Bạn đã bao giờ cảm thấy tim mình đập loạn xạ khi bước vào phòng thi? Bạn đã từng học bài kỹ ở nhà nhưng khi lên bảng kiểm tra miệng lại quên hết sạch kiến thức?

Hồi hộp, mất bình tĩnh khi thi cử dễ khiến bạn quên kiến thức. (Ảnh minh họa)
 
Nực cười ở chỗ là khi đã nộp bài xong, bạn nhìn lại đề thi thì tất cả mọi kiến thức của bạn lại quay trở về. Chắc hẳn bạn không muốn bao nhiêu công sức dùi mài kinh sử của mình biến thành bong bóng xà phòng trong phòng thi, nhất lại là một kỳ thi trọng đại để bước vào ngưỡng cửa đại học. Hãy cùng nghe giảng viên Nguyễn Mạnh Trường (giáo viên Kỹ năng mềm của Hệ thống đào tạo CNTT Quốc tế Bachkhoa-Aptech và Bachkhoa-Npower) lý giải điều này và cho các bạn trẻ những lời khuyên hữu ích. 
 
Không chỉ riêng bạn mà đây là thực trạng chung của nhiều thí sinh khi ở trong phòng thi. Bình thường, nếu ngồi ở nhà thì việc giải quyết những bài tập kia quá dễ đối với bạn nếu không muốn nói là “dễ như ăn cháo”: bạn gần như đọc làu làu được những gì bạn đã học, tỷ lệ mắc lỗi sai cũng ít hơn. Vấn đề là khi đứng lên nói trước mọi người hoặc ở trong phòng thi thì hình như não bộ của chúng ta lại hoạt động “ngu” hơn so với bình thường. Bạn quên sạch những gì bạn đã học hoặc có nhớ thì mọi thứ cũng hiện lên mờ ảo và lộn xộn. Hậu quả là có không ít những “chiến sĩ” học chăm, bình thường giải bài nhanh và chính xác như máy nhưng đến khi vào phòng thi thì lại hy sinh anh dũng!

 

Tên trộm đã đánh cắp đi sự thông minh, minh mẫn của bạn khi thi cử đó chính là sự hồi hộp, mất bình tĩnh. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về kỹ thuật NLP và ứng dụng của nó trong khi thi để chống hồi hộp.

 

NLP là gì?

 

Lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP - Neuro Linguistic Programming) được phát minh bởi hai trường đại học ở California cách đây gần 30 năm. Bộ não con người giống như một siêu máy tính với rất nhiều chương trình được cài đặt. Điểm thú vị ở đây là ta có thể tự lập trình cho siêu máy tính này. Hiểu đơn giản thì NLP là hệ thống những phương pháp, kỹ thuật để chúng ta có thể lập trình cho não bộ, điều khiển để nó hoạt động theo ý muốn của mình.

 

1. Dùng neo cảm xúc để chống hồi hộp

Neo cảm xúc giúp bạn có được cảm xúc tích cực một cách hết sức nhanh chóng. Kỹ thuật này mạnh đến mức có thể khiến cho một cặp vợ chồng đang xung đột tìm lại cảm giác yêu thương thuở nào.

 

Phương pháp neo cảm xúc lần đầu tiên được Ivan Pavlov khám phá dưới tên gọi “phản xạ có điều kiện”. Trước khi cho chú chó của mình ăn, ông đều gõ một tiếng chuông. Sau nhiều lần lặp lại, mối liên hệ giữa tiếng chuông và thức ăn được tạo thành trong đầu chú chó. Kết quả là sau này khi gõ chuông mà không có thức ăn, chú chó vẫn lập tức cảm thấy đói bụng và chảy nước dãi.

Ở con người, chúng ta cũng bị tác động bởi neo cảm xúc. Ví dụ như hồi xưa chúng ta rất hay nghe một bài hát yêu thích. Sau này nhiều năm khi tình cờ được nghe lại bài hát này ở đâu đó, bạn bỗng cảm thấy rất nhiều cảm giác ùa về và nhớ về thời điểm cách đây nhiều năm khi đang nghe bài hát. Vậy nếu vào những lúc đang cảm thấy đang cực kỳ phấn chấn, tự tin mà có một neo cảm xúc được gắn vào thì sẽ tạo ra sự liên hệ giữa cảm xúc khi đó với neo cảm xúc. Nghĩa là sau này chỉ cần có neo cảm xúc lúc ấy châm ngòi thì bạn có thể quay lại trạng thái cảm xúc phấn chấn, tự tin lúc trước.
 

 

Hãy nhớ lại xem từ trước đến giờ, bạn cảm thấy sảng khoái, phấn chấn, tự tin vào những lúc nào. Khi đó, có những neo cảm xúc nào đi kèm? Và đơn giản là trước khi vào phòng thi ta chỉ cần kích hoạt một loạt các neo cảm xúc đó là bạn sẽ ngay lập tức rơi vào trạng thái cảm xúc cao độ: sảng khoái, phấn chấn, tự tin.
 

Sau đây là một số gợi ý:

 

Loại neo

Ký ức

Neo cảm xúc

Biện pháp châm ngòi

Kết quả cảm xúc

Neo hình ảnh

Bạn học giỏi nhất môn Toán và thầy giáo dạy Toán cực kỳ quí bạn, luôn khen và biểu dương bạn trước cả lớp.

Gương mặt của thầy giáo dạy Toán

Hãy mang theo bức ảnh của thầy giáo dạy Toán vào phòng thi để nhìn vào gương mặt thầy.

Như đang được thầy tuyên dương trước cả lớp: tự tin, rạo rực. Bạn sẽ nhớ lại những điểm 10 môn Toán mà bạn từng đạt được.

Neo âm thanh

Khi được đứng lên nhận giải thưởng, các chương trình ti vi hay bật nhạc tôn vinh

Bài hát “Đường đến ngày vinh quang” hoặc nhạc trao giải thưởng.

Mang theo MP3 với toàn những bài hát động viên tinh thần, nhạc trao giải… để bạn có thể nghe trước khi vào phòng thi.

Sung sướng giống như mình đang nhận giải thưởng trước toàn trường.

Neo từ ngữ

Khi được người khác khen hoặc trước sự việc vui mừng, mọi người hay có những từ ngữ tích cực.

Các từ ngữ tích cực

Nhắm mắt lại, hít thở sâu và nhẩm trong đầu thật nhiều những từ ngữ tích cực.

VD: chiến thắng, thủ khoa, 10 điểm, vô địch, tự tin, tuyệt vời, sảng khoái, thần đồng, thiên tài…

Như đang được khen. Bạn nhớ lại những lúc mọi thứ đang rất tuyệt vời.

Neo hành động

Khi nhóm của bạn chiến thắng trong 1 trò chơi, mọi người vỗ tay, các thành viên giơ cao nắm đấm lên cao, vẻ mặt rất hãnh diện.

Các hành động tích cực

Ngồi trong phòng thi, bạn vỗ tay, nắm đấm lại và giơ 2 tay lên.

Như vừa giành được chiến thắng.

 

Áp dụng các kỹ thuật của neo cảm xúc, tôi tin là bạn đã tự tin hơn rất nhiều và nhịp tim của bạn chắc cũng đã đập bình thường như lúc đang ngồi nhà.

 

Tuy nhiên mọi thứ vẫn chưa xong. Khi vào phòng thi, các thầy giám thị có thể sẽ phá đám và khiến bạn hồi hộp, lo sợ trở lại:

 

 - “Anh kia, mang ngay tài liệu lên đây”.

- “Tôi cảnh cáo các anh các chị, ai mà giấu tài liệu trong người thì tôi lập biên bản đình chỉ thi”.

 

Chưa hết, để cố tình tỏ ra nguy hiểm, ngăn chặn các hành vi quay cóp các thầy cô giám thị còn bước qua bước lại trong phòng với tư thế hai tay sau lưng và đôi mắt nghiêm nghị. Với không khí như vậy, những “quay thủ” giàu kinh nghiệm nhất cùng bao vũ khí tối tân như: phao ruột mèo, điện thoại di động… cũng phải sợ xanh mắt mèo. Trong bối cảnh đó, dù chúng ta là những sĩ tử chân chính, đi thi bằng chính đôi chân của mình, không tàng trữ phao ruột mèo nhưng nghe giám thị xử lý “quay thủ” thì ít nhiều cũng hơi ghê ghê. Đặc biệt là khi các “quay thủ” trong phòng đã bị dồn vào đường cùng, đành “thà chết chứ không chịu hy sinh”, liều mạng quay bài và cuối cùng là tử nạn bởi giám thị. Nếu bạn không may đi thi trong môi trường toàn “quay thủ”, toàn những tín hiệu tiêu cực như vậy thì rất khó có thể bình tĩnh tập trung làm bài được.

 

Sau đây là các kỹ thuật NLP chuyên sâu hơn để giúp bạn xử lý vấn đề này.

 

2. Kỹ thuật NLP chuyên sâu

a) Giảm cường độ cảm xúc tiêu cực

NLP có thể giúp giảm cường độ cảm xúc về những việc tiêu cực thông qua việc di chuyển giác quan nội tại từ mạnh sang yếu:

 

- Chuyển hình ảnh tưởng tượng dưới góc nhìn của bạn (tức là bạn đang ở trong cơ thể bạn và nhìn thấy mọi việc xung quanh qua đôi mắt bạn) sang góc nhìn của người khác (tức là bạn nhìn thấy cả bản thân bạn từ đằng xa và thấy giám thị đang ngồi trong phòng thi). Khi trải nghiệm sự việc dưới góc nhìn của người khác, trạng thái cảm xúc của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn.

- Biến những hình ảnh về giám thị đang bước đi với tư thế hai tay sau lưng và đôi mắt nghiêm nghị thành những bức ảnh tĩnh.

- Tưởng tượng hình ảnh của giám thị đang nhỏ dần, nhỏ dần và từ từ lùi dần ra xa và cuối cùng là biến mất.

- Chuyển màu sắc của hình ảnh các giám thị từ có màu thành đen trắng.

- Giảm âm thanh từ giọng nói của giám thị khi nhắc nhở các thí sinh trong phòng từ lớn đến nhỏ.

 

b) Kỹ thuật xuyên tạc: 5 bước

Bước 1: Nghĩ về việc giám thị quát mắng và xử lý các “quay thủ” trong phòng thi.

Bước 2: Quay lại sự việc này trong tâm trí bạn như một bộ phim từ đầu đến cuối.

Bước 3: Tua đi, tua lại, quay lùi, quay tới đoạn phim với tốc độ nhanh gấp 3 lần.

 

Trong quá trình tua đi, tua lại này, ta bóp méo giác quan nội tại và làm mọi thứ trở nên hài hước.

 

Ví dụ: Bạn hãy tưởng tượng 1 thầy giám thị đầu hói, vừa cởi trần, vừa mặc váy đang nói. Hãy thêm nhạc vào trong những lời nói của thầy và làm cho giọng nói của giám thị trở nên chí chóe như chim hót mùa xuân về…

 

Bước 4: Lặp lại quá trình này 5-8 lần.

Bước 5: Thử nghiệm. Hãy thử nghĩ về giám thị một lần nữa. Bây giờ bạn cảm thấy thế nào?

 

Mục đích của kỹ thuật xuyên tạc không phải để phủ nhận sự việc mà là giúp bạn trung hòa cảm xúc tiêu cực. Từ nay, mỗi lần nhìn thấy giám thị là một loạt các hình ảnh hài hước mà bạn đã lập trình cho não sẽ ùa về. Thay vì cảm thấy sợ sệt, hồi hộp, bạn sẽ thấy giám thị trông rất hài hước, buồn cười.

 

Hy vọng là với các kỹ thuật NLP, các bạn có thể tự tin hơn khi bước vào phòng thi. Chúc tất cả các bạn có một kỳ thi Đại học thành công rực rỡ! 

 

                     

                                                                                Theo Dantri

Các tin khác

Không có hình ảnh
Lãnh đạo địa phương tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, góp phần giúp các em trường tiểu học Tòng Đậu (Mai Châu) vượt khó khăn, gắn bó với mái trường.
Ảnh minh hoạ.
Không có hình ảnh

Chuẩn bị thi ĐH-CĐ: Để đạt điểm tốt các môn học thuộc bài

Môn học thuộc lòng không phải chỉ cần học bài thuộc. Các giáo viên cung cấp cho thí sinh (TS) những lời khuyên hữu ích để có thể hoàn thành bài thi tốt nhất .

Thiếu giáo viên giảng dạy pháp luật, GDCD

Đội ngũ giảng viên, giáo viên, giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn thiếu về số lượng và chưa được chuẩn hoá về mặt chất lượng.

Cao Phong: Đưa vào sử dụng công trình Trung tâm Dạy nghề huyện

(HBĐT) - Ngày 29/6, UBND huyện Cao Phong đã tổ chức lễ khánh thành, bàn giao và đưa vào sử dụng công trình nhà Trung tâm Dạy nghề huyện.

Đà Bắc thực hiện có chất lượng Đề án “Kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên”

(HBĐT) - Những ngày tháng 6/2011, tại điểm trường THCS xã Tu Lý (Đà Bắc) đang bộn bề những phần việc của công trình xây dựng thuộc Đề án “kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên”. Một đồng chí lãnh đạo nhà trường cho biết: Nếu làm xong các hạng mục này, cơ sở vật chất của nhà trường sẽ được đảm bảo hơn cho việc phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia trong nay mai. Các phần công việc liên quan đến công tác quản lý, điều hành đề án được tiến hành suôn sẻ, đồng bộ. Đấy cũng là nét nổi bật chung của Đà Bắc, mà tại hội nghị giao ban toàn tỉnh, ngành chức năng và các ngành của tỉnh đã ghi nhận.

Sinh viên nữ được ưu tiên ở nội trú

Ngày 28/6, Bộ GD-ĐT có Thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên nội trú tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, ưu tiên nữ được ở nội trú.

Lần đầu tiên có quy định về bàn ghế cho học sinh

Lần đầu tiên, bàn ghế của học sinh tiểu học, THCS, THPT được quy định về tiêu chuẩn kích thước, vật liệu, kết cấu, kiểu dáng, màu sắc và phương thức bố trí bàn ghế trong phòng học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục