Bộ GD - ĐT đã chính thức ban hành Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.
Thi 5 bài, mỗi tỉnh thành tổ chức 1 cụm thi
Theo quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, kỳ thi năm 2017 nhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT; xét tuyển ĐH-CĐ; cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Như đã công bố ở các dự thảo trước đó, năm 2017, Bộ GD-ĐT tổ chức thi 5 bài, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH-CĐ. Điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Hướng dẫn học sinh về kỳ thi THPT Quốc gia tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Ảnh: Mai Hải
Theo quy chế, kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức hàng năm. Ngày thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi được quy định trong hướng dẫn tổ chức thi THPT Quốc gia hàng năm của Bộ GD-ĐT. Đáng chú ý, Thông tư không chỉ rõ ngày thi cũng như hình thức thi. Tuy nhiên, trong phương án thi THPT Quốc gia được Bộ GD-ĐT công bố vào đầu năm học nêu rõ trừ Ngữ văn thi tự luận, 4 bài còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh cùng phòng có mã đề thi riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
Quy chế cũng nêu rõ, năm 2017, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT. Mỗi tỉnh, thành phố chỉ tổ chức 1 cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. Bộ GD-ĐT điều động cán bộ, giảng viên trường ĐH-CĐ đến các cụm thi để phối hợp tổ chức thi.
Về nội dung thi, năm 2017, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT. Học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12; thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GD-ĐT quy định.
Theo quy chế, điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính ĐXTN.
Tuyển sinh 2017: vẫn giữ điểm sàn vào đại học
Với quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, có một điểm thay đổi đáng chú ý so với dự thảo công bố trước đó. Đó là năm 2017 Bộ GD-ĐT vẫn giữ điểm sàn trong xét tuyển đại học thay vì bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học (điểm sàn). Quy chế nêu rõ, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Riêng các đại học đóng trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được xét tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 bài thi/môn thi dùng để xét tuyển) thấp hơn điểm sàn 1 điểm và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác thông tin sẽ tự xác định điểm sàn cho trường mình.
Cũng theo quy chế, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là cao nhất). Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện hướng dẫn của bộ liên quan.
Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. Đối với thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo điều kiện phụ do mỗi trường thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên người có nguyện vọng cao hơn. Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác trong đợt xét tuyển bổ sung. Một trong điểm mới của quy chế này là các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, báo cáo Bộ kết quả tuyển sinh trước ngày 31-12 hàng năm.
Quy chế cũng nêu, mỗi trường phải công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia. Đề án phải cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, gồm: cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo cùng một số thông tin quan trọng khác.
Bộ GD-ĐTsẽ thẩm định độc lập việc kê khai thông tin, nếu phát hiện trường hợp kê khai không đúng với thực tế sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với ngành/nhóm ngành liên quan, trường và cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý.
Ngoài ra, từ năm 2018 trở đi, các trường phải công bố thêm: tổng chi phí để đào tạo một sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành). Những trường không công khai đầy đủ thông tin thì không được thông báo tuyển sinh.
Các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng (ngoài quy định tại quy chế này) đối với học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh, thành phố vào ngành phù hợp với môn học chuyên, hoặc môn đoạt giải nếu đáp ứng điều kiện: 3 năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường…
TheoSGGP
(HBĐT) - Năm 2016, TP Hòa Bình quan tâm đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Thành phố đã đề nghị công nhận lại 6 trường, công nhận mới 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn thành phố có 40/54 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 74,1%. Trong đó có 4 trường mầm non, 1 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2.
(HBĐT) - Cùng các đồng chí trong Hội Khuyến học huyện Kỳ Sơn, chúng tôi đến thăm xóm Nội (xã Mông Hóa) - một trong những xã được đánh giá là điểm sáng trong phong trào khuyến học của toàn huyện. Đúng 19 h, tiếng nhạc hiệu từ hệ thống loa phát thanh vang lên báo hiệu giờ tự học của con em trong xóm bắt đầu. Chỉ ít phút sau đó, không gian dần trở nên yên tĩnh, việc ăn uống tại các hộ gia đình cũng nhanh chóng kết thúc, góc học tập trong mỗi gia đình lần lượt sáng đèn.
(HBĐT) - Ngày 12/1, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2016; sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ năm 2017, học kỳ II năm học 2016-2017. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Sáng 10-1, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam, Hội Anh ngữ Việt Mỹ VATC và Học viện Anh ngữ EQuest họp báo giới thiệu Cuộc thi English Champion 2017. Đây là năm thứ năm cuộc thi được tổ chức trên quy mô toàn quốc.
Nhân chuyến công tác tại An Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch danh dự Quỹ “Bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số và học sinh nghèo” đã trao 50 xe đạp cho trẻ em nghèo hiếu học huyện biên giới Tịnh Biên và Tri Tôn.
(HBĐT) - Ngày 6/1, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức tổng kết công tác khuyến học năm 2016, sơ kết 1 năm triển khai đại trà các mô hình học tập. Dự hội nghị có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Tất Dong, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.