho gần 9.000 cơ quan, DN, tổ chức, cá nhân ở 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ chưa thuế ghi trên hóa đơn hơn 3.216 tỷ đồng, gây thiệt hại cho NSNN hàng trăm tỷ đồng tiền thuế. Đồng thời, các đối tượng chiếm hưởng số tiền hàng chục tỷ đồng từ hành vi MBHĐTP&TT.
Thực tế đây không phải là vụ việc mua bán hóa đơn trái phép đầu tiên được phát hiện, xử lý trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2020 đến nay, các cơ quan điều tra, tố tụng của tỉnh đã thụ lý, giải quyết hàng chục tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến vi phạm và tội phạm mua bán hóa đơn trái phép. Điển hình như đầu tháng 4/2023, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện từ tháng 1 - 8/2022, Trần Thị Hằng (sinh năm 1985), trú tại TP Từ Sơn (Bắc Ninh) có hành vi bán hóa đơn trái phép thu lợi hàng tỷ đồng. Để thực hiện hành vi phạm tội, Trần Thị Hằng đã thành lập 3 công ty có trụ sở tại thị trấn Bo (Kim Bôi). Tuy nhiên, cả 3 công ty đều không có tài sản, kho bãi, nhà xưởng, hàng hoá; không phát sinh hoạt động giao dịch, không có hóa đơn hàng hóa mua vào mà chỉ có hóa đơn xuất hàng hoá bán ra. Nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong hoạt động, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra thực tế, phát hiện 3 công ty này xuất 4.457 HĐĐT cho 239 DN, 65 cá nhân với tổng số tiền ghi trên hóa đơn 6.823 tỷ đồng, tiền thuế GTGT 617,5 tỷ đồng. Qua bán số hóa đơn, Trần Thị Hằng thu lời bất chính khoảng 136 tỷ đồng.
Là tội phạm "nguồn” phát sinh các loại tội phạm về kinh tế, chức vụ
Từ kết quả điều tra và qua công tác nắm tình hình, xử lý các vụ án liên quan đến loại tội phạm này, các cơ quan chức năng của tỉnh đã nhiều lần có văn bản kiến nghị về một số giải pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạmliên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN. Như vào tháng 10/2024, từ kết quả điều tra vụ án MBHĐTP& TT nói trên do Nguyễn Văn Tuấn cầm đầu, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) kiến nghị khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội trong công tác phòng, chống tội phạm MBHĐTP&TT, góp phần tăng thu NSNN. Trước đó, năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng có văn bản gửi các cơ quan chức năng kiến nghị một số giải pháp phòng ngừa tội phạm, vi phạm liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN.
Theo Thượng tá Bùi Việt Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh, tính đến nay, sau gần 2 năm triển khai HĐĐT thay hóa đơn giấy truyền thống, 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng HĐĐT. Việc triển khai HĐĐT đã giúp cơ quan thuế có thể xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn để thuận tiện trong khâu truy xuất, tra cứu, góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế. Tuy nhiên, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân phát hành và sử dụng HĐĐT trái pháp luật để gian lận thuế, chiếm đoạt NSNN.
Đáng chú ý, tội phạm này có chiều hướng gia tăng, hành vi mua bán hoá đơn ngày một tinh vi, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Các đối tượng lợi dụng những quy định thông thoáng trong đăng ký kinh doanh để thành lập một hoặc chuỗi DN, hộ kinh doanh (HKD) thông qua việc sử dụng giấy CMND/CCCD của một số người thiếu hiểu biết, hám lợi, bị mất cắp hoặc giả mạo, hoạt động trong một chu kỳ ngắn rồi bỏ trốn, mất tích. Một hình thức khác là dựng những DN sắp phá sản để mua bán hóa đơn (thay đổi người đại diện pháp luật mục đích bán hóa đơn không hợp pháp). Ngoài ra, các đối tượng thành lập DN, HKD nhằm hợp pháp hoá nguồn gốc hàng hóa ghi trên các hóa đơn không hợp pháp, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Sau đó, thông qua các trang mạng xã hội rao bán hóa đơn GTGT của các DN "ma” nhằm thu lợi bất chính.
Liên quan đến vấn đề này, theo đồng chí Vũ Đức Hòa, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đối tượng vi phạm bán hóa đơn thường là chủ HKD, DN sau khi được cơ quan thuế đồng ý cho in hóa đơn hoặc cấp HĐĐT, vì lợi ích cá nhân đã bán khống cho các cơ quan, tổ chức để hợp lý hóa chứng từ thanh quyết toán. Trong khi các giao dịch mua bán không có thật trên thực tế, hoặc có thật nhưng khai tăng giá trị hàng hóa. Những hành vi này là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ khác. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến hoạt động quản lý kinh tế, quản lý NSNN ở địa phương...
Xuất phát từ thực tế trên, để phòng ngừa tội phạm MBHĐTP&TT, các cơ quan tố tụng, điều tra của tỉnh đã kiến nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế đồng bộ, toàn diện; tăng cường kiểm tra sau cấp phép, rà soát việc kê khai thuế đối với DN mới thành lập, HKD thường xuyên xuất hóa đơn nhưng báo lỗ; ngành thuế và các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nắm bắt, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm pháp luật về thuế; phối hợp kiểm tra, xác minh cung cấp thông tin để tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn hành vi vi phạm của người nộp thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để đảm bảo tính minh bạch và ngăn ngừa vi phạm...
Mạnh Hùng
Năm 2024, Thanh tra huyện Lạc Sơn đã thực hiện 3 cuộc thanh tra tại 7 đơn vị theo kế hoạch và 1 cuộc thanh tra đột xuất, gồm: