Lãnh đạo phòng GD&ĐT thành phố Hòa Bình làm việc với trường tiểu học Trần Quốc Toản về các khoản thu đầu năm học 2022 - 2023.
Khoản này là trường thu, khoản này là lớp thu…
Đầu tháng 10/2022, đường dây nóng Báo Hòa Bình nhận được thông tin của bạn đọc phản ánh về việc trường mầm non Hợp Hòa có một số khoản thu ngoài quy định, phụ huynh không được tham gia bàn bạc; việc thu tiền không có biên lai phiếu thu; tổng số các khoản thu từ đầu năm học 2022 – 2023 đến nay hơn 3 triệu đồng/học sinh (bao gồm cả tiền đồng phục)… Để rộng đường dư luận và sáng tỏ những nội dung phản ánh của phụ huynh, ngày 12/10, phóng viên Báo Hòa Bình đã làm việc với Ban giám hiệu (BGH) và một số GVCN của nhà trường.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 6 lớp với 168 học sinh. Chuẩn bị cho công tác thu chi năm học 2022 - 2023, ngày 14/9, nhà trường đã xây dựng Kế hoạch dự toán thu – chi về "Các khoản thu theo quy định, các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, thu phục vụ trực tiếp cho học sinh theo hình thức thỏa thuận năm học 2022-2023”. Kế hoạch này đã được lãnh đạo Phòng GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, cho phép thu với số tiền 1.930.000 đồng/học sinh. Ngày 2/10, nhà trường tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh (CMHS) đầu năm học 2022 – 2023 và tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận giữa nhà trường và Ban đại diện CMHS về Kế hoạch dự toán thu - chi, các khoản thu theo quy định, các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, thu phục vụ trực tiếp cho học sinh theo hình thức thỏa thuận năm học 2022 – 2023. Trong đó đã thống nhất tổng các khoản thu thỏa thuận là 1.930.000 đồng theo đúng kế hoạch đã được Phòng GD&ĐT thẩm định, ngoài ra không có thêm bất cứ khoản thu nào khác.
Tuy nhiên, khi phóng viên làm việc trực tiếp với GVCN các lớp (có sự chứng kiến của BGH nhà trường) thì được biết, ngoài số tiền thu theo dự toán được Phòng GD&ĐT thẩm định, tất cả các lớp đều có thêm các khoản thu khác. Cụ thể như tiền trang trí lớp 60 nghìn đồng/học sinh, tiền giặt chăn từ 50 – 70 nghìn đồng/học sinh, tiền mua đồ dùng học tập (hồ dán, màu, bút vẽ…) 150 nghìn đồng/học sinh, quỹ lớp 150 nghìn đồng/học sinh… Có lớp thì thêm khoản tiền mua loa khoảng 140 nghìn đồng/học sinh, lớp thì ủng hộ lắp rèm cửa 380 nghìn đồng/học sinh… Các khoản thu thêm này ở các lớp là khác nhau và được "bóc tách” là khoản thu của lớp, ngoài khoản thu của trường, do GVCN trực tiếp thu. Đáng lưu ý, theo rà soát, đối chiếu của phóng viên thì tất cả các khoản "lớp thu” này đều không có trong biên bản họp thỏa thuận giữa nhà trường và Ban đại diện CMHS về Kế hoạch dự toán thu – chi năm học 2022 - 2023. Đây cũng chính là các khoản đóng góp khiến phụ huynh băn khoăn, có ý kiến.
Cần tách bạch các khoản tiền do Hội phụ huynh thỏa thuận thu
Thực tế những năm qua cho thấy, các khoản thu hay phát sinh nhiều ý kiến trái chiều nhất chính là các khoản được gắn "mác” Hội phụ huynh tự thỏa thuận, vận động. Liên quan đến vấn đề này, đầu tháng 10 vừa qua, Báo Hòa Bình nhận được đơn kiến nghị của phụ huynh trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP Hòa Bình) có ý kiến về khoản thu quy đổi 1 buổi lao động của phụ huynh thành 150.000 đồng. Ngày 10/10/2022, phóng viên Báo Hòa Bình đã làm việc với lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Hòa Bình, BGH và Hội phụ huynh nhà trường. Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Thanh Huyền – Trưởng Ban đại diện CMHS lớp 4B cho biết: Nhà trường phát động phụ huynh tham gia lao động để tận dụng phế liệu trang trí cảnh quan nhà trường, dọn dẹp vệ sinh trồng hoa, cây cảnh, nhất là cải tạo cảnh quan chi Tân Thịnh trước nay chưa được quan tâm đầu tư như điểm Trần Quốc Toản. Tuy nhiên, đa số phụ huynh không có điều kiện tham gia lao động nên đã thống nhất đóng góp bằng tiền là 150 nghìn đồng. Ban Đại diện CMHS lớp nhờ GVCN thu hộ. Đến ngày 5/10, đã có 19 CMHS đóng góp khoản tiền này cho GVCN. Hiện nay, GVCN đã chuyển lại số tiền cho Ban Đại diện CMHS lớp quản lý.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, đồng chí Đinh Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc GVCN thu hộ Ban Đại diện CMHS là không đúng chức năng, nhiệm vụ. Nhà trường đã rà soát lại hoạt động thu chi đầu năm học của tất cả các lớp. Yêu cầu các GVCN thu tiền đầu năm học theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Tuyệt đối không được gợi ý phụ huynh mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động giảng dạy của giáo viên. GVCN tuyệt đối không được làm những việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ. Nhà trường cũng đề nghị Ban đại diện CMHS và GVCN các lớp tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CMHS, mọi khoản chi phí, kêu gọi ủng hộ phải được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch, trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng.
