(HBĐT) - Ngày 5/8/1964, giặc Mỹ dùng máy bay đánh phá các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh mở đầu cuộc chiến tranh leo thang miền Bắc. Thời điểm đó, tôi và bạn bè cùng lứa bắt đầu đi học lớp vỡ lòng, nghĩa là đến trường chỉ để làm quen với chữ cái và tập đọc, tập viết. Cả lũ bé loắt choắt, ngoài chiếc túi vải đựng sách, vở, bút, tẩy, còn có một thứ bất ly thân, đó là chiếc mũ rơm. Hôm nào cũng vậy, lúc chuẩn bị đến trường mẹ tôi vẫn nhắc đi, nhắc lại "Mấy đứa nhớ đội mũ nhé, bom bi sợ lắm đấy". Dù chẳng biết bom bi là thế nào nhưng đứa nào cũng răm rắp thực hiện, thậm chí có đứa ngồi trong lớp cũng đội mũ.

 

Thời điểm đó, thứ mà mọi người bắt gặp ở mọi nơi, mọi chỗ là hầm, hào trú ẩn. Dọc theo các tuyến đường, cứ 3 - 4 m lại có một một chiếc hố rộng chừng 70 cm, sâu chừng 1,5m; các gia đình, công sở, trường học đều có ít nhất một chiếc hầm chữ A. Những nơi đông người như cơ quan, đơn vị, trường học còn có hầm bê tông để đảm bảo an toàn hồ sơ, tài liệu quan trọng và phải làm thêm hệ thống giao thông hào mới đủ chỗ để ẩn nấp đề phòng  máy bay Mỹ oanh tạc.

 

Chúng tôi cũng chỉ được học gần nhà năm đầu tiên khi đang ê a ở bậc vỡ lòng. Lên lớp 1 phải đi sơ tán cách xa nhà 4-5 km vào khu vực đường 6 và suối Mán thuộc phường Chăm Mát và Thái Bình bây giờ. Trên đường đi đến trường hay khi đang ngồi trong lớp, cứ nghe tiếng kẻng báo động, tiếng loa truyền thanh: Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch đang vào hướng  thị xã, mọi người khẩn trương tìm nơi trú ẩn và sau đó là tiếng gầm rú của máy bay địch, ai nấy đều nhanh chóng tìm chỗ ẩn nấp. Gần hố nhảy xuống hố, gần giao thông hào thì chạy xuống giao thông hào, gần hầm chui vào hầm và bí quá có thể chui vào cống thoát nước, nhảy vào bụi rậm ở thời điểm đó, khi màn đêm buông xuống, ánh sáng duy nhất cho sinh hoạt của mỗi gia đình và việc học hành của chúng tôi là chiếc đèn dầu. Các cơ quan Nhà nước còn được trang bị thêm chiếc đèn măng xông để phục vụ hội họp. Thời buổi chiến tranh nên chiếc đèn nào cũng có thêm một chiếc mũ che bớt ánh sáng và đương nhiên khi có báo động mọi người, mọi nhà đều vội vã tắt đèn để tránh không làm lộ mục tiêu với máy bay địch như khuyến cáo của chính quyền.

 

Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Tỉnh Hoà Bình đã thành lập BCĐ Phòng không nhân dân, Ban Sơ tán tỉnh và các tổ phá bom, cứu thương, cứu hoả. Sau này, khi nghiên cứu cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh (1954-1975), tôi mới biết, đến cuối năm 1965, toàn tỉnh đã đào đắp được 44.014 hầm cá nhân, xây 150 hầm cất tài liệu, 23.122 hầm tập thể, 198 chiến hào dài 60 km. Riêng thị xã Hoà Bình có 10.265 hầm và 95 chiến hào.

