Với mong muốn giới thiệu thêm các xu hướng khoa học tiên tiến trên thế giới cho sinh viên, tọa đàm "Công nghệ vi mạch và tương lai phát triển ở Việt Nam” do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức đã diễn ra ngày 30/5 tại Hà Nội.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.
Diễn giả tham gia toạ đàm là chuyên gia, nhà nghiên cứu, đã giải đáp những vấn đề xoay quanh lĩnh vực công nghệ vi mạch. Đây cũng là cơ hội để sinh viên được tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp, nắm bắt xu thế của thị trường và tích lũy thêm kiến thức về ngành nghề mình theo học.
Tọa đàm về công nghệ vi mạch thu hút sự tham dự của đông đảo giảng viên, sinh viên.
Những năm gần đây, công nghệ vi mạch bán dẫn đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc thiếu hụt chip trên toàn cầu đang là vấn đề nóng mà nhiều nước vô cùng quan tâm. Chủ đề này đã được đưa ra thảo luận tại tọa đàm.
Tham dự tọa đàm với vai trò diễn giả, ông Phil Hoàng, quản lý cấp cao của Công ty Skyworks Solutions nhấn mạnh: "Ngành công nghiệp sản xuất vi mạch được xem là nền tảng quan trọng trong bối cảnh toàn thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu và sản xuất chip”.
Theo ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Công ty Synopsys Nam Á, nhu cầu sản xuất chip bán dẫn ở thị trường nội địa và quốc tế sắp tới sẽ rất lớn. Bởi lẽ, chip vi mạch, cụ thể là vi mạch bán dẫn tích hợp sẽ đóng vai trò tiên quyết trong việc vận hành các thiết bị. Chất lượng của chúng sẽ quyết định đến hiệu suất làm việc của máy móc, đồng thời, cũng sẽ chi phối tới giá thành của các linh kiện, công cụ điện tử.
Trong cuộc đua chuyển đổi số, việc phát triển các hệ sinh thái công nghệ hay sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp sẽ trở thành một trong những nhân tố cốt lõi, quyết định tốc độ tăng trưởng của các công ty công nghệ và việc làm chủ khoa học kỹ thuật của nhiều quốc gia.
Cũng trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Yên, Giám đốc kỹ thuật Công ty CoAsia SEMI Vietnam, đã chia sẻ những thách thức được đặt ra đối với ngành công nghệ vi mạch ở nước ta và những triển vọng cho các sinh viên đang theo học và nghiên cứu về lĩnh vực này.
"Xã hội đang tiến vào kỷ nguyên mới, nơi mà khoa học công nghệ vô cùng tiến bộ, sản sinh ra xe tự hành, điện toán đám mây và khả năng phân tích dữ liệu lớn. Chính những yếu tố này đã dẫn đến việc thiếu hụt chip, vi mạch điện tử trên toàn cầu. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các bạn sinh viên - những kỹ sư điện tử tương lai”, ông Nguyễn Thanh Yên cho biết thêm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng khoa Kỹ thuật điện tử, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhận thức được tầm quan trọng đó, Khoa Kỹ thuật điện tử dự định sẽ mở thêm ngành thiết kế vi mạch (IC design) vào chương trình đào tạo. Đây được xem là bước đi chiến lược, nắm bắt kịp thời những xu hướng của thế giới trong thời đại 4.0.