Câu chuyện xảy ra tại trường tiểu học Trần Quốc Toản cũng là bài học cho các nhà trường trong hoạt động thu chi đầu năm học. Cần tách bạch rõ ràng các khoản thu của trường riêng; đối với các khoản thu của Ban Đại diện CMHS thì nhà trường, GVCN không được liên quan; phải hoàn toàn do Ban Đại diện CMHS các lớp đưa ra bàn bạc, triển khai, tiến hành thu và quản lý chi tiêu.
Hiệu trưởng (bên trái) trường mầm non Hợp Hòa xã Cao Sơn (Lương Sơn) giám sát chất lượng bữa ăn trưa của trẻ.
Nhiều giải pháp nỗ lực kiểm soát lạm thu
Ngày 15/7/2022, HĐND tỉnh ban hành 2 Nghị quyết quan trọng liên quan đến hoạt động thu chi tài chính thuộc lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đó là Nghị quyết số 165/2022/ NQ-HĐND quy định "mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 – 2023 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Trong đó, quy định cụ thể mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chia theo 3 vùng, gồm vùng 1 (TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn), vùng 2 (các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thủy,Lạc Thủy) và vùng 3 (các huyện: Lạc Sơn, Kim Bôi, Mai Châu, Đà Bắc). Đặc biệt là Nghị quyết số 164/2022/ NQ-HĐND phê duyệt "mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Nghị quyết số 164/ 2022/NQ-HĐND đã quy định khá chi tiết mức thu tối đa đối với từng khoản thu theo từng cấp học và được kỳ vọng là sẽ giải quyết được dứt điểm vấn đề lạm thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Dư luận đánh giá cao Nghị quyết này khi đã quy định mức thu tối đa các khoản thu xưa nay hay phát sinh nhiều ý kiến trái chiều như: dịch vụ hỗ trợ trả tiền cô nuôi ăn bán trú; tiền điện; tiền nước uống; hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị, tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các kỳ thi trong năm học bao gồm: ra đề, sao in, tổ chức coi, chấm, ấn phẩm…
Căn cứ Nghị quyết số 164, Nghị quyết số 165 của HĐND tỉnh và Công văn số 2153/BGDĐT - KHTC, ngày 24/5/2022 của Bộ GD&ĐT về việc "thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD&ĐT năm học 2022 - 2023”, từ cuối tháng 8/2022, Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn số 2242 về việc "tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính năm học 2022- 2023”. Trong đó quy định rõ các khoản thu theo quy định; thu, chi dạy thêm, học thêm; các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ giáo dục: thu phục vụ trực tiếp cho người học theo hình thức thỏa thuận; những khoản thu hộ; khoản thu đóng góp của Ban đại diện CMHS và các khoản thu từ nguồn tài trợ.
Dương Liễu
Nhóm ý kiến:
* Sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục nếu để xảy ra lạm thu
Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm về quản lý thu, chi ngay từ đầu năm học. Đơn vị nào để xảy ra lạm thu, quan điểm của Sở là xử lý nghiêm, đúng quy định. Trước tiên, sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu.
Hiện nay, ngân sách nhà nước giao cho các cơ sở giáo dục chỉ đảm bảo chi thường xuyên, chi cho con người; các nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng cường, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các hoạt động chuyên môn của nhà trường, đặc biệt là thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018. Do đó, trước thềm năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Ban hành Nghị quyết số 164/2022/NQ-HĐND phê duyệt mức thu các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Ngoài các khoản thu theo quy định, các nhà trường tuyệt đối không được đặt ra bất cứ khoản thu nào trái quy định. Hiện nay, Sở GD&ĐT đã nhận được thông tin phản ánh về tình hình thu, chi của một số trường học trên địa bàn tỉnh. Sở GD&ĐT đã cử cán bộ trực tiếp tìm hiểu, nắm tình hình để có hướng xử lý đúng quy định.
Bùi Thị Kim Tuyến
Giám đốc Sở GD&ĐT
* Các khoản do Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động phải được đưa ra bàn bạc công khai, trên tinh thần tự nguyện
Căn cứ các Nghị quyết của HĐND tỉnh, văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND thành phố Hòa Bình ban hành công văn về "tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính năm học 2022 – 2023”. Phòng GD&ĐT đã và đang phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch; Thanh tra thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi đầu năm học tại các trường học trên địa bàn; kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định. Phòng GD&ĐT thành phố đã công bố số điện thoại đường dây nóng để phụ huynh, nhân dân kịp thời phản ánh các hiện tượng thu, chi không đúng quy định.
Tại một số trường trên địa bàn thành phố có việc Ban Đại diện CMHS chủ động bàn bạc tự mua máy chiếu, lắp rèm cửa, mua bàn ghế, lắp điều hòa… Đây là nhu cầu chính đáng của phụ huynh để nâng cao điều kiện học tập cho con em trong bối cảnh cơ sở vật chất, ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa trang bị được cho các nhà trường đồng bộ, hiện đại.
Tuy nhiên, ngành GD&ĐT đã yêu cầu rõ ràng là BGH các nhà trường phải hoàn toàn "đứng ngoài”, không được "gợi ý” hay yêu cầu phụ huynh các lớp mua sắm, trang bị đồ dùng dạy học, cơ sở vật chất. Nếu phụ huynh có nhu cầu trang bị để nâng cao điều kiện học tập cho con em thì hoàn toàn do Ban Đại diện CMHS đứng ra triển khai, thu chi quản lý nguồn tài trợ của phụ huynh và phải hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, tuyệt đối không được cào bằng, ép buộc.
Lê Văn Công
Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Hòa Bình
37 nhà khoa học Việt Nam vừa lọt top 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới, trong đó có 2 người lọt top 10.000 do nhóm giáo sư ĐH Standford (Mỹ) công bố.