Cô và trò trường mầm non thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) trong giờ học trải nghiệm ngoài trời về an toàn giao thông đường bộ.
Tại huyện Cao Phong, trước khi Sở GD&ĐT chỉ đạo triển khai chuyên đề, Phòng GD&ĐT huyện đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên năm học 2020 – 2021, trong đó có nội dung về giáo dục ATGT trong các trường mầm non. Vì thế, khi chuyên đề được chính thức triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, huyện đã sẵn sàng vào cuộc, đôn đốc 14/14 trường mầm non khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp.
Phòng GD&ĐT huyện Cao Phong đã tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên; hướng dẫn các trường điều chỉnh kế hoạch giáo dục thành kế hoạch hướng dẫn phụ huynh dạy con học ở nhà, với các nội dung ngắn gọn, trọng tâm, giúp phụ huynh dễ thực hiện; hướng dẫn giáo viên duy trì hoạt động kết nối với gia đình và với trẻ trên các nhóm zalo của lớp… Đối với những nội dung cần có đồ dùng để hướng dẫn trẻ, nhà trường yêu cầu giáo viên quay video gửi cho phụ huynh, còn phụ huynh gửi sản phẩm lên nhóm zalo của lớp để làm cơ sở cho giáo viên đánh giá. Phòng GD&ĐT huyện Cao Phong đã lựa chọn xây dựng mô hình điểm tại các trường MN: Sao Sáng, Đông Phong, Nam Phong, Thu Phong. Các trường còn lại lựa chọn từ 1-2 lớp làm điểm để các lớp khác áp dụng thực hiện. Trong quá trình thực hiện đã chú trọng tổ chức các hoạt động có nội dung về ATGT.
Trên phạm vi toàn tỉnh, nội dung chuyên đề "ATGT trong các cơ sở GDMN giai đoạn 2020 - 2024" đã được đưa vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non từ năm học 2020 - 2021. Gần 3 năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh thực hiện chuyên đề theo kế hoạch, lựa chọn nội dung phù hợp với chương trình GDMN, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể. Theo Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 10/10 phòng GD&ĐT, 222/222 trường mầm non đã xây dựng kế hoạch triển khai chuyên đề giai đoạn 2020 - 2024. 100% trường lựa chọn, bố trí, sắp xếp môi trường cho trẻ hoạt động và phân công lớp điểm để thực hiện chuyên đề, trong đó đa số trường đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Đến nay, 100% cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đã nắm vững mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ chủ yếu và có các biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện chuyên đề phù hợp. 100% cán bộ, giáo viên mầm non được cung cấp đầy đủ tài liệu tập huấn chuyên đề hàng năm. 100% trường mầm non được trang bị bộ tài liệu "Hướng dẫn tích hợp nội dung giáo dục ATGT" do Bộ GD&ĐT ban hành; có góc tuyên truyền về ATGT.
Đặc biệt, kết quả xây dựng môi trường ATGT rất đáng ghi nhận, với 100% trường có thiết bị, đồ chơi về ATGT; trên 90% trường có mô hình giao thông ngoài trời. Nhiều trường huy động tốt nguồn lực để trang bị những thiết bị, đồ chơi hiện đại như ô tô điện, xe đạp các loại, bộ đèn tín hiệu giao thông... giúp nâng cao hiệu quả học tập và trải nghiệm về ATGT cho trẻ. Với quyết tâm cao và nỗ lực đồng bộ, việc tích hợp nội dung giáo dục ATGT đã được các nhà trường triển khai hiệu quả. Trẻ mầm non được tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm về ATGT trong và ngoài nhà trường. Nội dung giáo dục trẻ về ATGT được các trường lồng ghép phù hợp với chương trình GDMN và các chủ đề trong năm học. Các hoạt động được thực hiện đa dạng, phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt, quá trình thực hiện đã huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phụ huynh học sinh về nội dung giáo dục ATGT trong trường mầm non.
Thu Trang