 

Nhớ lại tuổi thơ và những năm tháng chiến tranh, tôi liên tưởng đến tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu. Tác phẩm chứa đựng một dung lượng lớn chặng đường lịch sử 30 năm oai hùng của dân tộc, từ buổi lập nước đến lúc giải phóng toàn bộ đất nước. Chiến tranh, hầu như nhà nào cũng vắng vẻ, đàn ông, thanh niên nam, nữ lên đường nhập ngũ, đi thanh niên xung phong. Bởi vậy, phố xóm hầu như chỉ còn lại người già, phụ nữ, và trẻ nhỏ. Nhà tôi cũng vắng dần, mọi người cũng xa nhau dần. Năm 1965, cha tôi sang chiến trường C (nước bạn Lào). Năm 1973, chị cả tôi cũng lên đường nhập ngũ. Tiễn chị đi, bọn tôi ngơ ngác, còn mẹ  nước mắt ngắn, nước mắt dài vì ngoài mẹ, chị cả là người gánh vác hầu hết mọi việc trong nhà, nhất là trông nom lũ nhỏ lít nhít chúng tôi.

 

Chiến tranh nên dù ở hậu phương nhưng vẫn lo tên bay, đạn lạc. Ứớc mong ở những năm tháng đó của mọi người, mọi nhà là được bình yên và ăn no, mặc ấm. Thời điểm đó, hầu như suốt ngày chúng tôi xoắt xít với các chú bộ đội. Quả đúng là Quân với dân như cá với nước, bộ đội hành quân qua dân sẵn sàng nhường nhà, nhường giường cho bộ đội nghỉ ngơi, nhường bếp, nồi, một phần gạo để bộ đội ấm lòng lên đường ra tiền tuyến. Cũng nhờ thế, chúng tôi được thưởng thức hương vị của những phong lương khô, món quà duy nhất mà người lính có được cho lũ trẻ.

 

Những năm tháng ấy, hệ thống thông tin cũng rất nghèo nàn, báo chí ít và chưa có Đài truyền hình, hầu hết mọi thông tin được tiếp nhận qua Đài phát thanh. Lũ trẻ chúng tôi cũng từng ngày mong ngóng, háo hức đón nhận tin chiến thắng của quân và dân ta qua Đài phát thanh, truyền thanh công cộng. Đông hơn cả là những tối thứ bảy, mọi người xúm xít dưới cột loa để cùng hồi hộp lắng nghe chương trình Kể chuyện cảnh giác. Ngày 30/4/1975, cũng từ hệ thống Đài phát thanh mọi người, mọi nhà cùng náo nức, mừng vui khôn tả khi nghe tin miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Bỗng chốc từ già đến trẻ đều nhớ và hát vang bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

 

Chiến tranh đã lùi xa, sau đại thắng mùa xuân năm 1975, giang sơn đã thu về một mối. Nhưng ai cũng hiểu, để có được thắng lợi vẻ vang và cuộc sống ngày càng phồn vinh, hạnh phúc như ngày hôm nay, biết bao cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh xương máu, nêu cao khí phách anh hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Riêng tỉnh ta trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã có 5.270 người anh dũng hy sinh tại các chiến trường, 2.090 thương binh, 1.332 bệnh binh nặng đóng góp một phần xương máu của mình cho Tổ quốc. Những hy sinh, cống hiến lớn lao ấy, những tấm gương anh dũng ấy sống mãi với nhân dân ta, với Đảng ta, với thế hệ hôm nay và mai sau.

 

 

 

 

                                                       Hồi ký của  Đức Phượng

 

 

 

Các tin khác


Công an huyện Lương Sơn làm rõ 9 thanh thiếu niên mang hung khí vào Hòa Bình đánh nhau

Công an huyện Lương Sơn cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại quốc lộ 21A đoạn qua UBND xã Thanh Cao, tổ công tác Công an huyện phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển 5 xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, cầm theo một số thanh kim loại khoảng 2m (dạng phóng lợn) có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Nhóm này điều khiển xe từ ngã tư Chợ Bến đi chợ Đồi Sim.

Ký ức những người lính cựu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa…

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục