(HBĐT) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh Hòa Bình có 9.377 thí sinh dự thi, 9.312 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt 99,31%, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố. Đáng ghi nhận, có 190 bài thi đạt điểm 10. Phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đánh giá về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh, những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học trong thời gian tới.


Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình.

P.V: Xin đồng chí đánh giá khái quát kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại tỉnh có thể nói thành công tốt đẹp, kể cả khâu tổ chức kỳ thi và kết quả bài thi của thí sinh. Cụ thể, đối với khâu tổ chức được bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả điểm trung bình các bài thi của thí sinh là 6,33 điểm, tăng so với năm 2022 (năm 2022 là 6,29 điểm).

Đáng ghi nhận, toàn tỉnh có 190 bài thi đạt điểm 10, tập trung nhiều nhất vào môn Giáo dục công dân. Các trường có nhiều điểm 10 nhất là: THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, THPT Lạc Sơn, THPT Đại Đồng, THPT Cù Chính Lan, THPT Quyết Thắng. Đặc biệt, có 2 thí sinh của trường THPT Kim Bôi, THPT Tân Lạc xuất sắc đạt 2 điểm 10 môn Lịch sử và Giáo dục công dân.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh có 59 đơn vị giáo dục có thí sinh dự thi, trong đó, 30 đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%. Các đơn vị có kết quả thi nổi bật nhất là: THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, THPT Tân Lạc, THPT Kim Bôi, THPT Lạc Sơn, THPT Công Nghiệp...

P.V: Vậy đâu là những mặt mạnh qua kỳ thi vừa rồi, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến: Những mặt mạnh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được Sở GD&ĐT cùng các cơ quan chuyên môn đánh giá là công tác tổ chức ôn thi cho học sinh. Trong năm học, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức ôn tập sát với từng đối tượng học sinh. Ngay sau khi có đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, Sở đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức ôn tập, bám sát đề minh họa. Đồng thời, tổ chức 2 đợt thi thử để các em làm quen với kỳ thi, làm quen với việc thực hiện quy chế thi, rèn kỹ năng làm bài. Qua kết quả thi thử, các nhà trường căn cứ điều chỉnh phương pháp dạy học, ôn tập sát với điều kiện thực tế của đơn vị và sát với từng đối tượng học sinh, góp phần nâng cao kết quả kỳ thi.

Ngoài ra còn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành trong công tác tổ chức kỳ thi. Các sở, ban, ngành đã có phương án phối hợp tổ chức kỳ thi tại tỉnh như: Phối hợp trong công tác vận chuyển đề thi bảo đảm an toàn: Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ 4 xe, Công an tỉnh hỗ trợ 2 xe vận chuyển đề thi, có phương án hỗ trợ ca nô vận chuyển đề thi bằng đường thủy trên lòng hồ Hòa Bình đối với 2 điểm thi tại trường THPT Yên Hòa và THPT Mường Chiềng thuộc huyện Đà Bắc, phân luồng giao thông, hỗ trợ đưa đón thi sinh đến điểm thi trong trường hợp thí sinh đi muộn.

Song song với đó là sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền về kỳ thi của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí. Các lực lượng chức năng có phương án hỗ trợ đưa đón thí sinh đến điểm thi đúng giờ, có kế hoạch bố trí nơi ăn, chỗ ở cho số lượng lớn thí sinh tại điểm thi trong những ngày diễn ra kỳ thi; dự phòng các sự cố về dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, mất an ninh trật tự, ách tắc, chia cắt mạng lưới giao thông, mất thông tin liên lạc, các tình huống bất thường do thiên tai xảy ra trong thời gian trước và trong kỳ thi.

P.V: Qua đánh giá còn những hạn chế bộc lộ qua kỳ thi như phổ điểm các môn, theo đó môn nào cần đầu tư thêm, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 điểm trung bình các bài thi của thí sinh tại Hội đồng thi tỉnh có phổ điểm cao hơn năm 2022. Tuy nhiên, theo đánh giá, vẫn có một số môn phổ điểm thấp hơn phổ điểm chung của toàn quốc như: Ngoại ngữ, Toán, Giáo dục công dân. Đây là những môn học cần có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hơn trong thời gian tới.

P.V:Từ những kết quả và đánh giá Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xin đồng chí cho biết ngành Giáo dục có những định hướng gì để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng?

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến: Để bảo đảm chất lượng dạy và học ngày một nâng cao, nhất là đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau đạt hiệu quả cao hơn, trong năm học tới, Sở GD&ĐT tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt về công tác ôn thi tốt nghiệp THPT.

Sở cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị tiến hành khảo sát, tổ chức các đợt thi thử, tổ chức ôn tập cho học sinh thi THPT sớm hơn và sát với đối tượng, nguyện vọng của học sinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục học sinh, động viên học sinh trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác phân luồng và tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà ở tất cả các đơn vị.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


Hồng Trung (TH)


Các tin khác


Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục