Để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã có nhiều tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm và những giải pháp cần thực hiện trong thực tế.

 

Tình hình vi phạm, tội phạm chống người thi hành công vụ nói chung, theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trong 5 năm qua (2005-2009) đã xảy ra 3.526 vụ, làm chết 20 người, bị thương 1.983 người, số vụ xảy ra năm sau lại cao hơn năm trước.

Một số địa phương có số vụ xảy ra nhiều là Hà Nội 379 vụ, Nghệ An 260 vụ, TP HCM 197 vụ, Kiên Giang 196 vụ, Hải Phòng 145 vụ, Đồng Nai 144 vụ, Bình Thuận 125 vụ, Thanh Hóa 105 vụ… Một số địa phương xảy ra ít (dưới 20 vụ) là Hòa Bình, Ninh Bình, Lai Châu và Điện Biên. Lực lượng bị đối tượng chống lại cao nhất là Công an phường, thị trấn, đồn, trạm, Công an xã (chiếm 44%); CSGT chiếm 23%.

Không chùn tay, ứng xử đúng pháp luật

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm chống người thi hành công vụ, chống trả lực lượng Cảnh sát đang làm nhiệm vụ nhìn chung được lãnh đạo Công an các cấp quan tâm chỉ đạo, các đoàn thể có liên quan phối hợp giải quyết. Cơ quan Công an đã điều tra khám phá 3.313 vụ (đạt tỉ lệ 94%), xử lý hình sự chiếm tỉ lệ 70%. Tuy vậy, tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ, chống lại lực lượng Cảnh sát đang làm nhiệm vụ vẫn diễn biến phức tạp. Công an xã, phường, thị trấn, đồn trạm bị tấn công nhiều hơn. Đáng chú ý là bị chống đối khi xử lý vi phạm giao thông, vi phạm trật tự công cộng. Điều đó cho thấy sự phức tạp về trật tự đô thị và trật tự an toàn giao thông.

Khi lực lượng Cảnh sát giải quyết các vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng thì đối tượng gây án rất manh động và liều lĩnh. Số vụ đối tượng chống trả lại các lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế không nhiều song tính chất phạm tội hết sức nguy hiểm và hậu quả rất nghiêm trọng.

Theo tổng kết của Tổng cục Cảnh sát, những nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chậm được phát hiện và giải quyết. Phim ảnh bạo lực cũng ảnh hưởng tới lối sống đạo đức của một bộ phận giới trẻ, khi bị đối tượng xấu lôi kéo dễ bị kích động dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. Trình độ hiểu biết, nhận thức pháp luật của một số người dân còn thấp nên không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp có tiền án tiền sự, truy nã, số đối tượng bị nhiễm HIV có tư tưởng bất cần đời, một số đối tượng phạm tội khi đang sử dụng chất kích thích không làm chủ được bản thân. Với bọn tội phạm ma túy, do siêu lợi nhuận, khung hình phạt rất nghiêm khắc nên khi bị bắt giữ chúng chống trả đến cùng…

Một số nguyên nhân nữa là, khi truy bắt đối tượng nguy hiểm nhiều khi cán bộ, chiến sĩ chủ quan mất cảnh giác, kế hoạch vây bắt còn sơ sài, quá trình giải quyết vụ việc chưa cương quyết và khôn khéo, chưa thực hiện đầy đủ quy trình công tác nghiệp vụ, chưa tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân.

Một số trường hợp xử lý chưa đảm bảo khách quan, thiếu dân chủ không đúng trình tự pháp luật. Sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể với lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở một số nơi chưa chặt chẽ và đồng bộ, Công an còn đơn phương trong giải quyết những vụ việc phức tạp.

Có nơi, uy tín và khả năng vận động thuyết phục quần chúng của lực lượng thi hành công vụ còn hạn chế, có lúc tác phong của cán bộ chiến sĩ thiếu nghiêm túc, thậm chí có biểu hiện hách dịch, chưa linh hoạt và khéo léo đã gây phản cảm, bất bình dễ dẫn đến hành vi chống đối.

Có cán bộ chiến sĩ Công an trình độ pháp luật, nghiệp vụ còn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ còn thiếu và lạc hậu nên khi sử dụng trong khi thi hành công vụ không uy hiếp tức thì được đối tượng.

Hành lang pháp lý chưa đủ mạnh để bảo vệ cán bộ, chiến sĩ sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nên có sự chùn tay (sợ làm người chết, sợ vi phạm pháp luật). Trong khi đó, các chế tài pháp luật về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ còn nhẹ, do đó tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung còn hạn chế.

Những giải pháp nhằm ngăn chặn trong thời gian tới

Để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã có nhiều tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm và những giải pháp cần thực hiện trong thực tế.

Cần phải tuyên truyền giáo dục pháp luật sâu rộng đến tận cơ sở để người dân nắm vững pháp luật.

Lực lượng Công an xã Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) vận động quần chúng tham gia phong trào BVANTQ.  

Khi tiến hành vây bắt, khám xét, cưỡng chế đối tượng phải có kế hoạch cụ thể, lường trước các tình huống và trang bị vũ khí công cụ hỗ trợ cần thiết. Mối quan hệ giữa lực lượng Công an cơ sở với các ban, ngành cần thít chặt tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng chống tội phạm chống người thi hành công vụ.

Khi tiến hành giải quyết vụ việc, nhất là các vụ việc có liên quan đến quyền lợi của nhân dân, cán bộ thi hành công vụ phải có thái độ đúng mực, đúng tư thế lễ tiết tác phong, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giải thích cặn kẽ. Nếu nơi nào có tụ tập đông người cần bố trí tăng cường lực lượng, nắm chắc tình hình, giải tán đám đông.

Trong quá trình điều tra vụ án chống người thi hành công vụ cần khẩn trương thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, bảo đảm khách quan, nghiêm minh, bình đẳng trước pháp luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần sớm đưa những vụ án điểm, có tính chất nghiêm trọng ra xét xử công khai với mức án nghiêm khắc để răn đe đối tượng và rút kinh nghiệm chủ động phòng ngừa.

Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm yêu cầu Công an các địa phương cần làm tốt công tác điều tra cơ bản, phát hiện những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tham mưu đề xuất với chính quyền các cấp tập trung giải quyết dứt điểm, triệt để tận gốc nguyên nhân, điều kiện phát sinh mâu thuẫn. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nhận rõ tính chất quyết liệt, phức tạp trong cuộc đấu tranh, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động trong công tác.

Mỗi cán bộ chiến sĩ cần thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy CAND, thường xuyên chấn chỉnh lễ tiết tác phong, phong cách ứng xử có văn hóa, chống mọi biểu hiện tiêu cực trong khi thi hành công vụ. Các quy trình công tác chặt chẽ đối với từng lực lượng, phương án, không để xảy ra sơ hở thiếu sót để đối tượng lợi dụng tấn công lại. Các đối tượng cần được phân loại để quản lý, làm sao để mỗi người dân nhận thức rõ hành vi của mình.

Trang bị phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng, đặc biệt chú trọng ở Công an quận, huyện, phường, xã, thị trấn, đồn trạm và lực lượng CSGT, CS113 đề xuất bổ sung kịp thời như súng, khóa số 8, găng tay chống dao, áo chống đạn… nhằm phục vụ tốt hơn cho lực lượng CSND trong chiến đấu tránh được thiệt hại về người và tài sản.

Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt: Tôn trọng dân, nhưng kiên quyết đấu tranh với những hành vi chống Cảnh sát

Với Cảnh sát giao thông quan trọng là văn hóa ứng xử trong khi thi hành công vụ, cán bộ chiến sĩ khi đi làm phải tôn trọng người dân, tư thế tác phong nghiêm và vẫn có uy. Để rèn luyện được tác phong làm việc văn minh nghiêm khắc, vừa phải gần gũi với dân, vừa tạo khoảng cách với người vi phạm. Nói về thái độ của CSGT khi làm nhiệm vụ, mỗi người mỗi tính, có người điềm đạm, có người hay nóng tính. Đôi khi thái độ của CSGT một phần cũng do tác động từ người tham gia giao thông, nhiều người đã vi phạm còn không chấp hành, thậm chí chống đối. 

Chúng tôi thấy rằng, thái độ của CSGT khi xử lý vi phạm là rất quan trọng. Có ý kiến cho rằng, CSGT ở nước ta làm việc rất vất vả, ý thức người dân lại chưa cao, nhiều người coi việc vượt mặt Cảnh sát là "oai" hơn người. Trong hoàn cảnh ấy, với các chiến sĩ trẻ kinh nghiệm xử lý chưa nhiều nên đôi khi giải quyết cứng nhắc, muốn tóm ngay người vi phạm, gây ra những vụ rượt đuổi trên đường hết sức nguy hiểm và hành vi chống người thi hành công vụ cũng là điều dễ hiểu.

Để CSGT gần dân hơn và dân cảm thấy thoải mái hơn khi bị phạt thì CSGT cần phải nghiêm, cương quyết nhưng thái độ mềm mỏng, nhẹ nhàng giải thích để người dân cũng cảm thấy thoải mái khi bị… xử lý. Rồi họ sẽ cảm thấy, việc xử lý của CSGT là tốt cho bản thân mình nên tự nguyện.

Có những Cảnh sát trẻ thì nói năng thiếu lễ độ và có khi đứng túm tụm ở một nơi khuất để bắt "vi phạm" chứ chưa chú ý đến việc điều tiết giao thông mới là việc chính. Cần phải xây dựng văn hóa giao thông, để mỗi CSGT khi tiếp xúc với dân sao cho đúng mực, đúng lễ tiết tác phong, tạo sự tin yêu trong lòng người dân. Mặt khác, cũng cần phải xử lý nghiêm những người vi phạm có hành vi chống lại lực lượng Cảnh sát.

 

                                                                                  Theo  CAND

Các tin khác


Hình thành văn hóa giao thông "đã uống rượu, bia thì không lái xe"

Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 1 người chết, 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023 giảm 80% số vụ (2/10 vụ), giảm 50% số người chết (1/2 người), giảm 72,7% số người bị thương (3/11 người).

Công an huyện Yên Thủy liên tiếp bắt 3 vụ tàng trữ trái phép ma túy

Trong 4 ngày, từ 30/4 - 4/5, Công an huyện Yên Thuỷ liên tiếp bắt 3 vụ, 5 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý. Trong đó, 4 đối tượng cư trú ngoài địa bàn.

Đồng bộ, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực. Để có được kết quả đó là do cấp ủy, chính quyền các cấp đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) một cách quyết liệt, đồng bộ, thống nhất cao từ trên xuống dưới...

Bắt 4 đối tượng tạt sơn vào nhiều xe ô tô

Ngày 4/5, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết đã làm rõ thông tin và bắt 4 đối tượng liên quan đến vụ 6 xe ô tô bị tạt sơn tại phường Định Công.

Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái bị khởi tố, bắt tạm giam

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Bắt cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục