Ngay sau khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 ngay lập tức đã tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hòa Bình kiểm tra việc thực hiện quy định về nồng độ cồn người tham gia giao thông.
Vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông giảm
Thành phố Hòa Bình là trung tâm của tỉnh, lưu lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường thường có mật độ cao. Thiếu tá Nguyễn Hữu Trường, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT), Công an thành phố Hòa Bình cho biết: Thời điểm trước khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân chưa nghiêm. Nhiều trường hợp chưa tuân thủ các quy định về tín hiệu giao thông như: vượt đèn đỏ, dừng đỗ trái quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên xe mô tô, đi ngược chiều, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông... khá phổ biến. Kể từ khi nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, những vi phạm về TTATGT trên địa bàn thành phố giảm mạnh. Thậm chí có những lỗi vi phạm phổ biến trước đây như vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng... không còn xảy ra. Ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến toàn diện.
Theo thống kê của Công an thành phố Hòa Bình, tính từ ngày 1/1/2025 - 19/1/2025, lực lượng CSGT-TT, Công an thành phố đã phát hiện và lập biên bản 315 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, các vi phạm chủ yếu về nồng độ cồn, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm... Lực lượng chức năng Công an thành phố cũng đã áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung với các trường hợp vi phạm. Trong đó, trừ điểm trên giấy phép lái xe (GPLX) đối với 6 trường hợp (trừ 2 điểm đối với 2 trường hợp, trừ 4 điểm đối với 3 trường hợp, trừ 6 điểm đối với 1 trường hợp); tước quyền sử dụng GPLX đối với 65 trường hợp.
Theo Thượng tá Bùi Phương Nghị, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh, những chuyển biến tích cực này cũng đã và đang diễn ra ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đáng kể nhất là những vi phạm phổ biến trước đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông như: vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều; vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng... đã giảm mạnh hoặc không còn. Ý thức chấp hành quy định pháp luật của người tham gia giao thông chuyển biến tích cực, tự giác chấp hành tín hiệu đèn giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT...
Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông được nâng lên
Theo đánh giá của Phòng CSGT, Công an tỉnh, sau khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã bố trí 421 tổ tuần tra kiểm soát với 3.402 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, phát hiện và lập 1.364 biên bản, xử phạt trên 5,6 tỷ đồng. So với thời gian liền kề trước, số vi phạm được phát hiện và lập biên bản giảm 105 trường hợp (7,14%), số phương tiện bị tạm giữ giảm 165 phương tiện (20,7%), số GPLX bị tước giảm 153 giấy (63,22%). Trong đó, nổi bật là vi phạm về nồng độ cồn phát hiện, lập biên bản xử lý 297 trường hợp, giảm 61 trường hợp (17%); người điều khiển phương tiện không có GPLX 391 trường hợp, giảm 92 trường hợp, bằng 19% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là các vi phạm bị xử lý với mức phạt tăng gấp nhiều lần, nghiêm khắc hơn so với các quy định trước đó. Chia sẻ về vấn đề này, nhiều người dân cho biết, với mức phạt các lỗi vi phạm TTATGT được quy định theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP đều tăng mạnh, bản thân mỗi người đều phải có ý thức hơn trong việc tuân thủ nghiêm, triệt để các quy định.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình chia sẻ: Tôi đồng tình với các quy định mới về mức xử phạt vi phạm TTATGT đường bộ theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP. Với mức xử phạt nghiêm khắc, tin rằng mỗi người khi tham gia giao thông sẽ có ý thức hơn và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đảm bảo TTATGT.
Tuy vậy, một số người dân cho rằng, để các quy định mới hợp lòng dân, các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có giải pháp thực hiện, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện nay, một số nơi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, bất cập nên việc thực hiện các quy định về TTATGT của người dân có thời điểm vẫn còn lúng túng.
Anh Đào Văn Anh, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình chia sẻ: Tôi ủng hộ các quy định mới về xử lý vi phạm TTATGT theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP. Song người dân chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng nghiên cứu, có giải pháp xây dựng đồng bộ, thống nhất hệ thống tín hiệu đèn giao thông. Thực tế, một số nơi trên địa bàn thành phố Hòa Bình các cột đèn tín hiệu giao thông vẫn chưa được trang bị bộ đếm thời gian; một số tuyến đường, ngã ba có tín hiệu đèn giao thông vẫn chưa được sơn, kẻ vạch đã gây nhiều lúng túng cho người dân khi tham gia giao thông.
Mạnh Hùng
Nhân được tin báo của quần chúng nhân dân, chiều 16/1, tại Khu Bo, thị trấn Bo (Kim Bôi), tổ công tác Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hòa Bình chủ trì phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma tuý, Công an huyện Kim Bôi và Công an thị trấn Bo kiểm tra bắt quả tang Bùi Ngọc Sơn, sinh năm 1994, trú tại thị trấn Bo đang tàng trữ pháo tự chế trái phép.
Ngày 17/1, đoàn công tác Quân khu 3 do Thiếu tướng Bùi Công Chức, Phó Chính uỷ Quân khu làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), chuẩn bị huấn luyện, xuất ngũ, quản lý, duy trì kỷ luật và đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh.
Theo thông tin từ Bộ CHQS tỉnh, sau khi trục vớt toàn bộ 18 đầu đạn pháo tồn sót sau chiến tranh được phát hiện tại trụ T8, cầu Hòa Bình (phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình), các đơn vị chức năng đã hủy nổ an toàn ngay trong buổi sáng 17/1.
Chiều 17/1, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị đánh giá tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ khi triển khai Luật TTATGT đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Tham dự có lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh và thường trú trên địa bàn tỉnh.
Ngày 16/1, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo: Hà Văn Tăm (SN 1959), Xa Viết Xuân (SN 1957), Lò Văn Lại (SN 1979) đều nguyên là cán bộ xã Tân Minh, huyện Đà Bắc bị Tòa án nhân dân huyện xét xử sơ thẩm về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 4/CĐ-TTg ngày 16/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025.