Giáo dục thường xuyên là một hệ thống cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp có vai trò nòng cốt thúc đẩy học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời, qua đó giúp người dân phát huy năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần xây dựng xã hội học tập.


Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) hướng dẫn học sinh thực hành kỹ năng nghề. (Ảnh TRÀ HƯƠNG)

Tạo cơ hội học tập suốt đời

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước có 19.391 cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) gồm: Trung tâm GDTX, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), Trung tâm Học tập cộng đồng (HTCĐ) và các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ GDTX, trong đó, có 92 Trung tâm GDTX và 526 Trung tâm GDNN-GDTX.

Các trung tâm thực hiện các chương trình GDTX gồm: Chương trình xóa mù chữ; chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp; chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.

Vụ trưởng GDTX (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Đức Minh cho biết, hằng năm, các trung tâm thực hiện hoạt động giáo dục thường xuyên, nhất là Trung tâm GDTX và Trung tâm GDNN-GDTX, tích cực tham mưu UBND tỉnh, thành phố trong việc đề ra chính sách, cơ chế phối hợp nhằm triển khai các hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người.

Trong đó, các trung tâm tổ chức giảng dạy, mở lớp; phối hợp các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm HTCĐ vận động người mù chữ ra học các lớp xóa mù chữ, tổ chức các lớp xóa mù chữ, cử giáo viên trực tiếp dạy xóa mù chữ… Năm học 2023-2024, cả nước huy động được 90.508 học viên tham gia học các lớp xóa mù chữ, tăng gần 2,8 lần số học viên so với năm học trước; trong đó tỷ lệ học viên là người dân tộc thiểu số chiếm 93,73%.

Cùng với hoạt động xóa mù chữ, các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu người học với nhiều lớp học theo các hình thức học tập linh hoạt tại các địa phương cũng được các trung tâm triển khai. Năm học 2023-2024, số lượt người học tham gia các lớp chuyên đề phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng và các lớp bồi dưỡng thường xuyên trên cả nước là hơn 23,6 triệu lượt người. Nội dung các chương trình giảng dạy đáp ứng nhu cầu người học đa dạng về nội dung, phù hợp nhu cầu của những người dân về các lĩnh vực: Giáo dục pháp luật, văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, phát triển kinh tế…

Đáng chú ý, việc tổ chức thực hiện Chương trình GDTX cấp THCS và THPT đạt được kết quả tích cực. Năm học 2023-2024, cả nước có 5.724 học viên học chương trình GDTX cấp THCS và gần 430 nghìn học viên theo học chương trình GDTX cấp THPT. Cùng với đó, chương trình GDTX cũng được đồng bộ và triển khai tương ứng với các cấp học của Chương trình phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đó, Chương trình xóa mù chữ được ban hành tương đương với cấp tiểu học; Chương trình GDTX cấp THCS, THPT được ban hành tương đương từ lớp 6 đến lớp 12.

Hoạt động GDTX góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập ở từng địa phương. Nhiều địa phương có các trung tâm GDTX hoạt động hiệu quả như Trung tâm GDTX tỉnh Nghệ An có nhiều cách tiếp cận tìm hiểu nhu cầu người học. Giám đốc Trung tâm GDTX-Hướng nghiệp tỉnh Nghệ An, Trần Lam Sơn cho biết, năm học 2023-2024, trung tâm tuyển sinh được 1.124 học viên ở nhiều nhóm ngành đào tạo đại học; đồng thời tổ chức từ 45 đến 50 lớp bồi dưỡng khác nhau cho hơn 3.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức hàng trăm lớp giáo dục hướng nghiệp, hướng học với gần 9.000 học sinh tham gia…

Trong khi đó, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố hiện có 29 trung tâm GDNN-GDTX trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, năm 2023-2024 thu hút tổng số là 52.922 học viên theo học chương trình GDTX cấp THCS và THPT. Ngoài ra, các trung tâm GDNN-GDTX đã nỗ lực đa dạng hóa các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn theo các lĩnh vực; phổ biến kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; chủ động hợp tác với cơ sở giáo dục đại học... tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời.

Kết quả, trong năm học 2023-2024, có 1.888 lượt người tham gia học chương trình GDTX đáp ứng nhu cầu người học ở các lĩnh vực: Pháp luật, văn hóa-xã hội, môi trường, sức khỏe, kinh tế; có 10.684 người tham gia học các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn về tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, bồi dưỡng thường xuyên…

Quan tâm, đánh giá đúng vai trò GDTX

Mặc dù các cơ sở GDTX góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập nhưng thực tế hoạt động cho thấy nhận thức của xã hội về GDTX còn hạn chế, nhiều người dân, nhất là người lao động, chưa hiểu đầy đủ về tầm quan trọng của việc học suốt đời và cập nhật kỹ năng nghề. Trong khi đó, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển GDTX còn hạn hẹp, chưa xứng tầm đối với chức năng, nhiệm vụ được giao; cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hoạt động GDTX lạc hậu, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi. Đáng chú ý, sự thiếu hụt giáo viên có trình độ chuyên môn GDTX là một nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục của trung tâm không như kỳ vọng.

Theo các chuyên gia giáo dục, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xu thế xã hội hóa giáo dục, xây dựng "xã hội học tập, học tập suốt đời” là tất yếu, làm nền tảng cho việc đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước, trong đó, GDTX được coi là một hình thức giáo dục phù hợp với xu thế giáo dục mới. Vì vậy, cần xây dựng chính sách giáo dục hướng đến sự linh hoạt trong đào tạo, với các chương trình học phù hợp cho nhiều đối tượng học viên khác nhau.

Từ thực tiễn quản lý các hoạt động GDTX, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa ngành giáo dục với các địa phương trong công tác quản lý, đầu tư, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng điều kiện tổ chức các chương trình GDTX. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên tổ chức các kỳ thi, hội thi cấp tỉnh, thành phố, tạo sân chơi riêng cho học viên GDTX cũng cần được chú trọng.

Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học-GDTX, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Nguyễn Quang Thuận cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có các chính sách hợp lý gắn với các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tổ chức hoạt động GDTX giữa các địa phương, đơn vị với nhau. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Hải Dương Hoàng Tiến Dũng cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế chính sách và khung pháp lý để hỗ trợ các trung tâm GDTX trong việc tự chủ tài chính; đồng thời, có chính sách đào tạo chuyên biệt về đội ngũ cung cấp cho hệ thống GDTX để bảo đảm nguồn nhân lực về lâu dài.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong đổi mới giáo dục 10 năm qua theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, GDTX đã có nhiều thay đổi nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Vì vậy, cần đánh giá, định vị, nhận thức lại để có thái độ, ứng xử đối với GDTX từ bên trong ngành, đến xã hội và các cấp, ngành, địa phương. Do đó, ngành giáo dục cần có kế hoạch đổi mới về cách thức, quản trị, chính sách, đầu tư… với mảng GDTX để cung cấp nhân lực trong tương lai. Các trung tâm GDTX cần xác định nhiệm vụ triển khai phong trào bình dân học vụ số, "xóa mù số”, phổ cập số.

Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả hoạt động, các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX cần bám rất sát với địa phương, nắm bắt chiến lược phát triển, nhu cầu nhân lực của địa phương; tổ chức mô hình đa dạng, linh hoạt, phát huy hơn nữa giáo dục cá thể hóa… Ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện đồng bộ về chính sách liên quan tới mô hình các trung tâm hoạt động GDTX; đa dạng hóa các chương trình GDTX, chủ động đón đầu nhu cầu phát triển nhân lực tại địa phương và nhu cầu học tập của người dân để xây dựng kế hoạch cung ứng chương trình giáo dục hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.


Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Hà Nội: Trường THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây thành trường chuyên

UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định về việc tổ chức lại Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) và Trường Trung học Phổ thông Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).

Trường THCS Thanh Hà: Điểm sáng trong hoạt động câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”

Trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 5 câu lạc bộ (CLB) "Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập ở 4 xã, thị trấn thuộc huyện Lạc Thuỷ với sự tham gia của 150 thành viên từ 11 - 14 tuổi. Thông qua hoạt động, các CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi” không chỉ hỗ trợ cấp uỷ, chính quyền, cha mẹ học sinh trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các thành viên còn được trang bị kiến thức, kỹ năng, giúp các em biết tự bảo vệ mình. CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường THCS Thanh Hà, thị trấn Ba Hàng Đồi là một điển hình.

Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Sơ kết 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo

Ngày 13/1, Sở GD&ĐT phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và ra mắt mô hình "Chủ động lan toả thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin xấu độc”.

Các ngành học được miễn học phí 100%

Thời gian qua, Chính phủ quy định những ngành học, khối trường học được miễn học phí, nhằm thu hút người học vào những ngành cơ bản, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước.

Tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2024 – 2025

Ngày 11/1, Sở GD&ĐT tổ chức lễ tổng kết và trao giải Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục