Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học ở Mê Linh đã có nhiều cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương và cho cả thành phố Hà Nội.
Nhiều người khuyến học
Ghi nhận những nỗ lực trong dạy và học trong năm học 2010-2011, Hội Khuyến học và Phòng GD-ĐT huyện Mê Linh đã tổ chức cho gần hai trăm cán bộ, giáo viên (GV) giỏi, HS giỏi, HS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt về thăm Lăng Bác, thăm khu Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh và làm lễ dâng hương, báo công tại Bái đường Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trong số HS dự chuyến đi này có nhiều em hoàn cảnh rất khó khăn, sáng cắp sách đến trường, chiều ra đồng làm việc. Lại có những em mồ côi cha hoặc mẹ, mới học lớp 7, lớp 8 đã trở thành lao động chính trong nhà. Không ít em mới chỉ biết Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua những trang sách hoặc trên màn ảnh truyền hình. Đây là lần đầu tiên các em được đến thăm, được trực tiếp nghe giới thiệu về di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hồng Nga trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. |
Cả tháng sau, khi có dịp trở lại Mê Linh, vẫn thấy nhiều bậc cha mẹ hân hoan kể về niềm vui của con cháu mình sau chuyến đi ấy. Họ ghi nhận nỗ lực của những người làm khuyến học và khẳng định vai trò đóng góp của công tác khuyến học với quê hương.
Sau 10 năm thành lập, Hội Khuyến học Mê Linh từ 5 chi hội nay đã có trên 200 chi hội, phát triển đa dạng trong các thôn xóm, trong Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức, Hội Đồng hương Mê Linh ở các tỉnh, hội ở các nhà chùa, khu công giáo với tổng số hội viên lên đến hơn 14 nghìn người. Bên cạnh các xã có phong trào mạnh từ nhiều năm như Thạch Đà, Thanh Lâm, Tráng Việt, Mê Linh, Tiền Phong… nay có thêm Vạn Yên, Tự Lập, Tiến Thắng, Hoàng Kim… Việc tổ chức khen thưởng GV giỏi, HS giỏi, HS thi đỗ ĐH, CĐ hoặc những người đỗ đạt thạc sĩ, tiến sĩ và cấp học bổng cho HS các gia đình khó khăn đã trở thành nền nếp của hội khuyến học các cấp. Riêng năm 2010, hàng trăm lượt GV giỏi, hơn 22 nghìn lượt HS giỏi, HS đỗ ĐH, CĐ được trao thưởng và 202 HS thuộc diện chính sách, HS nghèo vượt khó được nhận học bổng.
Nhiều cách làm hay
Ở Mê Linh có nhiều cách gây quỹ khuyến học khá độc đáo như vận động các đôi thanh niên khi kết hôn ủng hộ từ một đến hai trăm nghìn đồng; những gia đình tổ chức giỗ lễ, đám cưới… góp số tiền tương đương một mâm cỗ cho quỹ khuyến học… Hội Khuyến học huyện còn tổ chức các đoàn lên Lào Cai, Hà Giang - nơi có doanh nghiệp do những người con của đất Mê Linh đang hoạt động để vận động góp quỹ. Chỉ tính riêng năm 2010, quỹ khuyến học của huyện đã có trên 200 triệu đồng; quỹ các xã, phường có trên 920 triệu đồng; quỹ các thôn làng, tổ dân phố là hơn 420 triệu đồng… Tổng số tiền quỹ khuyến học toàn huyện trong năm lên tới gần 3 tỷ đồng.
Phát triển mạnh mẽ và hiệu quả nhất là phong trào xây dựng dòng họ hiếu học với 116 chi hội. Riêng ở xã Đại Đồng có 18/20 dòng họ làm tốt công tác khuyến học. Nhà thờ dòng họ Phùng Đình - Phùng Viết được xây dựng khang trang. Hằng năm, dòng họ tổ chức lễ báo công và bao giờ trước buổi lễ, đại diện họ tộc và các cháu cũng đến viếng nghĩa trang liệt sĩ. Quỹ Khuyến học của dòng họ Nguyễn Hữu được hình thành từ nguồn đóng góp của các hộ gia đình (mức tối thiểu là 50 nghìn đồng/hộ) cùng sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, những người thành đạt trong họ tộc, dành để khen thưởng các con em thi đỗ vào ĐH, CĐ. Năm năm trở lại đây, dòng họ đã động viên các gia đình trong họ tộc không để con em trong độ tuổi bỏ học và phổ cập trình độ THPT cho các cháu không có điều kiện học tiếp. Còn dòng họ Nguyễn Trại (thôn Văn Lôi), ngoài việc khen thưởng còn tổ chức các lớp bồi dưỡng, mời GV giỏi về giúp các cháu chuẩn bị thi ĐH, CĐ ôn tập.
Ở Mê Linh còn có rất nhiều chi hội, nhiều dòng họ làm tốt công tác khuyến học như Chi hội Bạch Trữ (xã Tiến Thắng), Chi hội Thọ Lão (xã Tiến Thịnh), họ Bùi Đình, họ Ngô (xã Tráng Việt), họ Nguyễn Trại (xã Thanh Lâm)… Với những nỗ lực ấy, khuyến học Mê Linh đã 3 lần được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen và được UBND TP Hà Nội tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc và nhiều bằng khen.
Theo HaNoiMoi
Bộ Quốc phòng - Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 38/2007/NĐ-CP ngày 15/3/2007 của Chính phủ về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ.
Nghe sinh viên vừa tốt nghiệp ra “hét” giá lương dưới 20 triệu sẽ không làm, nhóm tuyển dụng công ty N cũng phải đổ mồ hôi. Bởi ngay mức lương của những người ngồi phỏng vấn cũng chưa “với” đến con số đó.
Không có khung học phí, cũng không có quy định cụ thể về tiền trường trong khối trường ngoài công lập. Ràng buộc duy nhất là quy định mơ hồ “tiền trường thu theo mức do phụ huynh và nhà trường thỏa thuận”.
Ngày 19.9, nhiều trường ĐH-CĐ tiếp tục công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng (NV) 2 và chỉ tiêu (CT) xét tuyển NV3.
Tính đến ngày hôm nay (19.9), nhiều trường đã hoàn tất việc công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 2. Ở chặng đua cam go này, không ít thí sinh lại tiếp tục lỡ cánh cửa vào đại học. Vì thế, việc tìm đến với cánh cửa hẹp ở nguyện vọng 3, học cao đẳng nghề, hay quyết tâm ôn luyện cho năm sau đang là nỗi trăn trở của nhiều thí sinh?
Nhiều phụ huynh của các em học sinh tại các điểm trường ở xã Cư Pui, Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đến đầu năm học mới lại tất tả mang tre, gỗ, tôn... lên các khu vực quanh trường dựng lều cho con học chữ.