(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Lương Sơn thu hút lượng lớn người lao động từ các địa phương khác đến làm việc và sinh sống. Dự kiến một vài năm tới, số trẻ mầm non ra lớp tăng cao, quy mô các trường mầm non công lập không đáp ứng đủ nhu cầu của phụ huynh gửi con đến trường nên việc thành lập các nhóm trẻ, lớp mầm non tư thục có chiều hướng phát triển mạnh và cần được quan tâm hỗ trợ kịp thời.
Trẻ trong giờ học tại Trường mầm non tư thục Thanh Nhàn, khu đô thị Đông Dương, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn).
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non (GDMN) giai đoạn 2019 - 2025. Từng bước đa dạng hóa phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng đạt chuẩn chất lượng GDMN; khuyến khích phát triển các cơ sở GDMN ngoài công lập để giúp tăng tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp.
Đến nay, huyện có 1 trường mầm non tư thục, 8 cơ sở mầm non tư thục với 25 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo (9 nhóm trẻ, 16 lớp mẫu giáo). Tổng số trẻ học tư thục có 416 cháu (165 trẻ nhà trẻ, 251 trẻ mẫu giáo). Tổng số phòng học có 25 phòng (kiên cố 16 phòng, bán kiến cố 9 phòng). Có 63 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gồm 2 cán bộ quản lý, 46 giáo viên và 15 nhân viên.
Năm học 2022 - 2023, huyện đã tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách huy động xã hội hóa trong GDMN; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người dân đầu tư xây dựng cơ sở GDMN phục vụ nhu cầu gửi trẻ, nhất là ở khu công nghiệp. Đồng thời, quan tâm khuyến khích xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; huy động các nguồn lực trong cộng đồng đầu tư cho GD&ĐT; hỗ trợ giáo viên tại các cơ sở GDMN độc lập, tư thục và trẻ trong các cơ sở GDMN ngoài công lập...
Theo đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn, thời gian qua, huyện đã thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tín dụng, thuế và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở GDMN ngoài công lập phục vụ nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ của công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp và của người dân ở những nơi tập trung đông dân cư. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển GDMN, bởi lẽ khi các cơ sở GDMN độc lập, tư thục được thành lập, đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho cơ sở GDMN công lập.
Tuy nhiên, trong năm học 2023 - 2024, việc phát triển cơ sở GDMN ngoài công lập trên địa bàn huyện Lương Sơn còn gặp những khó khăn như: một số giáo viên, nhân viên tại các cơ sở chưa thực sự gắn bó với nghề, một số cơ sở GDMN ngoài công lập không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh do thiếu giáo viên... Ngoài ra còn khó khăn về thực hiện các văn bản hiện hành, công tác quản lý cơ sở GDMN ngoài công lập, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên…
Ngay từ đầu năm học này, Phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn đã chỉ đạo các nhà trường, cơ sở GDMN độc lập, tư thục thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Huy động các nguồn lực để duy trì, nâng cao tỷ lệ trẻ ăn bán trú và chất lượng bữa ăn bán trú. Quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn của trẻ tại trường mầm non và các cơ sở GDMN độc lập, tư thục.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, tình yêu thương và trách nhiệm bảo vệ trẻ; nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là giáo viên tại các nhóm lớp độc lập, tư thục; khuyến khích giáo viên tự học và khai thác nguồn tài liệu, học liệu trên mạng internet. Đảm bảo 100% trẻ học tại các cơ sở GDMN độc lập, tư thục được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng theo quy định. 100% cơ sở GDMN ngoài công lập có đủ công trình vệ sinh phù hợp cho trẻ sử dụng.
Hồng Trung