Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về phòng, chống ma túy được nhà trường ưu tiên thực hiện dưới nhiều hình thức như sân khấu hóa với mô hình "30 phút vàng”, tổ chức hội thi kịch tuyên truyền về phòng, chống ma túy; mời cán bộ Công an tỉnh nói chuyện, tuyên truyền về tác hại của ma túy cho 100% học sinh; phát tờ rơi, sưu tầm sách, báo. Từ lãnh đạo đến giáo viên, công nhân viên và học sinh nhà trường đều được trang bị kiến thức về phòng, chống tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người.
Ban giám hiệu nhà trường cùng đội ngũ giáo viên, quản sinh thường xuyên tiếp xúc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em, nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Điểm nổi bật của nhà trường trong thực hiện mô hình là thành lập và duy trì đều đặn hoạt động của tổ tư vấn tâm lý do Sở GD&ĐT lựa chọn làm điểm. Với đặc thù là trường có học sinh dân tộc thiểu số sinh hoạt và học tập xa nhà, việc nắm bắt tâm lý để ổn định tinh thần cho các em là vô cùng quan trọng. Nhà trường đã xây dựng phòng tư vấn tâm lý do đồng chí Phó Hiệu trưởng làm tổ trưởng, các tổ phó là Bí thư và Phó Bí thư Đoàn trường cùng các thầy, cô giáo phối hợp thực hiện. Hình thức tư vấn theo nhóm hoặc cá nhân về mọi lĩnh vực, vấn đề mà học sinh gặp phải trong cuộc sống như: tư vấn hướng nghiệp, kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản, kỹ năng xử lý tình huống khi bị kẻ xấu gây nguy hiểm… sẽ được tổ tư vấn hỗ trợ, nói chuyện và đưa ra định hướng, giải pháp khắc phục. Năm học 2017 - 2018, tổ tư vấn đã thực hiện 13 cuộc tư vấn cho nhóm học sinh và 12 lượt tư vấn cá nhân. Học sinh có thể đến phòng tư vấn gặp trực tiếp tổ tư vấn hoặc qua nhắn tin, gọi điện, mạng xã hội… Mọi thông tin về học sinh đều được tổ tư vấn giữ bí mật.
Nhóm học sinh trường PT DTNT THPT tỉnh được tổ tư vấn tâm lý tư vấn các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường và phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy.
Bên cạnh việc ổn định tâm lý cho các em, nhà trường tăng cường phối hợp giữa lãnh đạo, giáo viên và phụ huynh trong việc quản lý học sinh. Duy trì hoạt động của đội an ninh xung kích, cờ đỏ làm nhiệm vụ kiểm tra hoạt động, sĩ số các lớp mỗi khi đến giờ học tập trên lớp hoặc giờ sinh hoạt nội trú, đóng vai trò cầu nối thông tin với tổ quản lý nội trú và Ban giám hiệu. Nhà trường từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh với 77 camera ở tất cả các vị trí quanh trường, các dãy nhà và từng phòng học. Trang bị phòng máy tính kết nối internet để học sinh sử dụng, tránh tình trạng học sinh ra ngoài chơi game, tạo điều kiện cho kẻ xấu tiếp xúc, lôi kéo. Đồng thời, mở hòm thư điện tử, trang mạng xã hội để học sinh có thể gửi hình ảnh, thông tin thông báo các hoạt động vi phạm quy định nhà trường hoặc có kẻ xấu vào trường giúp Ban giám hiệu kịp thời nắm bắt và xử lý.
Thực hiện phối hợp giữa nhà trường với chính quyền và công an địa phương trong việc nắm bắt các đối tượng nghiện trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực gần trường để tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tránh bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động trái pháp luật.
Với những biện pháp mang tính đồng bộ, nhà trường được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong xây dựng "Nhà trường an toàn không có ma túy” giai đoạn 2011 - 2016. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: "Việc xây dựng mô hình tại trường đặc thù như trường nội trú là bước đi đúng đắn, mang lại những kết quả tích cực, góp phần làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường. Phong trào đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần giúp nhà trường giữ vững ANTT, giáo viên và học sinh yên tâm giảng dạy, học tập và sinh hoạt”.
Thanh Sơn