Người dân huyện Mai Châu tiếp cận thông tin qua báo chí - một hình thức tự học hiệu quả, thiết thực.
"Tôi rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi lời khen ngợi tỉnh nhà, là tỉnh miền núi đầu tiên đã xóa xong nạn mù chữ…”. Đó là lời động viên vô giá của Bác Hồ trong bức thư khen ngợi đồng bào và cán bộ tỉnh Hòa Bình vì đã quyết tâm làm theo lời kêu gọi "cả nước chống nạn thất học”, đưa một địa phương nghèo khó trở thành tỉnh miền núi đầu tiên trong cả nước xóa xong nạn mù chữ. Thư của Bác từ tháng 1/1961, đến nay đã qua 60 năm nhưng vẫn như ngọn đuốc thắp sáng tinh thần hiếu học của các thế hệ người con Hòa Bình.
Bắt đầu từ nỗ lực xóa mù chữ
Tại thời điểm được nhận thư khen của Bác Hồ kính yêu, tỉnh đã thanh toán xong nạn mù chữ với tỷ lệ 91%. Sau đó, năm 1962, toàn tỉnh có thêm 5.434 người biết đọc, biết viết, các phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa tiếp tục tiến triển tốt, góp phần đáng kể vào công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và nâng cao trình độ dân trí của tỉnh nhà.
Đặc biệt, ngày 17/8/1962, một vinh dự lớn đến với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh: Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình. Đây là trường điển hình đầu tiên ở miền Bắc về kết hợp giáo dục với lao động sản xuất theo phương thức vừa học vừa làm. Tại đây, Người căn dặn: "Phải làm sao huyện nào cũng đều có trường vừa học vừa làm”, "vừa học tập vừa lao động để tự túc là cách học tốt nhất”.
Lời Bác dạy là định hướng quan trọng để Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ "nâng cao trình độ văn hóa của Nhân dân lao động” - một trong những nhiệm vụ cơ bản của địa phương khi thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Khi đó, cùng với các định hướng quan trọng trong phát triển KT-XH, Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh đã nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành thanh toán nạn mù chữ trong toàn tỉnh, bổ túc văn hóa cho 39.000 người.
"Trong thời kỳ toàn tỉnh đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ với quyết tâm thanh toán xong nạn mù chữ, tôi còn nhỏ nên thường lẽo đẽo theo mẹ đến lớp học "i tờ”…” - bà Nguyễn Thị Việt, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) vẫn khắc sâu ký ức ngày xưa, cứ đến tối, những đứa trẻ như mình lại tíu tít theo mẹ đến lớp học chữ cái a - ă - â - b - c… "Đứa bé hào hứng đọc to theo lớp học toàn người lớn có ánh đèn dầu leo lét, trong đó có mẹ của mình. Như vậy là cả mẹ con, ông bà cùng được xóa mù chữ (XMC), một lớp học mấy chục người thì có đủ người già, người lớn, trẻ con…" - bà Việt vui vẻ nhớ lại.
Cùng với lòng hiếu học của Nhân dân được hun đúc trong các lớp bình dân học vụ, hệ thống trường bổ túc văn hóa và trường phổ thông cũng được hình thành. Trong cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn này có ghi chép lại: Mặc dù trong hoàn cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu, tỉnh đã hoàn thành kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) với tỷ lệ 98% theo đơn vị xã, 100% theo đơn vị huyện. Cùng với đó, hệ thống trường, lớp phổ thông tăng nhanh, sự nghiệp GD&ĐT có nhiều tiến bộ…
Hướng đến xã hội "mỗi người dân là một học trò”
"Nếu như trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc, cha ông ta đã hăng hái diệt giặc dốt với "vũ khí" là phong trào bình dân học vụ để XMC thì ngày nay, chúng ta kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp bằng cách tiếp tục hành trình XMC với những yêu cầu cao hơn, hướng tới mục tiêu tốt đẹp hơn là xây dựng XHHT. Đây sẽ là một trường học lớn, nơi mỗi người dân là một học trò, nơi mỗi cá nhân đều được học và có trách nhiệm phải học thường xuyên, học suốt đời để trở thành một công dân tốt” - ông Phạm Quốc Vinh, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đà Bắc bày tỏ.
Đà Bắc là huyện vùng cao có điều kiện KT-XH nhiều hạn chế, trong 17 xã, thị trấn có đến 15 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, xác định giáo dục là sự nghiệp quan trọng hàng đầu, đồng thời là nền tảng để phát triển bền vững, huyện luôn chú trọng nâng cao chất lượng GD&ĐT. Trong 8 năm gần đây, Đà Bắc ưu tiên nguồn lực để thực hiện Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020, tạo môi trường giúp mọi tầng lớp, mọi người dân đều được tham gia học tập.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng XHHT và phổ cập giáo dục (PCGD) huyện Đà Bắc: Vượt qua nhiều khó khăn, kết quả XMC và PCGD của huyện rất đáng ghi nhận. Đến nay, huyện đã đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi; 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3. Riêng về công tác XMC, với 17/17 xã, thị trấn đã đạt chuẩn XMC mức độ 2, huyện nghèo Đà Bắc đã đạt chuẩn XMC mức độ 2, bắt nhịp với hành trình XMC chung của toàn tỉnh.
Không riêng huyện Đà Bắc, các địa phương trong tỉnh đã vượt qua nhiều thách thức để hướng tới mục tiêu xây dựng XHHT. Bắt đầu từ nỗ lực XMC, trong 8 năm thực hiện Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020, các thiết chế giáo dục mang tính cộng đồng và linh hoạt như trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), giáo dục nghề nghiệp, học tập cộng đồng (HTCĐ)... đã phát huy tốt vai trò. Kết quả, chương trình XMC thu hút được 1.594 học viên; chương trình giáo dục tiếp tục sau biết chữ thu hút 2.303 học viên; chương trình bổ túc THCS thu hút 2.098 học viên, chương trình GDTX cấp THPT thu hút 24.220 học viên... Thống kê đến đầu năm 2021, toàn tỉnh có số người trong độ tuổi 15 - 25 biết chữ đạt 99,95%, trong độ tuổi 26 - 35 biết chữ đạt 99,94%, trong độ tuổi 36 - 60 biết chữ đạt 99,45%.
Đặc biệt, trong nỗ lực phát triển mạng lưới thiết chế giáo dục đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người dân, 151/151 xã, phường, thị trấn đã có trung tâm HTCĐ, thu hút 67,7% số lao động nông thôn tham gia học tập. Cùng với đó, các thiết chế ngoài nhà trường như thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa... đã đa dạng hóa hình thức cung ứng các chương trình học tập suốt đời như tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề, trưng bày lưu động, biên soạn tài liệu, tờ rơi, tổ chức ngày hội đọc... Trong khuôn khổ Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020, toàn tỉnh đã hoàn thành cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, tạo điều kiện cho 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định… Đó tiếp tục là những viên gạch vững chắc góp phần đặt nền móng để toàn tỉnh chung sức, chung lòng, quyết tâm xây dựng thành công XHHT.
(Còn nữa)
Thu Trang